Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Ông lớn ngành bất động sản Nam Long gây dựng đế chế ra sao?

Nguoi dua tin 14:13 12/05/2021

Với quy mô quỹ đất gần 700ha, Nam Long đặt mục tiêu chuyển mình từ một chủ đầu tư bất động sản vừa túi tiền vươn lên thành nhà phát triển các dự án phức hợp.

Mới đây, Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Nam Long (Nam Long, MCK: NLG) hoàn thành thương vụ tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai lên 65,1%. Thương vụ này giúp Nam Long báo lãi ròng trong quý I/2021 là 366 tỷ đồng, tăng 313% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 27% kế hoạch năm.

Trên thị trường chứng khoán, tại phiên giao dịch ngày 11/5, cổ phiếu CTCP Đầu tư Nam Long của doanh nhân Nguyễn Xuân Quang đạt 39.700 đồng/cổ phiếu. Kể từ đầu năm, mã này đã tăng gần 30% giá trị.

Khởi nghiệp từ một doanh nghiệp siêu nhỏ

CTCP Đầu tư Nam Long là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn tại Việt Nam. Với 29 năm phát triển, lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Nam Long gồm phát triển khu đô thị; phát triển bất động sản thương mại; phát triển khu nhà ở với 3 dòng sản phẩm chính: Nhà phố, biệt thự; căn hộ biệt lập; căn hộ vừa túi tiền.

Nam Long tiền thân là Công ty TNHH Nam Long với vốn điều lệ 700 triệu đồng do ông Nguyễn Xuân Quang thành lập năm 1992. Thời điểm đó, Công ty thuộc thế hệ những doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tiên trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.

Tiếp những năm sau đó, ông Quang cùng các cộng sự của mình từng bước mở rộng đầu tư, phát triển bất động sản sang các tỉnh thành khác như Bình Dương, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai với quy mô lớn.

Năm 2005, công ty chính thức được chuyển đổi thành CTCP Đầu tư Nam Long với số vốn điều lệ 55 tỷ đồng, tăng gấp 78 lần so với số vốn ban đầu.

Ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT Nam Long.

Và đến năm 2013, ông Quang chính thức đưa Nam Long niêm yết trên sàn chứng khoán, mã chứng khoán NLG với vốn điều lệ 955 tỷ đồng.

Hiện tại, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Quang đang nắm giữ 38 triệu cổ phiếu NLG, khối tài sản ước tính hơn 1.490 tỷ đồng, nằm trong tốp 77 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Liên tục tăng vốn điều lệ

Điều khiến Nam Long khác biệt với nhiều công ty bất động sản ở chỗ, trong lúc nhiều công ty khác chỉ bán đất thì Nam Long bán nhà với các dự án nhà phố và biệt thự như Nam Phú, Thảo Nguyên Sài Gòn, Kim Long, Ngân Long, Nam Thông. Với loạt dự án đó, ông Quang đã đưa doanh nghiệp thành danh với thương hiệu "Nhà Nam Long”.

Tiếp tục tìm kiếm con đường riêng của mình, trong khi cả thị trường đang tập trung phát triển dòng sản phẩm căn hộ cao cấp, Nam Long tung ra dòng sản phẩm căn hộ giá rẻ EHome 1 với giá 10 triệu đồng/m2. Khi đó, nhiều người nghi ngại về dòng sản phẩm này của Nam Long.

Tuy nhiên, một thời gian sau, thị trường bất động sản gặp khó khăn, dòng sản phẩm cao cấp bị “thất sủng”, căn hộ giá mềm bắt đầu lên ngôi. Những dự án EHome liên tiếp được tung ra, người ta bắt đầu chú ý nhiều đến Nam Long. Giai đoạn từ năm 2007-2011, đã có 1.000 căn hộ EHome được Nam Long bàn giao cho khách hàng.

Cũng trong thời gian này, công ty của ông Quang liên tục tăng vốn điều lệ với sự hợp tác của các cổ đông chiến lược là các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Nam Long ký kết hợp tác với hai đối tác chiến lược là Công ty Nam Việt (100% vốn của Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs) và Quỹ ASPL (thuộc tập đoàn phát triển bất động sản Ireka của Malaysia) năm 2008; đến năm 2010, Năm Long tiếp tục chào đón cổ đông chiến lược Mekong Capital; năm 2014, 3 quỹ đầu tư nước ngoài IFC thuộc World Bank, Quỹ đầu tư Bridger Capital, Quỹ Probus Asia trở thành cổ đông mới của Nam Long; năm 2015, Keppel Land trở thành cổ đông chiến lược.

Nhà mẫu Akari City là dự án Nam Long hợp tác triển khai với nhà đầu tư Nhật Bản.

Bên cạnh đó, giai đoạn năm 2015 - 2020, Nam Long còn hợp tác với hai đối tác Nhật Bản là tập đoàn Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad để phát triển các dự án chiến lược như: dự án Fuji Residence; dự án Kykio Residence; dự án Mizuki Park; dự án KĐT Akaki City; dự án Izumi City. Ngoài ra, Nam Long còn đẩy mạnh việc mở rộng các quỹ đất, phát triển các đại đô thị có quy mô lớn với đầy đủ tiện ích; gia tăng 236 ha quỹ đất sạch: Nam Long Hải Phòng (21ha), Izumi City (170ha), Nam Long Đại Phước (45ha).

Sau 29 năm hình thành và phát triển, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Quang, Công ty đang có 20 công ty con với 739 nhân viên và tổng tài sản 13.643 tỷ đồng.

Hiện tại, Nam Long có khoảng 681ha quỹ đất sạch (gồm 9 dự án ở TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Cần Thơ, Hải Phòng). Theo ông Quang, công ty đã phải chuẩn bị 10 năm để có quỹ đất sạch này, nghĩa là đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch… để sẵn sàng cho sự phát triển cho 10 năm tiếp theo.

Nam Long đang làm ăn ra sao?

Năm 2020, doanh thu thuần của Nam Long đạt 2.217 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các dự án trọng điểm triển khai tại Long An và TP.HCM.

Doanh thu từ hoạt động kinh doanh nhà ở đạt 881 tỷ đồng và một số hoạt động ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Cụ thể, mảng cung cấp dịch vụ ghi nhận xấp xỉ 659 tỷ đồng doanh thu, gấp gần 5 lần năm 2019; mảng dịch vụ xây dựng đạt 702 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 64%, chủ yếu đến từ các hợp đồng dịch vụ tư vấn và xây dựng với các liên doanh tại dự án South Gate 165 ha (thuộc giai đoạn 1 của dự án Waterpoint 355 ha) và Mizuki Park 26 ha.

Bên cạnh đó, doanh thu tài chính của Nam Long cũng tăng mạnh, đạt xấp xỉ 727 tỷ đồng, gấp 7,5 lần năm 2019, với đóng góp chủ yếu đến từ việc chuyển nhượng 35% cổ phần dự án Spring Waterfront City (nay được đổi tên thành Izumi City Đồng Nai), thu về 636 tỷ đồng doanh thu chuyển nhượng dự án.

Sự khởi sắc của mảng xây dựng và dịch vụ cùng doanh thu tài chính tăng trưởng đã giúp Nam Long ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 850 tỷ đồng. So với kết quả năm 2019, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2020 đều giảm do việc bàn giao sản phẩm không đạt kỳ vọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, cả về tiến độ thi công cũng như nhu cầu thị trường.

Tuy vậy, so với kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 đặt ra, Công ty vượt 46% kế hoạch doanh thu và vượt 2% kế hoạch lợi nhuận. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) duy trì ở mức cao, đạt 3.078 đồng.

Năm 2021, Nam Long đặt ra kế hoạch tăng trưởng đột phá.

Tại cuộc họp Đại hồi đồng cổ đông diễn ra vào tháng 4, lãnh đạo của Nam Long cho hay, năm 2021 là năm đầu tiên trong chiến lược 3 năm 2021-2023 của Nam Long. Công ty định hướng tái cấu trúc theo hình thức "đơn vị kinh doanh", đẩy mạnh mảng lõi như mở rộng quỹ đất, phát triển nhà ở, phát triển các khu đô thị phức hợp ở vùng ven.

Dự kiến doanh thu năm 2021 đạt 4.963 tỷ đồng, tăng 124% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 1.367 tỷ đồng, tăng 61%; cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15%.

Cũng trong năm nay, NLG dự chi ra 2.000 tỷ đồng để mở rộng quỹ đất. Ngoài một số quận ưu tiên trong vùng TP.HCM, Nam Long sẽ mở rộng thị trường tại Hà Nội và một số đô thị như Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng…

Bên cạnh nguồn vốn sẵn có, Nam Long lên kế hoạch huy động vốn trong năm nay bao gồm phát hành riêng lẻ và trái phiếu. Cụ thể, tại cuộc đại hội cổ đông đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 60 triệu cổ phiếu NLG cho cổ đông hiện hữu với giá không thấp hơn 30.000 đồng/cổ phiếu.

Cũng theo đại diện Nam Long, công ty đang làm việc một số tổ chức tài chính quốc tế để chuẩn bị cho việc phát hành trái phiếu trong năm nay. Công ty có kế hoạch vay khoảng 1.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/tham-vong-dung-dau-khu-vuc-ve-bds-nam-long-gay-dung-de-che-ra-sao-a513954.html

Bạn đang đọc bài viết Ông lớn ngành bất động sản Nam Long gây dựng đế chế ra sao? tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân