Toạ đàm "Chia sẻ kinh nghiệm vượt "bão" COVID-19 và những đề xuất từ các doanh nghiệp" do Báo Người Lao Động tổ chức vừa diễn ra tại TP.HCM vào hôm nay 12-10.
Các doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm vượt "bão" COVID-19 - Ảnh: BÔNG MAI |
Với vai trò điều hành doanh nghiệp, ông Trần Văn Long (Tổng giám đốc CTCP Truyền thông Du Lịch Việt) cho biết dịch COVID-19 ập đến khiến doanh nghiệp điêu đứng, xoay chuyển 100% vì trước nay đều kiếm tiền nhờ đưa du khách Việt đi du lịch nước ngoài.
Hệ quả là công ty đang từ hơn 1.000 nhân sự du lịch lữ hành, nhà hàng - khách sạn… đã phải giảm xuống còn vài chục người.
Không đứng yên, ông tìm cách xoay sở, lấy công ty Ecom Net thành lập từ trước để chuyển sang sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ…
"Ban đầu vay không ai cho, vì rủi ro lớn. Tôi phải nhờ người khác đứng tên vay ít tiền, huy động từ gia đình, anh em…", ông Long nhớ lại.
Khổ là, giá một chiếc máy vốn chỉ 500-700 triệu nhưng đại dịch đã khiến máy tăng gấp 10, nên ông nghĩ cách mua linh kiện về lắp ghép, đến nay đã có hơn 362 đơn vị, bệnh viện tại Mỹ dùng khẩu trang "Made in Vietnam" do công ty sản xuất, nhiều hợp đồng kéo dài 3-5 năm, tạo công ăn việc làm cho hơn 800 nhân sự, nhiều người vốn là hướng dẫn viên du lịch, phục vụ nhà hàng - khách sạn…
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, cho biết trong khi nhiều nhà máy sản xuất nhưng trệ, công ty này vẫn đều đặn làm việc. 4 tháng đầu năm nay doanh số từ sản xuất tiêu, hạt điều tăng khoảng 140% so với năm 2019. Mỗi năm doanh thu ngành sản xuất của công ty đạt hơn 200 triệu USD, xuất khẩu 6.000-7.000 container.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hà Ngọc Diệp, Phó Tổng giám đốc CTCP Chế biến gỗ Đức Thành,cho biết đơn đặt hàng của doanh nghiệp này đã hoàn thành kế hoạch cả năm ở thời điểm hiện tại do công ty đã đầu tư nguồn nguyên vật liệu, máy móc công nghệ, đáp ứng được thời gian giao hàng trong bối cảnh dịch vừa qua.
Khi hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại, "nguồn hàng khan hiếm, nhiều bên không giao kịp nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo thời gian", bà Diệp chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT công ty Vina T&T Group, cho rằng "khó khăn với người khác nhưng đó là cơ hội của mình" khi, chẳng hạn, nhờ có kinh nghiệm xuất khẩu trái cây tươi, nên khi các đối tác cần khẩu trang, dụng cụ y tế, doanh nghiệp tìm nguồn hàng và thuận lợi vận chuyển, tăng doanh thu.
Ngoài ra, ngay trong dịch, doanh nghiệp dám mở chuỗi cà phê, cửa hàng trái cây, vì theo ông Tùng, đây là "cơ hội để thương lượng giá thuê mặt bằng tốt với thời gian dài".
Ở mảng bất động sản, ông Võ Văn Khang, Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh, chia sẻ dù COVID-19 đến bất ngờ, không ít doanh nghiệp bất động sản phá sản, nhưng nhờ phân vùng khách hàng, áp dụng chuyển đổi số nên các hoạt động, kênh liên lạc nội bộ và khách hàng diễn ra liên tục, đạt hiệu quả. Tính đến nay nhân sự của tập đoàn tăng khoảng 8% so với năm 2019.
Bông Mai