Mục đích của hoạt động này phần nào được hé lộ qua những tài sản mà Thaiholdings nắm giữ, có “gốc” từ Tập đoàn Thai Group và được chuyển giao trong năm 2019.
Ông chủ Tập đoàn Thaigroup - Nguyễn Đức Thụy (“bầu” Thụy, SN 1976) là một doanh nhân nổi tiếng, không chỉ bởi việc sở hữu loạt xe sang đắt tiền, hay việc “ném” cả trăm tỷ đồng vào thị trường chuyển nhượng khi làm “ông bầu” của 2 đội bóng thi đấu ở giải vô địch quốc gia, mà còn từ những thương vụ “bạo chi” trên thương trường. Một trong số đó phải kể đến thương vụ thâu tóm khách sạn giá trên trời ” của vị doanh nhân này.
Được biết, tập đoàn do “bầu” Thụy đứng đầu kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như: cảng nước sâu, bóng đá, chứng khoán, xây dựng, taxi, bất động sản, bảo hiểm, xi măng, khoáng sản, thủy điện, vận tải. Dù vậy, hoạt động kinh doanh cụ thể của Thaigroup vẫn còn nhiều ẩn số với công chúng.
Gần đây, ngày 6/1/2020, một thành viên trong “hệ sinh thái” của “bầu” Thụy là CTCP Thaiholdings đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận hồ sơ đăng ký đại chúng.
Chưa dừng lại ở đó, Thaiholdings còn cho biết, dự kiến trong Quý I/2020 sẽ đưa cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (Mã: THD).
Tăng vốn thần tốc
Việc đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán không còn xa lạ với “bầu” Thụy, bởi trước đó, một doanh nghiệp khác cùng nhóm là CTCP Chứng khoán Xuân Thành đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Tới nay, Chứng khoán Xuân Thành đã đổi tên thành CTCP Chứng khoán IB (Mã CK: VIX), cơ cấu cổ đông cũng có nhiều biến động.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Thaiholdings được thành lập năm 2011, tiền thân là CTCP Đầu tư Phát triển Kinh Thành, đăng ký trụ sở chính tại tòa nhà Thaiholdings Tower số 17 Tôn Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ban đầu, Thaiholdings được đăng ký quy mô vốn điều lệ ở mức 389 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần vốn thực góp chỉ ở mức 136,934 tỷ đồng. Nguyên nhân được Thaiholdings cho biết là do “nhu cầu thực tế của công ty và thực tế khả năng thu xếp nguồn lực của các cổ đông”.
Phải tới 8 năm sau (tháng 4/2019), các cổ đông mới góp đủ số vốn đã đăng ký. Cũng trong khoảng thời gian này, Thaiholdings tăng vốn điều lệ lên mức 539 tỷ đồng nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư tài chính, hợp tác kinh doanh.
Bên cạnh đó, CTCP Tập đoàn Thaigroup (Thaigroup) - công ty mẹ của Thaiholdings - cũng tiến hành triệt thoái vốn tại doanh nghiệp này. Cụ thể, Thaigroup đã chuyển nhượng lần lượt 4,6 triệu; 2 triệu và hơn 3,52 triệu cổ phiếu Thaiholdings cho ông Nguyễn Đức Thụy, ông Nguyễn Chí Kiên và ông Vũ Ngọc Định với cùng mức giá 10.000 đồng/cổ phần.
Sau hoạt động này, “bầu” Thụy trở thành cổ đông nắm quyền chi phối tại Thaiholdings với tỷ lệ sở hữu 59,27% vốn điều lệ. Tuy nhiên, tính tới cuối năm 2019, tỷ lệ sở hữu của “bầu” Thụy tại Thaiholdings giảm mạnh xuống chỉ còn 20% vốn.
Việc tăng vốn, hay thay đổi cơ cấu cổ đông lớn tại Thaiholdings chỉ là một trong số những động thái đáng chú ý trước thềm niêm yết của doanh nghiệp này.
Thaiholdings có gì?
Năm 2019 đánh dấu sự chuyển mình lớn của Thaiholdings. Doanh thu cả năm của Thaiholdings tăng vọt lên mức 780,9 tỷ đồng, cao gấp 7 lần năm trước, vượt 2,5 lần kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế năm 2019 cũng tăng gấp 6 lần so với năm 2018, đạt mức 46,3 tỷ đồng.
Không chỉ có sự tăng trưởng đột biến về hoạt động kinh doanh, quy mô tổng tài sản của Thaiholdings cũng đã tăng gấp 4 lần trong năm 2019, đạt mức 828,57 tỷ đồng. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính dài hạn (chủ yếu là các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác) chiếm gần 74,3% tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2019.
Cũng trong năm, công ty chuyển sang mô hình “holdings”. Mô hình hoạt động mới được Hội đồng quản trị (HĐQT) kỳ vọng sẽ giúp Thaiholdings có thêm cơ hội tham gia vào những dự án bất động sản tầm cỡ.
Được biết, tháng 3/2019, Thaiholdings đã chi ra 284 tỷ đồng, hoàn tất việc mua 14,2 triệu cổ phần của CTCP Tôn Đản Hà Nội (giá chuyển nhượng 20.000 đồng/cổ phần) từ Thaigroup.
Qua đó, Thaiholdings nắm giữ 19,52% cổ phần của CTCP Tôn Đản Hà Nội - đơn vị sở hữu tòa nhà văn phòng cho thuê hạng A có tên gọi Thaiholdings Tower tại trung tâm Hà Nội (Tòa nhà văn phòng làm việc và cho thuê tại số 17 Tông Đản - 210 Trần Quang Khải).
Dự án “Tòa nhà văn phòng làm việc và cho thuê tại số 17 Tông Đản - 210 Trần Quang Khải” có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, do CTCP Him Lam (Tập đoàn Him Lam) hợp tác với Công ty Thực phẩm Miền Bắc thực hiện đầu tư xây dựng. Sau đó, dự án này được CTCP Him Lam chuyển nhượng cho CTCP Tôn Đản Hà Nội. |
Được biết, Kim Liên Tourism là đơn vị sở hữu khu “đất vàng” 3,5ha có vị trí đắc địa bậc nhất tại Hà Nội.
Như thông tin trước đó, “bầu” Thụy đã lên kế hoạch đổi đời khách sạn kim liên bằng một dự án bất động sản tầm cỡ, có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 14.300 tỷ đồng (khoảng 600 triệu USD).
Không phải cổ đông nào ở Kim Liên Tourism cũng đồng ý với kế hoạch này. Tuy nhiên, với tỷ lệ sở hữu quá bán nhờ việc chi ra tới hơn 1.000 tỷ đồng thâu tóm 52,43% vốn Kim Liên Tourism từ SCIC hồi năm 2015, nhóm Thaigroup vẫn nắm giữ quyền quyết định trong việc triển khai dự án.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Thaigroup từng thế chấp lượng lớn cổ phần Kim Liên Tourism tại LienVietPostBank - Chi nhánh Ninh Bình.
Bên cạnh đó, Thaiholdings còn muốn góp vốn vào một số dự án đất nền quanh khu vực Hà Nội có tiềm năng phát triển tốt.Ngoài các dự án trên, ban lãnh đạo Thaiholdings còn lên kế hoạch đầu tư thêm vào các đơn vị chủ của các dự án bất động sản đắc địa, trong đó có Dự án Khu phức hợp Enclave Phú Quốc (tại xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) diện tích 199,7ha, tổng mức đầu tư dự kiến là 1.962 tỷ đồng.
Dù sao, việc nắm giữ cổ phần tại loạt doanh nghiệp sở hữu các dự án bất động sản cũng khiến bản thông tin tóm tắt của Thaiholdings thêm phần hấp dẫn với định hướng phát triển rõ ràng hơn hẳn.
Ở một diễn biến khác rất đáng chú ý, Thaiholdings cũng đã công bố tờ trình tăng vốn điều lệ dự kiến sẽ được trình cổ đông thông qua tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 (dự kiến tổ chức ngày 29/2/2020).
Theo đó, công ty sẽ tiến hành tăng vốn gấp 7 lần, lên mức 3.500 tỷ đồng từ việc phát hành 261,1 triệu cổ phần cho các cổ đông hiện hữu với mức giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần. Tờ trình cho biết các cổ đông có thể góp vốn bằng tiền, tài sản.
Phương án sử dụng phần vốn 2.691 tỷ đồng tăng thêm được HĐQT Thaiholdings cho biết sẽ dùng để đầu tư tài chính.
Lưu ý rằng, Kim Liên Tourism đã lên kế hoạch tăng vốn từ 69,57 tỷ đồng lên 2.786 tỷ đồng, nhằm đảm bảo yêu cầu về tỷ lệ vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư cho dự án bất động sản triển khai trên khu đất của Khách sạn Kim Liên./.