Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang khiến nhiều quốc gia rơi vào cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử, Petrovietnam đã đẩy sản lượng khai thác dầu bù đắp sản lượng khí thấp do huy động của thị trường kém. Do đó, sản lượng khai thác quy dầu tháng 4 vượt 7% kế hoạch và lũy kế 4 tháng, sản lượng khai thác quy dầu vượt 1% kế hoạch.
Kết quả tài chính của tập đoàn cũng vượt khá cao so với kế hoạch. Lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất ước đạt 124.420 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch 4 tháng và hoàn thành 35% kế hoạch năm, tăng 47% so với cùng kỳ. Tổng số tiền nộp ngân sách của Petrovietnam giai đoạn này ước đạt 27.500 tỷ, vượt cao so với kế hoạch 4 tháng cũng như cùng kỳ.
Lãi hơn 15.400 tỷ đồng sau 4 tháng, Petrovietnam hoàn thành 94% kế hoạch cả năm 2021. (Ảnh minh họa) |
Lãi hơn 15.400 tỷ đồng sau 4 tháng, Petrovietnam hoàn thành 94% kế hoạch cả năm 2021. (Ảnh minh họa)
Thêm vào đó, chỉ tiêu lợi nhuận của tập đoàn cũng vượt cao so với kế hoạch và tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 4 tháng ước đạt 15.420 tỷ đồng, gấp 2,5 lần kế hoạch 4 tháng và bằng 94% kế hoạch năm, gấp 2,46 lần so với cùng kỳ, vượt hơn nhiều so với mức tăng của giá dầu.
Tất cả các đơn vị trong tập đoàn đều giữ được nhịp độ sản xuất kinh doanh ổn định, có 17/22 đơn vị có lợi nhuận, nhiều đơn vị đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cùng ban điều hành tập đoàn đã chỉ đạo giao khối thăm dò khai thác tập trung đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác, tiếp tục có giải pháp để chặn đà suy giảm và gia tăng sản lượng khai thác, đồng bộ với việc gia tăng trữ lượng.
Cùng với đó, đơn vị này cần tiếp tục rà soát chi phí, tăng cường quản trị để giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả khai thác. Đối với các doanh nghiệp phân bón, cần tận dụng cơ hội thị trường thuận lợi đẩy mạnh sản xuất, tăng khả năng tiêu thụ khí...
Trước những tác động của dịch bệnh, ông Hùng nhấn mạnh, các đơn vị thành viên cần tập trung đánh giá các rủi ro, biến động của tình hình dịch bệnh để cập nhật, triển khai các giải pháp ứng phó cũng như định hướng quản trị, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, cần rà soát các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong quý II và nỗ lực thực hiện các phần việc còn tồn đọng của quý I. Tiếp tục theo dõi, đánh giá các yếu tố vĩ mô, tình hình tỷ giá, lạm phát để đánh giá các nguồn lực tài chính của tập đoàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh...
Theo Tài chính Doanh nghiệp