Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Những vấn đề cần làm rõ khi phục hồi điều tra vụ án liên quan Đường “Nhuệ”

Nguyễn Triệu 10:54 25/04/2020

Trách nhiệm của Công an phường Trần Lãm và CQĐT Công an TP Thái Bình như thế nào khi đình chỉ vụ án “Cố ý gây thương tích”?

Khung hình phạt với Đường “Nhuệ” cũng như trách nhiệm của Công an phường Trần Lãm và CQĐT Công an TP Thái Bình như thế nào khi đình chỉ vụ án “Cố ý gây thương tích” suốt 5 năm qua xảy ra tại trụ sở Công an phường Trần Lãm? Đây là vấn đề dư luận đang rất quan tâm khi mà Công an TP Thái Bình vừa phục hồi điều tra.

22
Bà Đinh Thị Lý và con trai Mai Thế Duy.

Khung hình phạt nào cho Đường “Nhuệ”?

Như Báo PLVN đã thông tin, ngày 21/4/2020, CQĐT Công an TP Thái Bình đã quyết định phục hồi điều tra và khởi tố bị can với Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”, SN 1971, ngụ phường Kỳ Bá, TP Thái Bình) để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 104 BLHS năm 1999.

Năm năm trước, bà Đinh Thị Lý (56 tuổi, phường Trần Lãm, TP Thái Bình) cùng con trai Mai Thế Duy (33 tuổi) tố giác bị Đường “Nhuệ” hành hung ngay tại phòng tiếp dân Công an phường Trần Lãm. Sau 6 tháng ra quyết định khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích”, CQĐT Công an TP Thái Bình đã quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án do “Chưa xác định được bị can trong vụ án” và “Hết thời hạn điều tra”.

Nhận định về khung hình phạt đối với tội “Cố ý gây thương tích” của Đường “Nhuệ”, LS Lê Ngọc Khánh (Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết, căn cứ theo những thông tin thu nhận được, vụ án xảy ra ngày 18/11/2014, thời điểm BLHS năm 1999 còn hiệu lực; và theo điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, trường hợp BLHS 2015 quy định hình phạt nhẹ hơn BLHS năm 1999 thì áp dụng quy định của BLHS năm 2015 với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0h ngày 1/1/2018 mà sau thời điểm đó mới xét xử.

Theo LS Khánh, trong vụ án này sẽ áp dụng khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015 để xét xử và định hình phạt cho bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ngoài ra, LS Khánh cho rằng, ở đây còn có dấu hiệu phạm tội có tổ chức theo điểm đ khoản 1 Điều 134 BLHS 2015, có tính chất côn đồ theo điểm i khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 nên sẽ thuộc trường hợp áp dụng khung hình phạt tăng nặng; sẽ bị phạt tù từ 2-6 năm. Bên cạnh đó, những người phạm tội còn phải bồi thường dân sự cho nạn nhân. Việc xác định bồi thường thiệt hại căn cứ theo quy định tại Điều 589 đến Điều 593 BLDS năm 2015 về bồi thường thiệt hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

33
Luật sư Lê Ngọc Khánh

Cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan công an

LS Khánh còn cho rằng, vụ án trên có hai điều khó hiểu cần phải làm rõ. Thứ nhất, vụ việc trên xảy ra tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, TP Thái Bình mà Công an phường không hề hay biết thì rất vô lý. Theo như nguyên lãnh đạo Công an phường Trần Lãm, lý do không hay biết việc xô xát đánh nhau tại trụ sở công an phường là do hôm đó có cuộc họp giao ban trên tầng 2.

Theo LS Khánh, sự lý giải này càng không thỏa đáng vì Công an phường là lực lượng vũ trang, là nơi thường trực giải quyết mọi vụ việc xảy ra tại địa bàn, là nơi tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm trực tiếp đầu tiên, không thể bỏ mặc không có người thường trực sẵn sáng chiến đấu được. Mà các đơn vị này lúc nào cũng phải có lực lượng trực ban, trực chiến 24/24h kể cả ngày nghỉ, giờ nghỉ. “Trong khi đó, mẹ con bà Lý đến trụ sở công an phường để báo tin vụ việc, mong muốn được sự che chở, bảo vệ của cơ quan pháp luật, vậy mà cơ quan bảo vệ pháp luật lại nói là không biết thì không thể chấp nhận được”, LS Khánh nhận xét.

Thứ hai, khi Công an TP Thái Bình thụ lý điều tra vụ việc này, có bị hại, đối tượng gây án, nhân chứng, thậm chí có kết quả giám định thương tích anh Duy bị đánh gãy xương hàm và tỷ lệ thương tật là 15%. Song Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã khởi tố vụ án vậy mà 6 tháng sau lại có quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án. Trong khi lý do mà Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình nêu ra để tạm đình chỉ điều tra vụ án trên là không có tính thuyết phục, gây bức xúc không những cho gia đình bị hại mà cả đối với công luận xã hội.

LS Khánh cho rằng, sau khi vợ chồng Đường “Nhuệ” bị bắt và hàng loạt sai phạm bị phanh phui và sau khi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có chỉ đạo thì vụ án mới được lật lại và Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Đường.

Từ những lý giải trên, LS Khánh cho rằng: “Nếu vụ việc trên sau khi điều tra xác minh có đủ chứng cứ thì ngoài việc phải điều tra, xác minh làm rõ hành vi phạm tội của các đồng phạm, cần phải làm rõ trách nhiệm của Công an phường Trần Lãm và Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình”.

Theo Pháp Luật Plus

Link gốc : /nhung-van-de-can-lam-ro-khi-phuc-hoi-dieu-tra-vu-an-lien-quan-duong-nhue-

Bạn đang đọc bài viết Những vấn đề cần làm rõ khi phục hồi điều tra vụ án liên quan Đường “Nhuệ” tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật