Nguyễn Xuân Đường trả lời tại tòa - Ảnh: TIẾN THẮNG |
Tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án hình sự "lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản" liên quan đến vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm (58 tuổi) và bà Phạm Thị Quyết (53 tuổi) - chủ Công ty TNHH Lâm Quyết, cả vợ chồng bị cáo cùng nhiều nhân chứng có mặt tại tòa đều khẳng định Nguyễn Xuân Đường là người huy động các đàn em đến chiếm đóng trụ sở Công ty Lâm Quyết từ ngày 3 đến 19-10-2017, dẫn tới việc nhiều tài sản và tài liệu giấy tờ chứng minh công nợ tại công ty bị thất lạc.
Liên quan các cáo buộc này, Đường "Nhuệ" thừa nhận nhiều lần có mặt tại trụ sở Công ty Lâm Quyết sau khi được vợ là Nguyễn Thị Dương thông báo việc vợ chồng ông Lẫm không còn có mặt tại công ty này.
"Gia đình tôi có cho vợ chồng ông Lẫm vay tiền, cụ thể chi tiết số tiền vay là bao nhiêu thì vợ tôi quản lý. Khi nghe thông tin vợ chồng ông ấy không còn ở công ty, tôi cùng với con nuôi đi đến để nghe ngóng thông tin.
Khi đến đã thấy có hàng chục người có mặt ở đây, một số người còn huy động xe để định lấy đồ đạc đi thì tôi ngăn lại" - Đường "Nhuệ" cho hay.
Cũng theo Đường "Nhuệ", có việc trao đổi qua điện thoại với ông Lẫm và trong quá trình này có lúc đã nóng nảy nên lời nói có việc đe dọa ông Lẫm và gia đình, nhưng chỉ là lời nói trong lúc nóng giận.
Chủ tọa phiên tòa chất vấn Nguyễn Xuân Đường về sự kiện "tanh bành" xảy ra tại Công ty Lâm Quyết trong khoảng thời gian từ ngày 3 đến 19-10-2017 thì có biết ai, có lấy đi đồ đạc gì tại công ty này?
Trả lời tại tòa, Đường "Nhuệ" khẳng định hoàn toàn không biết những người đến công ty, bản thân cũng không lấy đồ đạc gì của công ty và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này.
"Sau khi thấy nhiều người muốn lấy tài sản tại công ty này mang đi chỗ khác thì tôi có giao cho con nuôi là Bùi Mạnh Tiến phải ngăn lại, không được cho ai mang tài sản đi chỗ khác, ngoại trừ vợ chồng ông Lẫm. Mục đích tôi đến là để bảo vệ tài sản tại công ty này" - Đường trả lời.
Theo Đường "Nhuệ", đến ngày 19-10-2017 khi có người tên Kiên mang theo giấy ủy quyền của vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết giao cho con trai đứng ra giải quyết toàn bộ số tài sản trong công ty thì nhận thấy như vậy là đúng quy định pháp luật nên đã rút về. Trước khi về, có em trai ông Lẫm là ông Nhàn và công an xã chứng kiến.
Tại tòa, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội hỏi Đường "Nhuệ" về việc tiếp cận trụ sở công ty với mục đích bảo vệ nhưng khi đến có báo cho công an, chính quyền địa phương hay không. Khi cho người ở lại để ngăn ngừa người khác lấy tài sản của công ty thì có đăng ký tạm trú với cơ quan chức năng? Có điện thoại cho vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết và có được đồng ý hay không?
Nguyễn Xuân Đường cho biết khi đến có báo cáo với chính quyền địa phương nhưng không đăng ký tạm trú và có điện thoại cho ông Lẫm. Tuy nhiên, lại không được ông Lẫm đồng ý cho "bảo vệ".
"Nhà anh, anh đang ở hợp pháp và không cho phép ai đến thì anh có nên đến không? Nếu vẫn cố vào mà người ta bị mất cái gì thì liệu anh có nghi ngờ người ta hay không?" - đại diện VKS truy hỏi.
Trước câu hỏi này, Nguyễn Xuân Đường ngập ngừng không trả lời được nhưng vẫn cho rằng mình không sai.
Theo Tuổi Trẻ