Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Dự án điện mặt trời gần 12.000 tỷ đồng tại Ninh Thuận

TDVN 05:22 26/02/2020

Lĩnh vực điện mặt trời ở Ninh Thuận sắp tới sẽ chứng kiến việc triển khai thần tốc của Dự án Nhà máy điện mặt trời 450 MW tại xã Phước Minh (huyện Thuận Nam)

Hiện vẫn chưa có giá điện mặt trời cho các dự án vận hành sau ngày 1//7/2019. Trong ảnh: Nhà máy Điện mặt trời nổi Đa Mi.

Đích đã chốt

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận đã chính thức mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy điện mặt trời 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam kết hợp đầu tư trạm biến áp và đường dây 500 kV, 220 kV, với thời hạn nhận hồ sơ đến 17h ngày 14/3/2020. Dự án được tỉnh Ninh Thuận mang ra mời thầu nguyên bản là dự án được Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) xin đầu tư hồi năm 2019.

Khi ấy, Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được trình các cơ quan hữu trách xem xét để bổ sung vào quy hoạch có quy mô tổng vốn đầu tư sau thuế là 11.814 tỷ đồng, với dự tính vốn tự có của nhà đầu tư là 30% và vốn vay là 70%. Cụ thể, phần Nhà máy điện mặt trời công suất 450 MW có quy mô đầu tư là 9.492 tỷ đồng; trạm biến áp 500 kV là 1.876 tỷ đồng; đường dây 500 kV đấu nối khoảng 423 tỷ đồng và đường dây 220 kV đấu nối là khoảng 22 tỷ đồng.

Ở phần đường dây truyền tải, giai đoạn năm 2020, sẽ lắp trước 2 máy biến áp (MBA) 900 MVA vận hành đồng bộ với nhà máy. Đầu tư đường dây 500 kV mạch kép dài 15,5 km để đấu nối về trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân của ngành điện; xây dựng 4 mạch đường dây 220 kV dài khoảng 1 km từ trạm biến áp của Nhà máy tới các trục đường dây truyền tải quốc gia.

Trungnam Group cũng đặt ra tiến độ triển khai Dự án là thực hiện các thủ tục đầu tư từ quý IV/2019 đến quý II/2020; thi công xây dựng từ quý II đến quý IV/2020 và hoàn thành, đưa vào vận hành trong quý IV/2020.

Trong đề nghị của tỉnh Ninh Thuận về bổ sung Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam vào Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia hồi tháng 8/2019 có nêu rõ, Trungnam Group cam kết, nguồn vốn thực hiện Dự án do chủ đầu tư tự thu xếp, không sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước; trạm biến áp 500 kV và các đường dây đấu nối sẽ đi vào vận hành trong năm 2020.

--

Trungnam Group khi đó cũng cam kết cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn huyện Thuận Nam tham gia đấu nối, giải tỏa công suất theo yêu cầu của UBND tỉnh Ninh Thuận.

Trong báo cáo thẩm định dự án này để bổ sung vào quy hoạch điện, Bộ Công thương cũng đề nghị Thủ tướng cho ý kiến về giá điện áp dụng cho Dự án.

Ngày 9/1/2020, Dự án Nhà máy điện mặt trời quy mô công suất 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh. UBND tỉnh Ninh Thuận được giao tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch. Tuy nhiên, vấn đề giá điện đã không hề được nhắc tới cụ thể là 9,35 UScent/kWh hay mức giá nào.

Trong Thông báo số 356/TB-SKHĐT ngày 14/2/2020 về nộp hồ sơ đăng ký lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận đã đưa ra yêu cầu tổng vốn đầu tư tuân thủ theo định mức về quản lý đầu tư xây dựng, trong đó vốn tự có tối thiểu là 20%. Dự án được yêu cầu hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động đồng bộ cả nhà máy điện mặt trời và hạ tầng truyền tải trong năm 2020.

Đáng chú ý, về giá điện áp dụng cho dự án, đề bài thầu chỉ cho biết, “được thực hiện theo Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018, Thông báo số 402/TB-VPCP ngày 22/11/2019”.

