Thời gian gần đây, thông tin hơn 200 công nhân môi trường thuộc công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Nam Hà Nội (trước đây là CTCP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân - công ty Minh Quân) bị nợ lương, nhiều người phải đi nhặt ve chai kiếm sống gây xôn xao dư luận.
Liên tục thay đổi người đại diện pháp luật Công ty
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin Pháp luật, công ty Minh Quân được thành lập vào tháng 5/2007, trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội với vốn điều lệ là 59 tỷ đồng với ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là xây dựng và buôn bán phụ tùng máy.
Tuy nhiên, trong 13 năm (2007-2020), Công ty này đã thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhiều lần. Đặc biệt, từ tháng 3/2017, Minh Quân chính thức "lấn sân" sang lĩnh vực dịch vụ công ích vệ sinh môi trường.
Điều đáng chú ý hơn, ngay sau cuộc “lấn sân” này, Công ty đã trúng 6 gói thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn 6 quận/huyện của Hà Nội, gồm: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Mỹ Đức, Mê Linh, Thanh Trì. Tổng giá trúng thầu của 6 gói thầu là 1.150 tỷ đồng. Chính vì vậy, Tập đoàn Nam Hà Nội được xem là một trong những "ông trùm" thu gom rác của Hà Nội.
Ngoài ra, cũng trong giai đoạn trên, Minh Quân còn trúng thêm nhiều gói thầu khác, như gói thầu chiếu sáng công cộng, xây lắp trường học, giao thông, công trình văn hóa, chỉnh trang đô thị... tại Hà Nội với tổng số lượng gần 30 gói.
Tuy nhiên, sau mỗi lần trúng thầu lên tới hàng nghìn tỷ, công ty đều liên tục thay đổi người đại diện pháp luật. Năm 2016, người đại diện pháp luật là ông Phùng Minh Đạt. Đến tháng 1/2018, bà Đinh Thị Dung giữ chức vụ này, đến tháng 8/2018, lại được thay thế bởi ông Phạm Toàn Phước.
Đặc biệt, trong năm 2020, vị trí này thay đổi liên tục. Tháng 3/2020 là bà Nguyễn Thị Phong Lan, tháng 6 là ông Nguyễn Thanh Tùng. Tới tháng 11/2020, đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Nguyễn Khắc Công sau khi đổi tên từ Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ cao Minh Quân thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội. Tuy nhiên, ông Công vừa giữ chức vụ này được ít ngày thì đến ngày 27/11/2020 lại được thay đổi bởi ông Trần Quang Tuấn.
Hàng loạt bê bối, lợi nhuận èo uột
Sau khi trúng các gói thầu, không chỉ liên tục thay đổi người đại diện pháp luật mà Công ty còn liên tục để phát sinh nhiều vấn đề như: Không đủ xe, thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải.
Tập đoàn Nam Hà Nội vướng "tai tiếng" đổ trộm khoảng 80 tấn rác sinh hoạt. |
Đỉnh điểm, vào đầu tháng 3/2017, công ty này vướng "tai tiếng" đổ trộm khoảng 80 tấn rác sinh hoạt tại khu vực dưới chân cầu vượt đường Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Trong suốt thời gian thực hiện các gói thầu thu gom rác sau đó, Công ty cũng liên tục để rác thải tồn đọng trong thời gian dài, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng, gây bức xúc cho nhân dân.
Còn về tình hình kinh doanh giai đoạn năm 2016 - 2019, dù nắm trong tay nhiều gói thầu lớn nhưng doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn Nam Hà Nội lại khá ảm đạm.
Cụ thể, trong năm 2019, doanh thu thuần của công ty này ở mức 130 tỷ đồng, giảm gần 56% so với năm 2017 và giảm 45% so với năm 2018. Lợi nhuận năm 2019 của Công ty cũng chỉ vỏn vẹn gần 44 triệu đồng, trong khi đó năm 2018 đạt 2 tỷ đồng.
Theo công bố của BHXH Hà Nội, tính đến ngày 30/6/2019, Tập đoàn Nam Hà Nội liên tục bị "bêu tên" do nợ đóng BHXH 16 tháng của 590 lao động, với số tiền lên tới hơn 13 tỷ đồng. Đến tháng 5/2020, BHXH Hà Nội cho biết, doanh nghiệp này còn nợ đóng BHXH 24 tháng của 459 lao động, tổng tiền lên tới gần 19 tỷ đồng.
Sau khi báo chí, dư luận lên tiếng, đến giữa tháng 12/2020, Tập đoàn Nam Hà Nội mới khắc phục toàn bộ số tiền nợ BHXH 20 tỷ 250 triệu đồng tính đến hết tháng 11/2020.