Trao đổi với phóng viên tạp chí Kinh tế Môi trường dưới góc nhìn chuyên gia, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (1989-2000) khẳng định, khi chưa đủ các điều kiện để tích nước, vận hành, công trình thủy điện tuyệt đối không được phép tích nước, bán điện. Bởi khi chưa đủ điều kiện vận hành, công trình sẽ không đảm bảo tính an toàn, nếu tích nước sẽ làm vỡ đập và xả lũ cho vùng hạ du.
“Cách đây chục năm, ở Tây Nguyên đã xảy ra trường hợp thủy điện chưa hoàn thành, bê tông chưa cứng đã tích và nước sau đó bị vỡ”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nếu như chủ đầu tư có nguyện vọng vận hành, cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương hoặc giao trách nhiệm UBND tỉnh thành lập Hội đồng nghiệm thu đánh giá công trình. Sau khi Hội đồng nghiệm thu đánh giá xong, dự án mới được phép báo cáo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) để bán điện. Theo đó, Bộ Công Thương căn cứ vào công suất dự án xác định giá bán.
Đối với trường hợp thủy điện Thượng Nhật, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng những vi phạm của đơn vị chủ đầu tư sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về hành vi tích nước khi chưa đủ điều kiện vận hành, chưa hoàn thành nhưng đã bán điện. Tổng công ty điện lực miền Trung (EVNCPC) chỉ được thương mại hóa việc mua điện, thực hiện mua điện khi dự án đã hoàn thành, không có nhiệm vụ giám sát, đảm bảo chất lượng công trình.
Được biết, ngay trước cơn bão số 13, trong các văn bản chỉ đạo ứng phó với mưa bão, tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu những công trình thủy điện đang thi công dở dang, công trình chưa được phép tích nước, các công trình không đảm bảo điều kiện vận hành an toàn không được phát điện, duy trì cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn, xả nước để phòng lũ.
Tuy nhiên, công trình Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông) do Công ty cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư, có công suất 11MW đã không chấp hành chỉ đạo trên, nhiều lần vi phạm quy định, tự ý tích nước hồ.
Sáng 14/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có công điện khẩn yêu cầu Công ty CP đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam phải chấp hành lệnh điều tiết lũ. Đồng thời, yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Nam Đông “giám sát 24/24h về việc chấp hành mở 5 cửa van của Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật”... Sau khi có công điện trên, phía chủ đầu tư mới chịu mở tất cả 5 van cửa xả của nhà máy.
Cũng trong ngày 14/11, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu Công ty CP đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam khẩn trương có báo cáo chi tiết các nội dung liên quan đến công tác vận hành công trình. Bên cạnh đó, yêu cầu EVNCPC không mua điện của Nhà máy thủy điện Thượng Nhật khi chưa đủ điều kiện theo quy định và báo cáo quá trình thực hiện công tác kiểm tra các điều kiện đối với bên bán theo quy định hiện hành.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định thành lập đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai tại công trình thuỷ điện Thượng Nhật tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, ông Tô Xuân Bảo khẳng định, đoàn công tác sẽ lập biên bản xử lý hành chính trong lĩnh vực an toàn thủy điện đối với sai phạm của thủy điện Thượng Nhật và sẽ kiến nghị xem xét thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đối với thủy điện này.
Theo ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, qua rà soát, Nhà máy thủy điện Thượng Nhật chưa đủ các điều kiện để tích nước, vận hành.
Tổng Công ty điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết đã nhận được văn bản đề nghị phối hợp của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, EVNCPC sẽ ngừng huy động công suất, sản lượng Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật cho đến khi đơn vị này tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý an toàn đập.
Trước báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ thông tin, tiếp theo, UBND huyện Nam Đông và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ xử lý theo thẩm quyền đối với những vi phạm của nhà máy thủy điện Thượng Nhật.