Triển khai thần tốc

Theo thông báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, nhà đầu tư sẽ phải đặt cọc 5 tỷ đồng vào tài khoản của Sở Tài chính tỉnh để thể hiện cam kết đầu tư. Đây có thể xem là ưu ái của địa phương với nhà đầu tư, bởi theo quy định của Luật Đấu thầu 2013, tuỳ theo mức độ, nhưng giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định trong hồ sơ mời thầu với mức từ 1-3% tổng mức đầu tư của dự án. Với quy mô dự án lên tới hơn 11.000 tỷ đồng, nếu chọn 1% thì con số cũng là cả trăm tỷ đồng.

Bên cạnh đó, với kế hoạch đóng thầu vào ngày 14/3/2020, rất có thể ngay trong tháng 3 tới, tỉnh Ninh Thuận sẽ chọn được nhà đầu tư mà ai cũng biết là ai để triển khai dự án này.

Theo quy định hiện hành tại khoản 2, Điều 31, Luật Đầu tư 2014, với dự án có quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng, bất kể nguồn vốn từ đâu, thì người ra quyết định chủ trương đầu tư sẽ phải là Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, để được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư sẽ phải nộp hồ sơ dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 34, Luật Đầu tư 2014.

Sau đó, cơ quan đăng ký đầu tư phải gửi hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và gửi hồ sơ lấy ý kiến của cơ quan nhà nước có liên quan tới một số nội dung tại khoản 6, Điều 33, Luật Đầu tư 2014, dù trước đó, khi tiến hành thẩm định Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam và đường dây 500 kV để bổ sung vào Quy hoạch Điện lực quốc gia, Bộ Công thương đã nhận được đóng góp của nhiều cơ quan chức năng liên quan về dự án này.

Theo các chuyên gia về đầu tư, muốn bỏ qua các bước quy trình trên, cần có sự đồng ý của những cấp rất cao cho phép rút ngắn quy trình, nhất là khi cơ quan chủ trình thẩm định chủ trương lần này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khác với Bộ Công thương ở giai đoạn bổ sung dự án vào quy hoạch điện.

Ở góc độ kinh tế của dự án, các chuyên gia cho hay, Ninh Thuận hiện được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho hưởng chính sách giá điện 9,35 UScent/kWh đến hết năm 2020 đối với các dự án điện năng lượng mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000 MW theo Nghị quyết 115/NQ-CP hồi tháng 8/2018.

Tuy nhiên, Nghị quyết này không phải là văn bản pháp quy, nên các dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận, nếu đạt được thỏa thuận vận hành thương mại (COD) trong năm 2020, đồng thời thuộc số 2.000 MW, vẫn phải chờ một quyết định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ về giá điện mặt trời cho riêng tỉnh này.

Hiện tại, giá điện cho riêng tỉnh Ninh Thuận lẫn giá điện mặt trời cho các dự án vận hành sau ngày 1//7/2019 vẫn chưa có, khiến các chủ đầu tư nhấp nhổm không yên.

Cần phải nói thêm rằng, trước khi Dự án Nhà máy điện mặt trời 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam được bổ sung vào quy hoạch điện hồi tháng 1/2020, tại riêng tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh với tổng công suất hơn 1.966 MW. Theo đó, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 31 dự án với quy mô công suất 1.816,79 MW, tổng vốn đăng ký 49.997 tỷ đồng.

Thống kê từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho hay, hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đã có 17 nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động với công suất trên 1.100 MW cùng 3 nhà máy điện gió công suất 130 MW. Như vậy, còn gần 900 MW điện mặt trời nữa có thể đi vào hoạt động trong năm 2020 để được hưởng chính sách tại Nghị quyết 115/NQ-CP.

Điều này có nghĩa, lĩnh vực điện mặt trời ở Ninh Thuận sắp tới không chỉ chứng kiến việc triển khai thần tốc của Dự án điện mặt trời 450 MW tại xã Phước Minh, mà còn được chứng kiến cả cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các dự án đã được bổ sung quy hoạch và cấp chủ trương đầu tư để vào đóng điện trước ngày 31/12/2020.

Theo Báo đầu tư

Link gốc : https://baodautu.vn/du-an-dien-mat-troi-gan-12000-ty-dong-tai-ninh-thuan-tien-do-than-toc-trong-9-thang-d116544.html

Bạn đang đọc bài viết Dự án điện mặt trời gần 12.000 tỷ đồng tại Ninh Thuận tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân