Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Dự án TNR Stars Đồng Văn: 'Chơi' với TNG, đối tác cũ và khách hàng mới đã thiệt hại

KHOA HỌC ĐỜI SỐNG 22:48 10/11/2020

Một mặt khởi kiện yêu cầu vô hiệu hợp đồng, đẩy đối tác ban đầu vào thiệt hại

nhưng mặt khác chủ đầu tư dự án Khu nhà ở phục vụ Khu Công nghiệp (KCN) Đồng Văn (TNR Stars Đồng Văn) lại quảng cáo và kinh doanh đất thuộc dự án khi chưa đủ điều kiện, khiến khách hàng vất vả đi... đòi công lý.

Theo quy hoạch chi tiết được điều chỉnh tháng 11/2016, dự án có diện tích khoảng 46,1ha, trong đó có gần 20ha là đất ở. Trước đó, dự án đã điều chỉnh quy hoạch nhiều lần.

Khách hàng đến tận tòa nhà TNR Tower Nguyễn Chí Thanh để đòi quyền lợi.

Mua xong, kiện đối tác cũ

Dự án xây dựng hạ tầng Khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn II (TNR Star Đồng Văn), Duy Tiên, Hà Nam là một phần của thương vụ chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Phát triển Hà Nam của Công ty CP ATA cho VID Group. Nhưng đến nay đây là dự án phát sinh tranh chấp giữa các bên. Trong khi đó nhiều khách hàng mới đã mua đất tại dự án cũng sa lầy trong khiếu kiện đòi “sổ đỏ”.

Lịch sử dự án cho thấy, năm 2004, Công ty CP Phát triển Hà Nam đã ký kết nhiều hợp đồng góp vốn với các nhà đầu tư thứ cấp, hay các cá nhân có nhu cầu. Trong đó có, ký kết Hợp đồng góp vốn số 25/HĐGV ngày 20/12/2006 với ông Phạm Văn Giang để cùng đầu tư xây dựng hạ tầng diện tích 69 lô đất thuộc Dự án Khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn II.

Hay Hợp đồng số 24/HĐKT ngày 01/12/2006 đồng ý cho Công ty TNHH Khải Hương góp vốn và được sử dụng lâu dài 99 lô đất tại Khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn II. Và Hợp đồng góp vốn số 29/HĐGV ngày 20/03/2007 với ông Phạm Hồng Sáu để cùng đầu tư xây dựng hạ tầng 02 ô đất tại lô LK 09 trong Dự án khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn II.

Một tháng sau, ngày 21/04/2007, nhóm Công ty CP ATA (cổ đông pháp nhân lớn tại Công ty CP Phát triển Hà Nam) và bà Nguyễn Thị Thương (Bên A) đã ký Hợp đồng chuyển nhượng 98,03% vốn điều lệ cho nhóm VID Group và ông Trần Anh Tuấn (Bên B).

Hợp đồng xác định nhóm cổ đông mới là VID Group sẽ tiếp quản các quyền và nghĩa vụ của Công ty CP Phát triển Hà Nam, bao gồm nhưng không giới hạn việc nhận bàn giao dự án, các hợp đồng và các công việc mà nhóm cổ đông cũ đã và đang thực hiện.

Tuy nhiên, gần 10 năm sau, năm 2013, Công ty CP Phát triển Hà Nam (do nhóm cổ đông mới gồm ông Trần Anh Tuấn và VID Group chi phối) đã quay ra khởi kiện, yêu cầu tòa án tuyên các hợp đồng trên vô hiệu.

Tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên hợp đồng vô hiệu và xử ông Phạm Hồng Sáu (bên góp vốn) phải trả Công ty CP Phát triển Hà Nam 02 ô đất số 39 và 40. Công ty CP Phát triển Hà Nam chỉ phải trả ông Phạm Hồng Sáu số tiền gốc là 30 triệu đồng và khoản bồi thường thiệt hại hợp đồng là 69 triệu đồng (tổng cộng 99 triệu đồng).

Tương tự, tòa cũng tuyên hợp đồng vô hiệu và xử Công ty TNHH Khải Hương phải hoàn trả lại cho Công ty CP Phát triển Hà Nam 99 lô đất. Công ty CP Phát triển Hà Nam chỉ phải trả bên góp vốn là Công ty TNHH Khải Hương số tiền gốc là hơn 5,6 tỷ đồng và khoản bồi thường thiệt hại là hơn 22,754 tỷ đồng (tổng cộng là hơn 28,361 tỷ đồng).

Riêng Hợp đồng góp vốn số 25/HĐGV, phiên tòa sơ thẩm do TAND huyện Duy Tiên tuyên vô hiệu, nhưng cấp Phúc thẩm do TAND tỉnh Hà Nam xét xử tuyên Hợp đồng góp vốn này có hiệu lực. Tháng 10/2015, Công ty CP Phát triển Hà Nam tiếp tục khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên các Hợp đồng thuê lại đất số 25/2006/HĐTĐ, 26/2006/HĐTĐ, 27/2006/HĐTĐ và 31/2006/HĐTĐ vô hiệu. Sau đó doanh nghiệp này xin rút yêu cầu khởi kiện đối với Hợp đồng 27/2006/HĐTĐ và Hợp đồng 31/2006/HĐTĐ.

Điểm chung của những cuộc kiện "lật kèo" sau 10 năm này là, dù thắng hay thua, các đối tác của Công ty CP Phát triển Hà Nam (nay thuộc nhóm VID chi phối) đều thiệt hại nặng nề. Vì các tài sản đã mua vài trăm triệu 10 năm trước đã có giá nhiều tỷ đồng tại thời điểm bị buộc phải trả lại.

Không khó để thấy nhóm VID đã chọn giải pháp thâu tóm xong mới kiện, để các đối tác (trước khi nhóm VID xuất hiện tại Công ty CP Phát triển Hà Nam) phải sạt nghiệp.

Lập luận đúng sai trong các cuộc kiện này nằm ở bản án của tòa và quan điểm của người đi kiện, người thua thiệt. Nhưng việc nhận tiền xong, thâu tóm xong, rồi quay ra kiện đối tác, thì đúng là chỉ dẫn về đạo đức kinh doanh mà nhóm VID - nay là TNG Holdings - cho là bình thường. Nhưng với người khác, thì có thể là tráo trở.

Tòa nhà TNR Tower Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Đưa khách hàng mới... vào tròng?

Trong thời gian khởi kiện, tranh chấp với nhóm chủ cũ, đối tác cũ tại dự án TNR Stars Đồng Văn, Công ty CP Phát triển Hà Nam đồng thời quảng cáo, kinh doanh nhiều lô đất thuộc chính dự án này. Oái oăm là việc kinh doanh ấy thực hiện khi dự án... chưa đủ điều kiện kinh doanh.

Trong các năm 2017 - 2018, cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đã nhiều lần yêu cầu công ty không được thực hiện kinh doanh sản phẩm của dự án. Tháng 01/2018, Ban Quản lý phát triển Khu đô thị mới tỉnh Hà Nam thậm chí báo cáo, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thanh tra, yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc kinh doanh sản phẩm của dự án.

Còn theo phản ánh, nhiều trường hợp khách hàng đã mua các lô đất nền tại dự án và đóng tiền tới 95%, nhưng đến nay chưa có “sổ đỏ”. Nhiều lần, khách hàng của dự án kéo tới tận trụ sở TNG căng băng rôn tố chủ đầu tư "lừa đảo".

Tháng 04/2019, trong một văn bản trả lời về vấn đề “sổ đỏ”, đại diện Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Hà Nam cho biết: “Hiện nay Chủ đầu tư dự án chưa được UBND tỉnh Hà Nam cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền...”. Còn trong một thông cáo báo chí, phía TNG Holdings còn khẳng định: dự án TNR Stars Đồng Văn "đã đủ điều kiện bán hàng", nhưng “vì một số lý do khách quan nên tiến độ cấp sổ đỏ phân lô cho khách hàng kéo dài”.

Tất nhiên, đến nay tiến trình xử lý vụ việc giữa chủ đầu tư với cơ quan chức năng và khách hàng đã có thể được xem xét giải quyết. Nhưng việc đối tác cũ và khách hàng mới đều thiệt hại khi giao dịch với TNG Holdings tại một dự án lại cho thấy thực tế rất khác. Dường như, trong triết lý kinh doanh của TNG, các yếu tố uy tín, đạo đức - vốn luôn được các doanh nghiệp giữ gìn và ưu tiên - đã bị đặt dưới các lợi ích kinh tế của tập đoàn. Chỉ điều đó mới giải thích cho việc vì sao trong khi kiện hợp đồng với đối tác cũ vi phạm pháp luật, thì TNG lại sẵn sàng phớt lờ yêu cầu của tỉnh Hà Nam, để "hút tiền" và vi phạm hợp đồng với khách hàng mới.

Thế thì, có còn đối tác nào, tại các dự án khác, các giao dịch khác phải chịu thiệt hại vì kiểu kinh doanh này của TNG - tập đoàn lớn, với hàng chục dự án đô thị, KCN tại nhiều tỉnh thành và một ngân hàng hậu thuẫn?

Link gốc : https://khoahocdoisong.vn/du-an-tnr-stars-dong-van-choi-voi-tng-doi-tac-cu-va-khach-hang-moi-da-thiet-hai-the-nao-156067.html

Bạn đang đọc bài viết Dự án TNR Stars Đồng Văn: 'Chơi' với TNG, đối tác cũ và khách hàng mới đã thiệt hại tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật