Vnexpress dẫn lời chị Hạnh, tiểu thương chợ Gò Vấp cho biết, tháng nay hồng Trung Quốc và Đà Lạt về chợ rất nhiều. Tuy nhiên, loại hồng trái dẹt của Trung Quốc dễ bán hơn hẳn vì mẫu mã đẹp, độ đồng đều cao lại không chát.
Trong khi đó, hồng giòn Đà Lạt chỉ để 3-5 ngày là chín mềm nên bảo quản khó. Mỗi kg hồng giòn Đà Lạt hiện có giá 25.000 đồng, còn của Trung Quốc đắt hơn 5.000 đồng. "Thế nhưng, khách mua hồng Trung Quốc nhiều hơn vì chúng ăn ngọt, giòn, lại không bị mềm", chị Hạnh nói và cho biết thường lấy hàng theo tỷ lệ 60/40 (tức hồng Trung Quốc 60%, còn lại là trong nước).
Cũng đang bán hồng giòn Trung Quốc, chị Linh, chủ xe đẩy trên đường Nguyễn Oanh (Gò Vấp) cho hay, mỗi ngày chị bán khoảng 40 kg.
Theo chị Linh, hồng Đà Lạt trái nhỏ, độ chín không đều ... nên bán khá chậm. Vì vậy, chị ưu tiên lấy hàng Trung Quốc bán vừa hút khách, vừa bảo quản được lâu.
Không chỉ hồng giòn mà gần đây loại hồng mật của Trung Quốc cũng khá đắt khách dù có giá lên tới 100.000-120.000 đồng mỗi kg.
Báo cáo của chợ đầu mối Thủ Đức cho thấy, từ ngày 13/8 đến 7/10, tổng lượng hồng Trung Quốc nhập về chợ đạt 4.370 tấn, đặc biệt từ đầu tháng 10 đến nay bình quân 110-115 tấn một ngày.
Trong khi đó, tổng lượng hồng Đà Lạt về chợ sớm hơn, tức từ 22/7-7/10 nhưng chỉ đạt 2.008 tấn, bằng một nửa so với lượng hàng Trung Quốc.
Theo đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, sở dĩ hồng Trung Quốc về chợ ồ ạt là vì sức tiêu thụ mạnh, giá cả cạnh tranh. Mặt khác, hàng Trung Quốc đang rộ vụ nên sản lượng lớn.
Mặc dù vậy, đối với một bộ phận người tiêu dùng, họ vẫn e ngại sử dụng hoa quả Trung Quốc nói chung và hồng Trung Quốc nói riêng. Vì vậy, những người này cần nắm rõ đặc điểm của hồng Trung Quốc để tránh mua phải sản phẩm không mong muốn.
Hồng Trung Quốc đều có vỏ màu đỏ sẫm, bóng, màu sắc đẹp, băt mắt và to hơn hẳn so với hàng trong nước. Loại hồng này ngọt nhưng không thơm, hơi khô và không mọng nước. Còn hồng trứng Đà Lạt chính gốc phải có màu vàng cam, ăn vào có vị ngọt béo, ăn rất dẻo và thơm.
Về hình dạng, nếu như quả hồng Việt Nam có hình dạng tròn, dẹt trơn giống trứng gà, phần cuống có nhiều đốm đen, không có rãnh và vỏ có màu nhạt, có vết thâm, không đều màu, bóc ra thấy phần ruột gần núm hơi bị cứng, thì quả hồng Trung Quốc lại tròn đều, to dẹt hơi vuông, có khía, màu đỏ sẫm bắt mắt trông rất hấp dẫn
Vỏ hồng Trung Quốc có vỏ bóng, đẹp, có màu đỏ cam tươi, màu đậm và trên vỏ thường không có vết xước. Ngoài ra, hồng Trung Quốc đều có kích thước đều nhau nhưng to hơn hồng Đà Lạt.
Hồng Đà Lạt chỉ cần 1-2 ngày là bắt đầu chín mềm, nếu ăn không kịp sẽ bị hư rất nhanh. Còn hồng Trung Quốc mua về cả tuần vẫn không bị hư, thậm chí để rất lâu vẫn không chín.
Hiện nay, trên thị trường, hồng Đà Lạt được chia thành 3 loại chủ yếu là : hồng giòn, hồng trứng và hồng dẻo. Thông thường, các loại hồng đều được ngâm qua nước sạch hay nước vôi để bớt chát và nhanh chín hơn. Hồng chín sẽ được ủ khí nên dù quả chín đều, màu đẹp nhưng vị sẽ không thơm, nhạt và chát hơn những trái chín cây.
Loại hồng trứng Đà Lạt thì ngược lại. Qua ủ, hồng sẽ chín ngọt, dẻo, thơm. Qua ngâm nước hoặc nước vôi, hồng sẽ giòn, ngọt, không bị chát. Hồng này mua về nên ăn ngay. Nếu muốn để qua ngày thì nên cất vào tủ lạnh để hồng không bị nhũn. Còn hồng xanh để lâu sẽ bị mềm, mất độ giòn, ăn không ngon.
Hồng giòn (hay còn gọi là hồng xanh) thường có hình dáng tròn, màu xanh nhưng hơi ngả vàng, màu sắc không đều, không bóng. Ăn vào giòn, ngọt và hơi chát.