Kiểm toán Nhà nước đã nhiều lần đưa Doanh nghiệp Xuân Trường vào danh mục kiểm tra, đối chiếu thuế, nhưng doanh nghiệp này bằng nhiều lý do đã không chấp hành. Các lý do mà Doanh nghiệp Xuân Trường đưa ra là bận xây chùa, bận tổ chức lễ hội.
Thuê gần 3 triệu m2 xây chùa, nợ thuế phí, khi kiểm toán kiểm tra thuế thì không chấp hành do bận xây chùa, tổ chức lễ hội
Trong báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương tỉnh Ninh Bình năm 2018 vừa công bố mới đây, Kiểm toán Nhà nước khu vực XI đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến quản lý thuế đối với Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường (Doanh nghiệp Xuân Trường).
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, Doanh nghiệp Xuân Trường không nộp Báo cáo tài chính liên tục trong nhiều năm qua. Trong khi đó, Cục thuế tỉnh Ninh Bình lại chưa có biện pháp xử phạt, ấn định thuế theo quy định tại Điều 25, Thông tư 156/2013 và Điều 9 Thông tư 166/2013 của Bộ Tài chính.
Đáng chú ý, kiểm toán đã nhiều lần đưa doanh nghiệp này vào danh mục kiểm tra, đối chiếu thế nhưng đơn vị bằng nhiều lý do đã không chấp hành. Cụ thể, năm 2014 doanh nghiệp này viện lý do bận đang thi công nhiều công trình; năm 2015 vì lý do bận xây chùa ở một số nơi; năm 2018, 2019 vì các lý do đang xây dựng quần thể chùa Tam Chúc phục vụ Đại lễ Phật Đản.
Báo cáo kiểm toán cho thấy, Doanh nghiệp Xuân Trường được UBND tỉnh Ninh Bình ký 4 hợp đồng cho thuê đất trả tiền hàng năm với tổng diện tích hơn 2,9 triệu m2 để thực hiện Dự án xây dựng khu du lịch Tràng An, thời gian cho thuê là 70 năm, đơn giá thuê theo các quyết định của Sở Tài chính.
Mặc dù, Chi cục thuế huyện Hoa Lư đã nhiều lần làm việc, đôn đốc và yêu cầu nộp tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, từ thời điểm UBND tỉnh cho thuê đất năm 2007 đến nay, Doanh nghiệp Xuân Trường chưa thực hiện tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, tổng số tiền thuê đất phải nộp tính đến hết năm 2018 cơ quan Thuế xác định là 25,7 tỉ đồng, trong đó tiền thuê đất là hơn 15,6 tỉ đồng và tiền chậm nộp là 10,1 tỉ đồng.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước từ năm 2010-2012, Doanh nghiệp Xuân Trường không nộp báo cáo tài chính theo quy định. Trong các năm 2014, 2015, 2016, 2017 Doanh nghiệp Xuân Trường không nộp quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Trong khi đó, khi thi công, xây dựng các công trình du lịch tâm linh, Doanh nghiệp Xuân Trường không chấp hành đúng quy định của Nhà nước trong nghiệm thu khối lượng hoàn thành, thanh toán vốn đầu tư các công trình.
Kiểm toán Nhà nước cho rằng, nguyên nhân Doanh nghiệp Xuân Trường nhiều lần trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp, nghĩa vụ tài chính đất đai là do các cơ quan chức năng địa phương không quyết liệt thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp này.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các đơn vị liên quan thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ đối với Ngân sách Nhà nước năm 2018 và các năm trước sau có liên quan đến Doanh nhiệp Xuân Trường. Trong đó, Kiểm toán nhà nước yêu cầu chú ý xử lý dứt điểm những vi phạm của Doanh nghiệp Xuân Trường, yêu cầu nộp đủ tiền thuê đất, tiền phạt chậm nộp và báo cáo tài chính theo quy định.
Đồng thời, kiến nghị Cục thuế tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các Chi Cục thuế huyện Hoa Lư theo dõi và thu đủ khoản nợ đọng hơn 25,7 tỉ đồng tiền thuê đất của Doanh nghiệp Xuân Trường. Đặc biệt, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với không áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định đối với việc doanh nghiệp này chây ì không nộp tiền thuê đất.
Cần chấn chỉnh và xử lý đối với doanh nghiệp Xuân Trường
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Dự án xây dựng khu du lịch Tràng An là khu du lịch lớn, quy mô đầu tư cũng rất lớn. Tuy nhiên thời gian vừa qua khu du lịch này cũng thu hút rất nhiều khách du lịch và có một nguồn thu cũng rất lớn. Bởi vậy sẽ không ai nghĩ rằng doanh nghiệp Xuân Trường - chủ đầu tư của dự án này lại nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất.
“Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý. Pháp luật có đủ công cụ pháp lý để xử lý đối với trường hợp chậm nộp tiền sử dụng đất, chậm nộp thuế, thậm chí trốn thuế. Bởi vậy, cục thuế tỉnh Ninh Bình và UBND tỉnh Ninh Bình cần phải có biện pháp chấn chỉnh và xử lý đối với doanh nghiệp Xuân Trường nếu trường hợp doanh nghiệp cố tình nợ thuế và nợ tiền sử dụng đất”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Đồng thời Luật sư Cường cho rằng, trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm khác thì cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước có thể vào cuộc để làm rõ các vấn đề về tài chính, nghĩa vụ với nhà nước, xử lý doanh nghiệp này theo quy định pháp luật.
“Với những doanh nghiệp thuế đất phải trả tiền hàng năm mà cô ấy không trả tiền sử dụng đất, tiền thuế đất theo quy định thì nhà nước còn có thể thu hồi dự án. Việc nợ thuế, trốn thuế sẽ bị truy thu, bị xử phạt hành chính thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ những sai phạm của doanh nghiệp này (nếu có) để có những hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Doanh nghiệp Xuân Trường hiện vẫn nợ hơn 25 tỷ đồng tiền thuê đất theo các hợp đồng thuê đã ký với UBND huyện Hoa Lư.
“Việc nợ tiền thuê đất này sẽ được xử lý theo các thỏa thuận trong các hợp đồng đã ký về việc chậm trả nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng thuê đất. Nếu doanh nghiệp Xuân Trường còn nợ hoặc chưa đóng các nghĩa vụ tài tài chính về thuế khác sẽ tùy thuộc vào khoảng thời gian nợ, khoản nợ là gì để tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật”, Luật sư Tùng cho hay.
Nêu ý kiến về việc trong 4 năm 2014, 2015, 2016, 2017 Doanh nghiệp Xuân Trường không nộp quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định, Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, theo quy định của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện tại thì các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam (trong đó có doanh nghiệp tư nhân) phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, mức thuế suất được áp dụng cơ bản là 20% trừ những doanh nghiệp đặc thù hoặc được hưởng mức thuế ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC thì “Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm chậm nhất là ngày thứ 90 (chín mươi), kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính” Do đó nếu quá 90 ngày nêu trên mà doanh nghiệp không tiến hành nộp hồ sơ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là vi phạm pháp luật.
Theo thông tin hiện tại thì doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường trong các năm 2014, 2015, 2016, 2017 đã không nộp quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này vi phạm các quy định về nghĩa vụ đóng thuế của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường đã “nợ thuế thu nhập cá nhân” sẽ phải nộp thuế kèm theo là tiền chậm nộp thuế.
Tiền chậm nộp thuế được tính như sau:
Thông tư 26/2015/TT-BTC tại Điều 2, Khoản 9 sửa đổi, bổ sung Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định như sau:
“2. Xác định tiền chậm nộp tiền thuế
a) Đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh từ ngày 01/01/2015 thì tiền chậm nộp được tính theo mức 0,05% số tiền thuế chậm nộp tính trên mỗi ngày chậm nộp.
b) Đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh trước ngày 01/01/2015 nhưng sau ngày 01/01/2015 vẫn chưa nộp thì tính như sau: trước ngày 01/01/2015 tính phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo quy định tại Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13, từ ngày 01/01/2015 tính tiền chậm nộp theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13.
“e) Trường hợp người nộp thuế khai thiếu tiền thuế của kỳ thuế phát sinh trước ngày 01/01/2015 nhưng sau ngày 01/01/2015, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện qua thanh tra, kiểm tra hoặc người nộp thuế tự phát hiện thì áp dụng tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế khai thiếu từ ngày phải nộp theo quy định của pháp luật đến ngày người nộp thuế nộp tiền thuế khai thiếu vào ngân sách nhà nước.””
Theo quy định tại Điều 92 Luật Quản lý thuế năm 2006 sửa đổi bổ sung năm 2012 thì trường hợp nợ thuế quá 90 ngày thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Theo khoản 26 Điều 1 Luật quản lý thuế sửa đổi năm 2012 quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế được thực hiện theo trình tự sau: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; yêu cầu phong tỏa tài khoản; Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật; Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ;…
Trong đó, việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề là biện pháp quyết liệt nhất có thể được áp dụng.
Ngoài ra, Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, Doanh nghiệp Xuân Trường không có báo cáo tài chính sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập sẽ bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.