Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình quyết định thu hồi 57.948,5m2 đất rừng sản xuất do Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong tỉnh Quảng Bình quản lý tại xã Hưng Lộc, huyện Lệ Thuỷ.
Trước đó, để thực hiện dự án Trang trại điện gió BT-1 và Trang trại điện gió BT-2, UBND tỉnh Quảng Bình đã chuyển mục đích sử dụng đất đợt 1 với hơn 55 ha đất tại địa bàn các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh cho nhà đầu tư thuê đất thực hiện dự dự án này.
Trang trại điện gió BT-2 và Trang trại điện gió BT-1 nằm trong dự án Dự án Cụm Trang trại điện gió B&T có tổng mức đầu tư là 8.904 tỉ đồng do Công ty Cổ phần AMI AC Renewables thuộc Công ty AC Energy của Tập đoàn Ayala, Philippines làm chủ đầu tư.
Diện tích đất khảo sát cho cụm điện gió B&T là 2.244 ha, trong đó có 156 ha là đất rừng trồng cây tràm của 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Vào cuối 9/2020, dự án chính thức được Công ty Cổ phần Điện gió B&T khởi công xây dựng trên địa bàn các xã thuộc 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ.
Quảng Bình quyết định thu hồi 57.948,5m2 đất rừng để thiện dự án trang trại Điện gió BT-2 giai đoạn 2. |
Không chỉ riêng tỉnh Quảng Bình, trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cũng đã quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án nhà máy điện gió xanh Sông Cầu - giai đoạn 1. Theo quyết định này, phần diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng của dự án là 11,55 ha thuộc các xã Xuân Cảnh, Xuân Hải và Xuân Bình, TX. Sông Cầu. Loại rừng chuyển mục đích là rừng trồng.
Tỉnh Cà Mau cũng đề xuất chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác năm 2021 với tổng diện tích 17,496 ha. Trong đó rừng phòng hộ là 13,85 ha và rừng sản xuất 3,646 ha. Hầu hết diện tích đất rừng xin chủ trương chuyển mục đích khác là nhằm thực hiện xây dựng các công trình điện gió với diện tích 16,498 ha, gồm: Giai đoạn 1 của Nhà máy điện gió Tân Ân, Nhà máy điện gió Cà Mau 1A, Nhà máy điện gió Cà Mau 1C, Nhà máy điện gió Cà Mau 1D. Trong đó, Nhà máy điện gió Viên An có diện tích chuyển mục đích sử dụng đất rừng lớn nhất, với 10,37 ha.
Liên quan đến vấn đề hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời đang lấy đi một phần lớn diện tích đất rừng ở Việt Nam hiện nay, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), cho rằng cần hết sức thận trọng vì không phù hợp với quan điểm phát triển bền vững.
Dẫn Bộ Tiêu chuẩn của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) về đánh giá hiệu quả dự án theo tiêu chí bền vững về môi trường và xã hội, ông Sơn nêu rõ đối với các vấn đề chuyển đổi sử dụng đất và tái định cư không tự nguyện, nhà đầu tư cần tránh hoặc hạn chế tối đa việc xây dựng dự án trên cơ sở phải chuyển đổi sử dụng đất sinh hoạt, đất sinh kế, cũng như các loại đất bảo tồn (đất rừng, đất của các khu bảo tồn đa dạng sinh học...).
"Với các dự án điện gió, mặt trời, việc lựa chọn địa điểm thường linh hoạt hơn so với các nguồn tập trung truyền thống, nên việc xem xét các yếu tố về bền vững môi trường và xã hội lại càng cần phải quan tâm trong quá trình nghiên cứu lựa chọn địa điểm, phê duyệt. Theo tôi, chỉ nên ưu tiên tận dụng các nguồn đất cằn, đồi trọc không có hiệu quả cho hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp hoặc sinh kế" - ông Sơn kiến nghị.
Còn theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, những rừng tự nhiên nghèo kiệt, không khôi phục được hệ sinh thái rừng thì nên dùng chuyển sang trồng cây lâu năm vì có giá trị xuất khẩu và gắn liền với cuộc sống của người dân chứ không nên dùng làm nơi sản xuất điện mặt trời, điện gió. Vì như vậy sẽ làm chết luôn cánh rừng đó.
"Quan điểm của tôi là không dùng rừng để làm điện tái tạo, chỉ trừ trường hợp dự án thực sự cấp thiết, mang tầm quốc gia. Còn cụ thể thế nào là cấp thiết, dự án tầm quốc gia thì phải mang ra Quốc hội, Chính phủ để bàn, không thể để UBND các tỉnh tự quyết.
Ngay cả với rừng nghèo kiệt không khôi phục hệ sinh thái rừng thì cũng nên trồng cây lâu năm không nên vì rừng nghèo kiệt mà chuyển sang làm phi nông nghiệp", ông Võ khẳng định.
Công ty Cổ phần Điện gió B&T được thành lập vào tháng 8/2017, trụ sở chính tại 51 Phan Bội Châu, phường Đồng Mỹ, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất truyền tải và phân phối điện.
Điện gió B&T có vốn điều lệ ban đầu là 10 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là: ông Bolat Duisenov (nắm giữ 51% cổ phần), ông Nguyễn Nam Thắng (nắm giữ 44% cổ phần) và Tổng Giám đốc Dương Đình Tích (nắm giữ 5% cổ phần).
Đến cuối năm 2017, ông Bolat Duisenov thoái toàn bộ vốn tại Điện gió B&T, đồng thời ông Nguyễn Nam Thắng và Dương Đình Tích cũng giảm tỉ lệ sở hữu, mỗi người chỉ còn nắm giữ 0,01% vốn điều lệ công ty.
Theo Kinh tế môi trường