Hà Nội, Thứ Tư Ngày 04/12/2024

Thế giới Di động: Đế chế tỷ USD vẫn lãi hàng chục tỷ mỗi ngày mùa dịch COVID-19

Doanh nhân Việt Nam 08:20 09/04/2021

Công ty Cổ phần Thế giới di động là đơn vị chủ sở hữu hàng loạt thương hiệu quen thuộc như chuỗi cửa hàng Thegioididong.com, chuỗi Điện Máy xanh và chuỗi Bách Hóa Xanh.

Thương hiệu Thegioididong.com là thành công khởi đầu của MWG

Giới thiệu về Công ty Cổ phần Thế giới di động

Thế giới di động (Mobile World Co. Ltd, còn được viết tắt là MWG) là công ty tư nhân của Việt Nam với 05 thành viên đồng sáng lập nên công ty là các ông Trần Lê Quân, Nguyễn Đức Tài, Đinh Anh Huân, Điêu Chính Hải Triều và Trần Huy Thanh Tùng.

Trụ sở chính của công ty nằm ở Tòa nhà MWG – Lô T2 – 1.2, Đường D1, Khu Công Nghệ Cao, Phường Tân Phú, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh.

Hiện tại, người nắm quyền lãnh đạo cao nhất, đồng thời cũng là người sáng lập nên công ty chính là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài. Ông cũng là 1 trong 10 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2019 với tổng giá trị tài sản lên đến 3.260.88 tỷ đồng.

Cùng với “thuyền trưởng” chính, Thế giới di động cũng không thể thiếu một số nhân vật cốt cán trong bộ máy điều hành và lãnh đạo như là ông Trần Kinh Doanh – Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc phát triển kinh doanh, ông Đặng Minh Lượm – Giám đốc nhân sự, ông Đinh Anh Huân – Giám đốc Dienmayxanh.com, ông Đoàn Văn Hiểu Em – Đại diện Pháp luật.

Thế Giới Di Động hiện đang sở hữu các thương hiệu là Thegioididong.com (2004), Điện Máy Xanh (2010), Bách Hóa Xanh (2015), Bluetronics (2017), Nhà thuốc An Khang và 4KFarm - Chi nhánh Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao của Bách Hóa Xanh.

Bằng những quyết sách thích hợp, Thế Giới Di Động đã đi qua hành trình 17 năm dài, từ một cửa hàng kinh doanh nhỏ trở thành “đế chế” bán lẻ trị giá tỷ hàng tỷ đô-la.

Con đường phát triển Thế giới di động thành đế chế tỷ USD

Tháng 3 năm 2004, Thế giới di động được thành lập với mô hình thương mại điện tử sơ khai, chỉ có 3 cửa hàng nhỏ tại thành phố Hồ Chí Minh và một website thegioimobi.com giới thiệu thông tin sản phẩm.

Tháng 10 cùng năm, công ty bắt đầu thay đổi mô hình kinh doanh, đầu tư vào thị trường bán lẻ và đạt được lợi nhuận ban đầu. Từ 01 siêu thị duy nhất tại 89A, Nguyễn Đình Chiểu, Tp.HCM với tên gọi ban đầu là Thegioididong.com, có quy mô hơn 200 m2. Sau 2 năm, đơn vị đã mở rộng lên 4 cửa hàng lớn tại TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2007 đánh dấu bước phát triển mở đầu cho thương hiệu nói riêng và cả công ty nói chung khi kêu gọi thành công vốn đầu tư của Mekong Capital. Quy mô cửa hàng đạt con số 40 vào năm 2009 tại nhiều tỉnh, thành phố lớn tại Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Cà Mau...

Trước những thành công trên thị trường điện thoại di động, công ty bắt đầu mở rộng lĩnh vực kinh doanh, bước chân vào ngành hàng điện tử tiêu dùng với thương hiệu Dienmay.com, sau đó đã đổi tên thành Dienmayxanh.com mà mọi người đều quen thuộc.

Năm 2013, công ty tiếp tục thành công kêu gọi đầu tư từ ông Robert A. Willett - cựu CEO BestBuy International và công ty CDH Electric Bee Limited. Tính đến thời điểm này, khắp cả nước đã có trên 220 cửa hàng của Thế giới di động tại khắp 63/63 tỉnh thành.

Không dừng lại ở đó, trong thời gian từ năm 2017 tới tháng 10 năm 2018, Công ty cổ phần Thế giới di động tiến hành phi vụ sáp nhập và mua lại toàn bộ hệ thống bán lẻ điện máy Trần Anh. Sau vụ sáp nhập, 34 siêu thị Trần Anh và hệ thống website toàn bộ đều đổi tên cũng như chuyển hướng hoạt về Điện Máy Xanh.

Giai đoạn này cũng là thời điểm chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh - minimart của MWG ra đời và không ngừng thử nghiệm các mô hình kinh doanh. Tới tháng 12/2018, Bách Hóa Xanh đạt được cột mốc quan trọng là hòa vốn EBITDA tại cấp độ cửa hàng với 405 cửa hàng chính thức, trong đó có 90% tại TP. Hồ Chí Minh.

Sau khi tìm được mô hình kinh doanh thành công, Bách Hóa Xanh bắt đầu tiến hành nhân rộng ra khắp các tỉnh thành. Hiện nay, thương hiệu này đã có tổng cộng 1775 cửa hàng, chủ yếu nằm ở các tỉnh thành miền Nam và Nam Trung Bộ.

Tính tới thời điểm hiện tại, tập đoàn đã có vị thế hàng đầu trên thị trường bán lẻ. Thế giới di động đã sở hữu mạng lưới hơn 3.400 cửa hàng trên toàn quốc, với hơn 50.000 cán bộ nhân viên ở các vị trí việc làm khác nhau.

Không chỉ dừng lại ở thành công trên thị trường Việt Nam, MWG còn đang có khuynh hướng mở rộng sang thị trường quốc tế mà bước đầu là nước láng giềng Campuchia. Khát vọng vươn ra toàn cầu này cũng được thể hiện rõ ngay từ ban đầu, trong logo của Thế giới di động.

Cụ thể, hình tượng con người trong logo được sắp xếp từ nhiều ô vuông nhỏ, là đại diện cho chuỗi hệ thống các cửa hàng bán lẻ của công ty. Hình khối tròn vàng thể hiện cho mặt trời, quả địa cầu là khát vọng được góp mặt trên thế giới, đưa thương hiệu Việt Nam tới những thị trường rộng lớn hơn.

Thời kỳ đại dịch: Lãi hàng chục tỷ/ngày, doanh thu vượt kế hoạch

Dù chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 giống như nhiều tập đoàn lớn khác, Thế giới Di động vẫn đạt được sự tăng trưởng trong thời gian vừa qua.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020, so với cùng kỳ, doanh thu tăng hơn 4.300 tỷ, tương đương 17% và lợi nhuận ròng sau thuế là 1.132 tỷ đồng, tăng hơn 9%.

Chỉ tính riêng giai đoạn đầu năm ngoái, mỗi ngày, tập đàon thu về gần 330 tỷ đồng doanh thu và 12,6 tỷ lợi nhuận sau thuế với 4 chuỗi bán lẻ Thegioididong.com, Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh, và Điện thoại siêu rẻ.

Đến quý IV/2020, chỉ sau 11 tháng kinh doanh, doanh thu sau thuế của tập đoàn đạt gần 3.600 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm. Trong đó, lợi nhuận từ chuỗi điện máy chiếm tỷ trọng cao nhất là 53.5%, chuỗi điện thoại là 27.2%, phần còn lại đến từ chuỗi cửa hàng bách hóa.

Trong năm 2021 này, kế hoạch kinh doanh của Thế Giới Di Động là 125.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.750 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Những thành tựu vang dội đạt được

Theo nghiên cứu của EMPEA, thống kê thị phần bán lẻ điện thoại di động tại Việt Nam năm 2014 thì Thế giới di động hiện chiếm 25% và là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực của mình.

Năm 2018, Thế giới Di Động là đại diện Việt Nam duy nhất lọt TOP 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương và liên tục lọt TOP 500 trong nhiều năm liền.

