Hà Nội, Thứ Tư Ngày 04/12/2024

Bình Thuận: Môi giới Green Real tiếp tay trục lợi nhà ở xã hội Phú Thịnh Plaza

/reatimes. 10:39 28/09/2022

Khách hàng muốn mua căn hộ nhà ở xã hội tại dự án Phú Thịnh Plaza bỏ ra số tiền chênh lệch so với giá quy định của nhà nước từ 150 triệu đến 200 triệu, theo môi giới chào bán.

Nhà ở xã hội Phú Thịnh Plaza Phan Thiết do Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Phú Thịnh (Phú Thịnh Real Estate) làm chủ đầu tư. Theo giới thiệu, Phú Thịnh Plaza Phan Thiết sẽ cung ứng ra thị trường Phan Thiết 680 căn hộ gồm 554 căn hộ nhà ở xã hội và 126 căn hộ kinh doanh thương mại.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều thông tin cho thấy đang xuất hiện tình trạng trục lợi nhà ở xã hội tại dự án Phú Thịnh Plaza. Cụ thể, liên hệ với môi giới của Công ty cổ phần Green Real, một nhân viên cho biết, nhà ở xã hội của dự án Phú Thịnh Plaza đã bán hết. Nếu khách hàng muốn mua lại thì bên nhân viên có sản phẩm để lại. Nhưng nếu muốn mua thì khách hàng phải chịu phí chênh lệch từ 150 triệu đến 200 triệu tuỳ vào vị trí từng căn.

tong-quan-du-an-phu-thinh-plaza-phan-thiet-1664251960.png
Tổng quan dự án Phú Thịnh Plaza Phan Thiết

Khi được hỏi về việc ký hợp đồng mua bán như thế nào, nhân viên này cho biết: “Anh muốn mua nhà ở xã hội tại dự án thì em có thể giới thiệu và hỗ trợ. Có 2 hình thức, một là ký hợp đồng từ chủ đầu tư thì phải là người thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội. Sau đó, bên chủ đầu tư sẽ làm thủ tục để ký trực tiếp. Tuy nhiên, do chủ đầu tư đã bán cho khách hàng khác nên cần phải thương lượng với khách hàng kia và chuyển phí chênh lệch, tuỳ vào khách hàng đó muốn hay không. Phí chênh lệch giao động từ 150 – 200 triệu, tuỳ vào vị trí căn hộ.

Hình thức thứ hai là nếu không nằm trong đối tượng mua nhà ở xã hội thì nhờ khách hàng đã mua trước đó đứng tên giùm, 2 bên tự thoả thuận nhờ đứng tên giùm. Phí chênh lệch thì 2 bên tự thương lượng, giao động trong khoảng 200 triệu, tuỳ vào mức khách hàng mong muốn. Nhưng để được chuyển nhượng sang tên thì phải gần 8 năm sau, vì theo quy định 5 năm đầu không được giao dịch mua bán nhà ở xã hội, cộng thêm khoảng hơn 2 năm xây dựng chung cư”, môi giới cho biết.

Chia sẻ về vấn đề mua nhà ở xã hội không đúng quy định, Luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc giao dịch nhà ở xã hội không đúng quy định như trên sẽ gặp rất nhiều rủi ro cho người dân, bởi khi bị cơ quan quản lý phát hiện hoàn toàn có thể bị thu hồi theo quy định. Ngoài ra, nếu mất liên lạc với chủ nhà cũ, hoặc chủ nhà cũ đã mất sẽ dẫn đến tranh chấp về thừa kế, rất khó giải quyết và người mua hoàn toàn phải chịu rủi ro mà không thể làm thủ tục sang tên.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 4 điều 19 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về quản lý và phát triển nhà ở xã hội quy định: “Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua; chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Do đó, tiêu chí để lựa chọn người mua nhà ở xã hội rất gắt gao, trải qua nhiều bước thẩm định, chấm điểm hồ sơ người đăng ký mua nhà. Cụ thể, để mua nhà ở xã hội, người có nhu cầu cần chuẩn bị hồ sơ mua nhà ở xã hội. Hồ sơ này được nộp cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư sẽ lập danh sách đối tượng được mua về Sở Xây dựng để kiểm tra, loại trừ. Trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận danh sách nếu Sở Xây dựng không có ý kiến gì thì chủ đầu tư thông báo cho các đối tượng mua đến để thỏa thuận, thống nhất và ký hợp đồng.

Sau khi ký hợp đồng, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm lập đầy đủ danh sách các đối tượng được mua, thuê, thuê mua gửi về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để công bố công khai trong thời hạn 30 ngày làm việc và lưu trữ để phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra.

Các chính sách ưu đãi hiện hành của nhà nước dành cho nhà ở xã hội dành với mục tiêu hỗ trợ những đối tượng ưu tiên, nhưng với tình trạng môi giới đang tư vấn cho khách hàng, có thể thấy việc mua bán nhà ở xã hội tại dự án Phú Thịnh Plaza đang bị trục lợi. Với tình trạng này, dư luận sẽ không khỏi đặt ra nghi vấn liệu có hay không việc chủ đầu tư đang thông đồng với môi giới trục lợi bất chính từ nhà ở xã hội? Chính vì vậy, dư luận đang chờ đợi Công an tỉnh Bình Thuận vào cuộc để làm rõ thông tin, tránh trường hợp ưu đãi nhà ở xã hội vào tay các đối tượng trục lợi.

Link gốc : https://reatimes.vn/moi-gioi-green-real-tiep-tay-truc-loi-nha-o-xa-hoi-phu-thinh-20201224000014743.html

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận: Môi giới Green Real tiếp tay trục lợi nhà ở xã hội Phú Thịnh Plaza tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật