Trong khi truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin, theo dõi hướng di chuyển của tên lửa Trường Chinh 5b gặp sự cố thì tại Trung Quốc, các hãng tin gần như giữ im lặng về vấn đề này. Bản thân các cơ quan quản lý lĩnh vực không gian của Bắc Kinh cũng không lên tiếng trước những lời chỉ trích của quốc tế đối với sự cố trên.
Phải tới sáng 9/5 (theo giờ Bắc Kinh), Văn phòng Kỹ thuật Không gian Trung Quốc mới chính thức lên tiếng, xác nhận những mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5b đã rơi xuống Ấn Độ Dương, gần quốc đảo Maldives. Tin tức này đã khiến phần lớn dư luận thế giới thở phào nhẹ nhõm vì không có thiệt hại nghiêm trọng về người và của sau vụ việc.
Theo CNN, Trung Quốc sau đó cũng đã đưa ra lập luận phản bác lại những lời chỉ trích trước đây từ các nước phương Tây và Mỹ nhằm vào mình. Cụ thể, Bắc Kinh cho rằng truyền thông quốc tế đã "làm quá" nhằm làm mất uy tín và cản trở chương trình không gian của nước này.
Tên lửa Trường Chinh 5b của Trung Quốc mang mô-đun đầu tiên của trạm vũ trụ nước này lên không gian. Ảnh: Global Times |
Cụ thể, trong ngày 9/5, tờ Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc đã viết: "Sự cường điệu và bôi nhọ của họ là vô ích", nói thêm rằng các nhà khoa học Mỹ và Cơ quan Hàng không Quốc gia (NASA) hành động "trái với lương tâm" và "phản tri thức".
Được biết, phía Bắc Kinh từ lâu đã luôn cho rằng phương Tây và truyền thông thế giới luôn áp những tiêu chuẩn khác đối với họ, đặc biệt là về chương trình không gian, một điểm quan trọng và là niềm tự hào của Trung Quốc.
Vốn không phải quốc gia tiên phong trong công cuộc khám phá vũ trụ, Trung Quốc lần đầu phóng vệ tinh vào không gian năm 1970, sau Liên Xô 13 năm và sau Mỹ 12 năm. Tuy nhiên, trong những thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đã dần khẳng định vị thế và sự phát triển vượt bậc của mình trong cuộc đua không gian với các cường quốc như Mỹ. Được biết, Bắc Kinh là quốc gia đầu tiên có người hạ cánh ở khu vực cách xa Trái đất trên Mặt trăng hồi năm 2019 và thành công mang về hòn đá Mặt trăng vào năm ngoái.
Theo đó, sự phòng thủ trước những lời chỉ trích từ phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, một phần xuất phát từ điều mà Bắc Kinh coi là hành động thù địch của Washington nhằm ngăn chặn bước tiến của họ ra ngoài bầu khí quyển của Trái đất.
Kể từ năm 1999, Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ vệ tinh sang Trung Quốc. Và vào năm 2011, Quốc hội đã thông qua luật áp đặt các hạn chế đối với sự tham gia của NASA với Trung Quốc.
Do đó, các phi hành gia Trung Quốc bị cấm ra khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) - trạm vũ trụ duy nhất trên quỹ đạo và là sự hợp tác giữa Mỹ, Nga, Châu Âu, Nhật Bản và Canada.
Điều này đã thôi thúc Trung Quốc tự mình xây dựng một trạm vũ trụ riêng. Theo đó, hồi tháng trước, tên lửa Trường Chinh 5b đã thực hiện sứ mệnh vận chuyển mô-đun đầu tiên của trạm vũ trụ Trung Quốc lên không gian trước khi gặp sự cố, rơi xuống Trái đất.
Theo Đời Sống Pháp Luật