Trong khi doanh nghiệp đang vui mừng vì tòa án nhân dân sơ thẩm bác đơn khởi kiện và tuyên bỏ vô hiệu hợp đồng mua bán nợ, tưởng chừng như sẽ có lối thoát để cứu vãn người lao động thì tại tòa phúc thẩm lại tuyên “quay ngoắt 306 độ” khiến DN rơi vào khủng hoảng niềm tin…
Doanh nghiệp lao đao vì ngân hàng
Hồ sơ vụ việc cho thấy, ông Trần Văn Hậu, Chủ DN tư nhân Hậu Giang được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt dự án nhà máy chế biến sâu dược liệu xuất khẩu. Trong quá trình triển khai dự án, ông Hậu có vay vốn ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông cửu long (MHB - nay sát nhập vào ngân hàng BIDV) với hạn mức 20 tỷ và đã giải ngân 18 tỷ.
Ông Hậu bên nhà máy của mình vẫn mong mỏi ngân hàng tiếp tục cho vay vốn để sản xuất kinh doanh và mong muốn Tòa án có cái nhìn đánh giá khách quan, công tâm về vụ việc của mình |
Do nguyên nhân bất lợi từ khủng hoảng kinh tế và suy thoái doanh nghiệp giai đoạn 2008 nên doanh nghiệp này lập phương án kinh doanh mới, nhà băng này dừng lại không giải ngân tiếp và yêu cầu DN bán tài sản để trả nợ thì mới tiếp tục giải ngân. Lúc này ông Hậu bán hết tài sản của mình để trả cho ngân hàng được 5,6 tỷ, thời điểm đó ngân hàng này yêu cầu ông Hậu phải thực hiện theo đúng phương án sản xuất kinh doanh cũ như dự án phê duyệt và thúc ép ông Hậu phải bán nhà máy để trả nợ.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh, phía ngân hàng đã đưa trung tâm định giá Sở Tài Chính tới định giá tài sản và xác định nhà máy trị giá 22 tỷ. Thời gian này hàng tháng ông Hậu vẫn trả lãi cho ngân hàng và cam kết tìm đối tác cổ phần, bán tàn sản để trả nợ ngân hàng.
Trong khi đó, phía ngân hàng đã thực hiện bán toàn bộ tài sản nợ của DN Hậu Giang cho Công ty quản lý nợ VAMC. Công ty VAMC bán khoản nợ của DN Hậu Giang cho ngân hàng BIDV với giá 6,9 tỷ đồng. Ngân hàng BIDV chi nhánh Sapa lại bán khoản nợ của DN Hậu Giang với giá 12 tỷ cho Công ty CP Tân Trà Việt.
“Công ty Tân Trà Việt (thời điểm năm 2017 do ông Nguyễn Quang Hiển làm Giám đốc gạ bán lại tài sản của chúng tôi. Sau nhiều ra giá khác nhau từ 18 tỷ cho xuống 9 tỷ nhưng tôi không đồng ý. Sau đó họ liên tiếp thúc ép nếu không mua sẽ phải bàn giao tài sản vô điều kiện”, ông Hậu cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty CP Tân Trà Việt thành lập từ tháng 9/2015 đến tháng 2/2018 đã có 5 lần thay đổi người đại diện pháp luật. Thời điểm ông Hiển làm Giám đốc và mua lại tài sản của Hậu Giang, Công ty này đặt cọc 10% hợp đồng mua bán là 1,2 tỷ đồng.
“Để có tiền thanh toán ông Hiển đã vay ngoài 10 tỷ từ ông Khuất Quang Hưng song không trả hết nợ cho ông Hưng vì thế đã phải bàn giao lại Công ty cho ông Hưng. Ông Hưng là người khởi kiện đòi tài sản của chúng tôi”, ông Hậu cho biết.
2 bản án trái ngược
Tại bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP Lào Cai, Tòa án TP Lào Cai tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần Tân Trà Việt với yêu cầu ông Hậu phải trả hơn 40 tỷ theo các hợp đồng tín dụng. Tòa cũng chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Hậu tuyên hủy hợp đồng mua bán nợ giữa BIDV Sapa với Công ty CP Tân Trà Việt vô hiệu.
“Thông tư 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 ban hành trước khi có nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại điều 17 nghị quyết 42 quy định việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng phải áp dụng nghị quyết này và các văn bản pháp luật liên quan. Nghị quyết 42 không quy định cho tổ chức tín dụng được bán nợ xấu cho tổ chức, cá nhân không có chức năng đăng ký kinh doanh mua bán nợ vì vậy việc ngân hàng BIDV Sapa căn cứ vào thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước để bán nợ xấu cho Công ty cổ phần Tân Trà Việt là trái với quy định của pháp luật”, Thẩm phán TAND TP Lào Cai Nguyễn Thị Thúy Hằng kết luận ở phiên sơ thẩm.
Tuy nhiên đến phiên tòa phúc thẩm tỉnh Lào Cai thì TAND tỉnh lại tuyên hợp đồng mua bán giữa BIDV và Tân Trà Việt (hiện do ông Nguyễn Quang Hưng làm Giám đốc) có hiệu lực và buộc DN Hậu Giang phả trả hơn 40 tỷ cho Công ty CP Tân Trà Việt.
Bức xúc về bản án phúc thẩm nên ông Hậu đã làm đơn kêu cứu gửi lên Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội cũng như Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo ông Hậu, trong quá trình đàm phán làm việc giữa các bên, ông Hậu đã có văn bản gửi ông Lê Sỹ Mạnh – Giám đốc ngân hàng BIDV Sapa trình bày quan điểm và không ý việc mua bán nợ.
“ Doanh nghiệp chúng tôi đang làm ăn sản xuất kinh doanh và xin ngân hàng hỗ trợ bằng việc khoanh nợ và giãn nợ cũng như giảm lãi suất phạt để duy trì ổn định hoạt động và trình bày các phương án kinh doanh mới song không được ngân hàng hỗ trợ. Việc ngân hàng và Tân Trà Việt mua bán nợ với nhau với các giá khác nhau rồi lại thỏa thuận với chúng tôi mua lại tài sản của chính mình với cái giá cao hơn nhiều lần là điều vô lý. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận mua lại tài sản của mình song phía ngân hàng phải hỗ trợ bằng việc đồng ý giải ngân với phương án kinh doanh mới và cấp vốn cho chúng tôi.”, ông Hậu cho biết.
Theo TAND Cấp cao tại Hà Nội, thừa lệnh Chánh án, bà Đặng Thị Thơm, trưởng phòng Giám đốc, kiểm tra II đã rút hồ sơ vụ án kinh doanh thương mại do TAND tỉnh Lào Cai xét xử giữa nguyên đơn là Công ty CP Tân Trà Việt với bị đơn là ông Trần Văn Hậu – Chủ DN tư nhân Hậu Giang để nghiên cứu, Giám đốc việc xét xử.
Việc mua bán nợ giữa BIDV và Công ty CP Tân Trà Việt liệu có điều gì mờ ám hay không? Quá trình định giá tài sản doanh nghiệp có đúng theo quy định pháp luật? Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích ở các bài sau.