Cụ thể, tại BV Bạch Mai, hồ sơ các trang thiết bị bị che mờ về giá trị nhập khẩu, làm ảnh hưởng đến việc xác định giá trị đưa vào liên doanh liên kết (LDLK).
Thực hiện liên doanh với bên ngoài, thu giá cao hơn quy định, làm tăng chi phí KCB của người bệnh và phải phân chia doanh thu với đối tác, như: Liên kết với Công ty TNHH Công nghệ y tế Hà Nội: Máy chụp CT3 đặt tại Khoa thần kinh. Chênh lệch thu chi sau 17 tháng bằng 2,2 lần giá trị máy, máy CT 32 đặt tại Khoa khám bệnh, sau 1 năm chênh lệch thu chi bằng 3 lần giá trị máy.
Nhiều máy LDLK đã hết khấu hao, nhưng vẫn liên kết, chưa thực hiện kiểm định lại chất lượng máy và chưa đàm phán lại tỷ lệ phân chia. Đưa vào cơ cấu giá dịch vụ bao gồm tiền lãi vay mua máy của đối tác.
Một số máy được mua từ nguồn thu nhàn rỗi, nhưng lại lập đề án để thực hiện xã hội hóa dạng đặt mua máy để thu giá dịch vụ cao hơn giá ban hành của Bộ Y tế với tổng thu năm 2016-2018 cao hơn giá quy định là 45 tỷ đồng. Thu tiền áo toan trong một số loại hình phẫu thuật đã có trong cơ cấu giá, nhưng vẫn thu thêm hơn 25 tỷ đồng.
Bệnh viện Bán một số thuốc ngoài thầu không nằm trong danh mục đấu thầu của Bệnh viện hoặc kê khai của các loại thuốc trên chưa được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý dược.
Cùng với đó là việc chậm quyết toán dự án hoàn thành so với quy định tại Thông tư 09 quy định về quyết toán dự án hoàn thành, như: Gói thầu cải tạo, sửa chữa nhà A9, hợp đồng ngày 21/9/2015 có trị giá hơn 4,9 tỷ đồng; gói thầu cải tạo, sửa chữa khu nhà A, hợp đồng ngày 30/3/2016 trị giá hơn 1,3 tỷ đồng; gói thầu cải tạo sửa chưa Trung tâm phục hồi chức năng. Tiên lượng dự toán gói thầu còn cao hơn so với hồ sơ thiết kế.
Quy chế chi tiêu nội bộ chưa quy định đầy đủ các khoản thanh toán cho cá nhân mà thực hiện theo từng tờ trình riêng.
Đối với các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế: Một số thiết bị nhập khẩu chưa có giấy phép nhập khẩu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng vẫn được chấp nhận trúng thầu.
Công tác hiệu chuẩn thiết bị chưa được quan tâm đúng mức, số lượng thiết bị kiểm định định kì chiếm số lượng nhỏ so với danh mục sản phẩm cần được kiểm định theo Thông tư 31 (máy đo điện tim, huyết áp kế lò xo...)
Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra việc Bệnh viện Bạch Mai đã giảm giường bệnh thường, tăng giường dịch vụ vào năm 2018 và chi từ quỹ phúc lợi cho cán bộ đi nước ngoài 6,7 tỷ đồng.
Trả lời các vấn đề này ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Về mặt chủ chương là không có sai, Liên danh liên kết citi cộng hưởng từ không ai kiểm định được, không ai có đủ năng lực để kiểm định, thực hiện đúng thì tất cả đều đóng cửa. Các máy cộng hưởng từ là những kỹ thuật cực kì cao, cái này thường thường các tham số tốt là được. Còn với máy bức xạ thì mình đảm bảo cái bức xạ an toàn, khi hết hạn thì mình đo an toàn bức xạ, cái này thì có trong cả nước”.
Ông Hiền nhấn mạnh: “Tăng giường dịch vụ thì không chuẩn, quy định của bệnh viện những giường theo yêu cầu của Nghị định 43 bệnh nào cũng thế, đều có giường thu theo yêu cầu. Về việc thu giá cao thì chưa có ai kêu ca, phàn nàn vì giá cao cả, mọi tính toán đều có cơ sở của nó".
Liên quan đến lãi vay thì ông Hiền nói :“Về lãi vay thì anh cũng giải thích với thanh tra kiểm toán rồi, khi có lãi vay, có hồ sơ vay cho đúng chứ không có gì sai, theo ý kiến của Bộ Y tế thì khuyến cáo bỏ lãi vay đi, lãi vay là kéo dài hợp tác với người ta thôi”.
“Chi phúc lợi đi nước ngoài thì chuyện này bình thường và được phép, việc này căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ. Quỹ phúc lợi anh em các khoa phòng đều sử dụng đi nước ngoài”, ông Hiền nói.
Còn về việc chậm quyết toán dự án hoàn thành tại gói thầu A9 thì ông Hiền không nắm được, cho là không có sự việc này.
Theo kiểm toán viên thì việc liên danh liên kết của Bệnh viện Bạch Mai đang có nhiều vấn đề cần phải làm rõ.