Trong buổi làm việc cùng PV TH&SP tại trụ sở BIDV Thanh Hóa sáng ngày 26/5/2020, đại diện ngân hàng khẳng định BIDV hoàn toàn thực hiện các bước tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, thể hiện trong văn bản trả lời số 473/BIDV.TH-KHDN ngày 28/4/2020 do Phó giám đốc BIDV Thanh Hóa-ông Đoàn Huy Hoàng ký.
Đọc qua Văn bản số 473, bằng cảm quan cá nhân, Ngân hàng BIDV Thanh Hóa thực hiện các bước tiến hành thu giữ và bán đấu giá tài sản cực kỳ chuẩn chỉ và đúng pháp luật. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ, chúng tôi đăt ra rất nhiều nghi vấn.
Trước đó, đại diện phía BIDV Thanh Hóa từ chối cung cấp danh tính đơn vị trúng đấu giá tài sản của công ty Hồng Phúc cho báo chí, với lý do là từ phía Trung tâm đấu giá tài sản tỉnh Thanh Hóa chưa thông báo. Khi PV TH&SP đặt câu hỏi tại sao không biết, vì tài sản đó ngân hàng đã thu giữ, thì họ phải có chức năng giám sát cuộc đấu giá? Chúng tôi cũng không nhận được một câu trả lời hợp lý.
Trong khi đó, ông Mai Văn Đông – giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản- Sở tư pháp tỉnh Thanh Hóa trao đổi qua điện thoại đã khẳng định việc đấu giá đã diễn ra từ rất lâu, bên Trung tâm đấu giá đã hoàn tất và bàn giao toàn bộ hồ sơ lại phía Ngân hàng BIDV Thanh Hóa.
Một mặt khác, TH&SP chưa nhìn thấy thông báo đấu giá tài sản này được công bố rộng rãi trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng? Có chăng, chỉ duy nhất một dòng thông báo lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá được đăng trên trang thông tin của BIDV ngày 25/11/2019.
Ông Trần Tiến Quân - giám đốc công ty Hồng Phúc. Ảnh: Internet |
Vì sao cả 2 bên đều dấu kín thông tin việc thanh lý tài sản của công ty Hồng Phúc, mà đến bản thân công ty này còn không biết sự việc gì đang xảy ra đối với mình, khiến họ khóc thét vác đơn đi kêu cứu khắp nơi?
Sau quá trình tìm hiểu, PV đã có được Bản Thông báo về kết quả trúng đấu giá số 402/TB-TTĐG ngày 23/12/2019 của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thanh Hóa, do giám đốc Mai Văn Đông ký.
Câu hỏi rằng liệu phiên đấu giá này được quảng bá trước bao nhiêu ngày để các đơn vị có đủ thời gian chuẩn bị?
Theo văn bản số 402 này, đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Nam Sơn ở huyện Cẩm Thủy, đại diện theo pháp luật là ông Trương Văn Sơn – giám đốc.
Thông báo kết quả trúng đấu giá tài sản công ty Hồng Phúc. Ảnh: Internet |
Chúng tôi không rõ, ở phiên đấu giá này có mấy đơn vị chào giá mua tài sản của công ty Hồng Phúc, nhưng điều đặc biệt là công ty Nam Sơn đã trúng phiên đấu giá với giá trị 3.510 triệu đồng, tức cao hơn giá của ngân hàng BIDV đưa ra ban đầu đúng 10 triệu (BIDV Thanh Hóa chào giá 3.500 triệu đồng, trong đó giá khởi điểm tài sản gắn liền với đất là 3.140 triệu đồng; giá khởi điểm máy móc thiết bị là 360 triệu đồng).
Trong phiên đấu giá ngày 23/12/2019, công ty Nam Sơn đã nộp số tiền đặt trước cho Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thanh Hóa 500 triệu đồng.
Được biết, Ngày 21/11/2019, BIDV Thanh Hóa đã cho người của ngân hàng cùng một số đối tượng lạ mặt vào chiếm giữ tài sản của Công ty CP Hồng Phúc tại nhà máy ở địa chỉ cụm làng nghề xã Hà Phong, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.
Như vậy, kể từ ngày thu giữ đến ngày bán đấu giá thành công tài sản của Công ty Hồng Phúc, tất cả chỉ diễn ra trong 32 ngày, từ ngày 21/11 đến ngày 23/12 hoàn tất. Trong khi đó sẽ phải trải qua các công đoạn về thẩm định tài sản, thông báo lựa chọn nhà đấu giá, thông báo đấu giá và chờ các đơn vị nộp hồ sơ…Liệu có quá nhanh và thần tốc đối với một số lượng tài sản tương đối lớn mà doanh nghiệp này đã thế chấp cho ngân hàng?
Tài sản như bỏ hoang sau lần BIDV Thanh Hóa thu giữ của công ty Hồng Phúc. Ảnh: Internet |
Trao đổi qua điên thoại, ông Trần Tiến Quân, giám đốc công ty CP Hồng Phúc cho biết, do bản thân ông từ khi ngân hàng BIDV Thanh Hóa thu giữ tài sản, ông không hề biết bất cứ một thông tin nào xung quanh câu chuyện này, cũng chưa nhìn thấy biên bản thẩm định tài sản của công ty mình hay ký vào cái biên bản đó. Chỉ đến khi biết tài sản của công ty Hồng Phúc đã được thanh lý thành công, ông Quân mới tức tốc vác đơn đi kêu cứu. Ông Quân cũng gửi đơn tố cáo cả Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản- Sở tư pháp tỉnh Thanh Hóa đã bán tài sản của mình trái pháp luật.
“Công ty chúng tôi chuyên về sản xuất đá, như vậy, số tài sản thế chấp ngân hàng thuộc vào loại tài sản dùng cho ngành nghề đặc biệt, yêu cầu phải có chứng thư…nhưng vật chứng này cho đến giờ tôi vẫn chưa nhìn thấy nó ngang dọc như thế nào cả”, ông Trần Tiến Quân khẳng định với PV.
Từ hôm Hồng Phúc bị thu giữ tài sản cho đến nay đã hơn 6 tháng. Ảnh: Internet |
Kết quả kiện cáo liên miên cho đến giờ, trụ sở của công ty CP Hồng Phúc (cụm làng nghề xã Hà Phong, Hà Trung, Thanh Hóa) như là bỏ hoang, rêu mốc thảm hại, máy móc đắp chiếu, không một bóng ngươi vãng lai. Công ty Nam Sơn là đơn vị trúng đấu giá cũng không thấy xuất hiện để xử lý khối tài sản khổng lồ mà mình đã trúng trong phiên đấu giá ngày 23/12/2019.
Và trong quá trình tìm hiểu vụ công ty Hồng Phúc gửi đơn kêu cứu khắp nơi, tố cáo ngân hàng BIDV Thanh Hóa, những câu chuyện kỳ lạ dần dần lộ sáng. Và sau khi đăng tải bài viết đầu tiên với tiêu đề: "Lùm xùm kiện cáo giữa doanh nghiệp và ngân hàng". Phía công ty Hồng Phúc đã nhanh chóng có phản hồi với TH&SP. Bằng những lập luận của mình, ông Trần Tiến Quân khẳng định rằng, ngân hàng BIDV Thanh Hóa đã thu giữ tài sản của mình trái pháp luật, nói cách khác là đã vận dụng và hiểu chưa đúng về áp dụng Nghị Quyết số 42/2017/QH 14 ngày 21/6/2017 về “Thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”.
Theo Thương hiệu sản phẩm