MWG cũng được đánh giá liên tục dẫn đầu TOP 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam (Nhịp Cầu Đầu Tư).

Tại bảng xếp hạng TOP 50 công ty niêm yết tốt nhất Châu Á của Forbes cũng nhiều lần điểm tên MWG.

Ngoài ra, không chỉ hoạt động kinh doanh hiệu quả,và chuyên nghiệp, tập đoàn còn là doanh nghiệp xuất sắc nhất tại giải thưởng “Chiến lược nhân sự hiệu quả” - Vietnam HR Awards 2018 và liên tiếp 4 lần được vinh danh trong TOP 50 Doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam.

Triết lý kinh doanh “Thử và sai” cùng những phép thử lỗi của Thế giới Di động

Hiện nay, thị trường điện thoại di động của chuỗi Thegioididong.com đang dần trở nên bão hòa, có dấu hiệu thụt lùi, mảng điện máy và bách hóa còn nhiều cơ hội để tiếp tục khai thác. Để tiếp tục phát triển bền vững, MWG cũng liên tiếp tìm thêm cho mình những "phép thử" trong hoạt động kinh doanh.

Khi đã “thử” thì phải chấp nhận sẽ “sai”, do đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài không ngại thử sức để liên tục đổi mới với triết lý kinh doanh “Thử và sai”.

Cuối tháng 6 năm 2020, sau khi “khai tử” chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ, MWG lại tiếp tục thử nghiệm gia tăng mô hình Điện Máy Xanh Supermini, điều chỉnh giảm chuỗi Thegioididong.com trên khắp cả nước.

Không chỉ Điện Thoại Siêu Rẻ, trước đây, MWG cũng đưa ra không ít phép thử lỗi như là trang thương mại điện tử vuivui.com, mô hình kinh doanh kính mắt và nhà thuốc An Khanh liên tục thua lỗ.

Cụ thể, Vuivui.com được ra đời vào tháng 12/2016 với kỳ vọng đóng góp lợi nhuận vượt bậc, vượt mặt chuỗi thegioididong.com từ năm 2020. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm kinh doanh, tới cuối năm 2018, Vuivui chính thức bị đóng cửa vì doanh thu lẹt đẹt.

Mô hình kinh doanh kính mắt được thử nghiệm từ tháng 6/2019, kết hợp ngay trong chuỗi Thegioididong theo cách “shop in shop”. Sau đó, nhận thấy không phù hợp, mô hình này nhanh chóng biến mất chỉ sau 9 tháng.

Còn với chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ, ra đời tháng 8/2019 với kỳ vọng chiếm được 20% thị phần, doanh thu của cửa hàng cũng đạt 350 triệu - 400 triệu VNĐ/tháng. Mở rộng tới 17 cửa hàng trong chưa đầy 1 năm nhưng thương hiệu này cũng nhanh chóng bị khai tử ngày 29/6/2020.

Về lĩnh vực dược phẩm, Nhà thuốc An Khang vốn được đặt nhiều cơ hội về tiềm năng thi sau hơn 2 năm được đầu tư, hệ thống này vẫn chỉ có được 20 điểm bán tại TP. Hồ Chí Minh và liên tục thua lỗ. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng nổ, ngành dược hưởng lợi thì đơn vị này vẫn không đạt được dấu hiệu khả quan. Tổng lỗ sau nhiều năm hoạt động đã lũy kế lên gần 7 tỷ đồng.

Trước những phép thử sai lầm của mình, Chủ tịch HĐQT và đồng sáng lập Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài đã thừa nhận, đây là điều cốt lõi phải trải qua để tìm ra bài toán tốt nhất cho công việc kinh doanh. Phải liên tục "thử và sai" thì mới tìm ra công thức, hướng đi mới cho thị trường bán lẻ, đưa Thế giới di động trở thành đế chế tỷ USD nổi trội như hiện tại.

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/the-gioi-di-dong-de-che-ty-usd-lai-hang-chuc-ty-moi-ngay-30718.html

Bạn đang đọc bài viết Thế giới Di động: Đế chế tỷ USD vẫn lãi hàng chục tỷ mỗi ngày mùa dịch COVID-19 tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp