Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

CPTPP gần như vô dụng với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

TDVN 16:48 07/04/2021

Theo VCCI, trong khi các doanh nghiệp FDI và dân doanh có cảm nhận rõ nét về tác động của CPTPP thì khối doanh nghiệp 100% vốn nhà nước phần lớn đứng ngoài những tác động này.

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố báo cáo “Việt Nam sau 2 năm thực thi CPTPP từ góc nhìn doanh nghiệp”. Báo cáo này đã hé lộ nhiều con số đáng chú ý về cảm nhận và của doanh nghiệp Việt Nam đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như tác động của hiệp định này tới cộng đồng doanh nghiệp.

Theo báo cáo, mặc dù được kỳ vọng rất lớn, song lợi ích từ CPTPP đối với Việt Nam lại rất khiêm tốn. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường CPTPP (7,2% năm 2019) thấp hơn so với mức 8,4% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi toàn thế giới trong cùng thời kỳ.

CPTPP gần như vô dụng với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (ảnh minh họa)

Hơn nữa, với một số thị trường CPTPP, đà tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn trước khi có CPTPP vốn cũng đã ở mức cao hơn đáng kể so với trung bình xuất khẩu đi các thị trường khác, cho thấy CPTPP dường như chỉ có tác động bổ trợ nào đó cho đà tăng tự nhiên này.

Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%, mức rất thấp không chỉ so với mức trung bình năm 2019 (37,2%) mà còn so với tỷ lệ tận dụng năm đầu tiên của nhiều FTA khác. Đây là chỉ dấu rất đáng quan ngại, cho thấy khả năng hiện thực hóa các lợi ích xuất khẩu trực tiếp từ hiệp định này của Việt Nam còn hạn chế.

Từ góc độ thu hút đầu tư nước ngoài, kết quả năm đầu thực thi CPTPP không mấy khả quan. Năm 2019, Việt Nam thu hút xấp xỉ 9,5 tỷ USD vốn đầu tư từ các nước CPTPP, giảm gần 36% so với năm 2018.

Xét theo từng đối tác, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam có mức giảm sâu nhất về giá trị (từ gần 9 tỷ USD năm 2018 giảm xuống còn hơn 4 tỷ USD năm 2019, tương đương giảm 52%).

Về tốc độ, vốn FDI giảm mạnh từ các nguồn truyền thống như Australia (giảm gần 63%), Malaysia (giảm 50%)… Mặc dù có một số lý do kỹ thuật khiến tốc độ tăng trưởng trong thu hút FDI từ CPTPP bị kéo mạnh, trong tổng thể chung đây vẫn là kết quả ít nhiều gây thất vọng, đặc biệt khi tổng thu hút vốn FDI của Việt Nam từ tất cả các nguồn năm 2019 vẫn tăng 7,2% và tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các đối tác CPTPP vẫn tăng 51,3% trong năm này.

Về mức độ hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về CPTPP, 69% doanh nghiệp có “nghe nói” hoặc biết sơ bộ về hiệp định này, cao hơn tất cả các FTA khác; 25% doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về hiệp định. Tuy nhiên, cứ 20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình. Kết quả này cho thấy các nỗ lực tuyên truyền phổ biến chung về CPTPP đã có hiệu quả ban đầu tích cực nhưng mới trên bề mặt là chủ yếu.

Về các tác động cụ thể của CPTPP, cứ 4 doanh nghiệp thì mới có 1 doanh nghiệp đã từng được trải nghiệm “trái ngọt” từ hiệp định này.

Với 3⁄4 các doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi ích trực tiếp nào từ CPTPP, lý do chủ yếu (60%) là họ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong hai năm vừa qua.

Đáng nói nhất là trong khi các doanh nghiệp FDI và dân doanh có cảm nhận rõ nét về tác động của CPTPP (với 51% - 52% doanh nghiệp của các nhóm này cho rằng CPTPP có tác động tích cực) thì khối doanh nghiệp 100% vốn nhà nước phần lớn đứng ngoài những tác động này.

“64% doanh nghiệp có vốn nhà nước 100% cho rằng CPTPP không tác động gì – với các FTA khác cũng như vậy. Dường như quá trình hội nhập theo chiều sâu thông qua CPTPP và các FTA chưa chạm tới khu vực doanh nghiệp này”, VCCI cho biết.

Khắc họa sâu hơn về sự “dửng dưng” của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đối với CPTPP, VCCI cho biết thêm, các doanh nghiệp FDI và dân doanh đã khởi động để tận dụng các ưu đãi thuế quan đầu tiên của Canada và Mexico, trong khi đó các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước lại hầu như chưa từng tận dụng được cơ hội này.

Tuy vậy, sự “dửng dưng” này cũng có mặt tích cực nào đó. Chẳng hạn như phản ứng trước tương lai hậu đại dịch, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tỏ ra ổn định và bình tĩnh nhất trong đại dịch, với 81,8% cho biết sẽ tiếp tục hoạt động bình thường, chỉ có một số ít phải chuyển đổi một phần sản xuất kinh doanh hoặc hoạt động cầm chừng!

Theo VietnamFinance

Link gốc : https://vietnamfinance.vn/cptpp-gan-nhu-vo-dung-voi-doanh-nghiep-100-von-nha-nuoc-20180504224251663.htm

Bạn đang đọc bài viết CPTPP gần như vô dụng với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân