Theo đó, thời điểm xảy ra vụ tham ô 524 triệu đồng tại huyện Đức Cơ, ông Hùng giữ vai trò là Chủ tịch UBND huyện này. Ông Hùng nói: “Việc kiểm tra này trong thời gian 30 ngày. Tôi đã có giải trình. Trách nhiệm của tôi với cương vị người đứng đầu nhưng đã thiếu kiểm tra, chỉ đạo. Bởi tôi không ký quyết định, chữ ký đó là phô tô”.
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 8/1/2020, Công an tỉnh Gia Lai đã bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hồng Lam (Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ), Nguyễn Xuân Tứ (Chánh văn phòng HĐND – UBND huyện Đức Cơ) và ông Nguyễn Đông Dương (chuyên viên phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Đức Cơ) để điều tra về hành vi “tham ô tài sản”.
Trước đó, như Tiền phong đã đưa tin, ngày 9/1/2012, UBND huyện Đức Cơ "ra" quyết định số 42/QĐ-UBND về việc xuất ứng ngân sách huyện cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện để chi trả thanh lý cây cao su, giao đất tái định cư cho các hộ gia đình nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng xây dựng mở rộng Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ. Tuy nhiên, theo Thanh tra tỉnh Gia Lai, quyết định số 42 này không đúng quy định (quyết định giả - PV), tạo điều kiện để cá nhân lợi dụng chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước. Từ đó mới có Quyết định xuất ngân sách số 1827/QĐ-UBND ngày 9/8/2018 của Ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ, gây thất thoát 524 triệu đồng.
Cụ thể, ông Nguyễn Hồng Lam (khi còn làm Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Đức Cơ) đã cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý, sử dụng ngân sách, tạo điều kiện cho ông Nguyễn Xuân Tứ (khi đó là Phó phòng Tài chính - Kế hoạch) chiếm đoạt 524 triệu đồng. Ông Tứ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ký ban hành quyết định 1827 sai quy định để chiếm đoạt tiền ngân sách và sử dụng với mục đích cá nhân từ năm 2012. Ông Nguyễn Đông Dương mặc dù biết việc xuất ngân sách cho phòng Lao động-TB&XH là không đúng quy định nhưng vẫn ký lệnh chi tiền.
Theo Tiền Phong