Thế chấp, huy động vốn trái phép
Năm 2005, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận giao cho Tổng công ty (TCT) Bình Dương (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) 43 héc ta đất tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một để xây dựng KĐT Tân Phú. Nhưng khi chưa được giao đất chính thức, đơn vị này đã ký hợp tác với đối tác thành lập liên doanh để thực hiện dự án.
Khu đất vàng 43 héc ta UBND tỉnh Bình Dương giao cho Tổng công ty Bình Dương để thực hiện dự án KĐT Tân Phú |
Đến ngày 1/7/2010, TCT Bình Dương góp 43 héc ta đất được định giá 60 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ, và Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu lạc) góp 140 tỷ đồng, giữ 70% vốn điều lệ để thành lập Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) để thực hiện dự án KĐT Tân Phú 43 héc ta đất.
Ngày 8/12/2016, TCT Bình Dương bán lại 30% vốn góp, là 43 héc ta đất dự án, được định giá là 161,1 tỷ đồng cho Công ty Âu Lạc. Lúc này Công ty Âu Lạc đã sở hữu 100% Công ty Tân Phú.
Cuối năm 2017, Công ty Âu Lạc đã chuyển nhượng 100% vốn Công ty Tân Phú cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh Công ty Kim Oanh TP Hồ Chí Minh) với giá 250 tỷ đồng. Người đại diệp pháp luật của Công ty Tân Phú là bà Đặng Thị Kim Oanh.
Sau khi mua Công ty Tân Phú, ngày 28/1/2018, Công ty Kim Oanh TP Hồ Chí Minh làm lễ động thổ dự án KĐT Tân Phú và tiến hành huy động vốn đầu tư của khách hàng.
Lễ động thổ dự án KĐT Tân Phú |
Chỉ tính từ tháng 7/2018 đến hết tháng 10/2019, bà Đặng Thị Kim Oanh bằng pháp nhân Công ty Tân Phú đã có 615 giao dịch (vay vốn, huy động vốn) với khách hàng, số tiền được chuyển qua tài khoản 1071001111111 Vietcombank của Công ty Tân Phú hơn 466,4 tỉ đồng.
Điển hình như ngày 4/7/2018, bà NTT chuyển khoản 1,6 tỷ đồng; ngày 6/7/2018, bà HTNH chuyển khoản 1,4 tỷ đồng; bà NTTT chuyển 500 triệu đồng tiền cọc đảm bảo cho hợp đồng mua 10 lô nền; ngày 18/1/2019, bà NTDC chuyển 500 triệu đồng góp vốn theo hợp đồng số 490/2019/HDVT/TANPHU. Cá biệt, có khách hàng cho Công ty Tân Phú vay góp vốn đầu tư lên tới 10 tỷ đồng/hợp đồng. Thậm chí có khách hàng chuyển 37 tỷ đồng/hợp đồng với thỏa thuận được quyền chọn sản phẩm ưu đãi khi dự án KĐT Tân Phú đáp ứng các điều kiện pháp lý theo quy định của pháp luật… Trong tháng 1/2019, khách hàng này đã chuyển cho Công ty Tân Phú hơn 33,3 tỷ đồng cho 7 lô đất có tổng diện tích 856 m2, tương đương mức giá hơn 43,2 triệu đồng/m2…
Ngoài ra, ngày 12/9/2019, bà Đặng Thị Kim Oanh với tư cách giám đốc Công ty Tân Phú còn mang hai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất BK075229 và BK075230 của dự án KĐT Tân Phú 43 héc ta thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh (OCB) bảo lãnh cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Nam Kim do con gái bà là Nguyễn Thị Nhung làm đại diện pháp luật, để vay 350 tỉ đồng.
Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, thông báo kết quả điều tra bước đầu |
Xác định TCT Bình Dương đã chuyển nhượng 43 héc ta đất công dự án KĐT Tân Phú trái pháp luật, ngày 16/12/2019, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TCT Bình Dương.
Để phục vụ công tác điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đề nghị các cá nhân, tổ chức có thực hiện các giao dịch (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng QSDĐ…) liên quan đến quyền sử dụng khu đất 43 héc ta (là vật chứng của vụ án) liên hệ cung cấp thông tin, tài liệu, phối hợp giải quyết (Địa chỉ liên hệ: Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương - số 666 Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một. Gặp điều tra viên Đặng Thành Sang – 0913.860.120). |
Ngày 5/5, tại cuộc họp báo do Ban Tuyên giáo Bình Dương tổ chức, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Công ty Tân Phú (do Công ty Kim Oanh làm chủ) chưa đủ điều kiện thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất,… Hiện 43 héc ta dự án KĐT Tân Phú đang bị tạm giữ phục vụ điều tra.
Như vậy, sau khi mua lại Công ty Tân Phú với giá chỉ 250 tỉ đồng bà Đặng Thị Kim Oanh thông qua pháp nhân Công ty Tân Phú để thế chấp 43 héc ta đất dự án KĐT Tân Phú cho OCB để vay tiền và huy động từ hàng trăm khách hàng khác với tổng số tiền lên đến hơn 816 tỉ đồng. Các giao dịch này liệu có trở thành những “hợp đồng mua bán… chim trời”, vi phạm pháp luật?
Trách nhiệm pháp lý sẽ ra sao?
Hiện 43 héc ta đất dự án KĐT Tân Phú đang là vật chứng của vụ án nêu trên. Trong trường hợp dự án này mà bị thu hồi để trả cho nhà nước thì những giao dịch của Công ty Tân Phú mà đại diện là bà Đặng Thị Kim Oanh đã ký với các khách hàng sẽ ra sao? Tình huống pháp lý của các giao dịch này thế nào?
Về vấn đề này, Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Công ty Luật TAT Lawfirm bình luận: Nếu, Cơ quan điều tra cho rằng, căn cứ Điều 188 Luật Đất đai 2013, Công ty Tân Phú chưa đủ điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất,… thì cần xem xét liệu Công ty Tân Phú và cá nhân bà Đặng Thị Kim Oanh có dấu hiệu lừa dối khách hàng?
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo |
Trường hợp có dấu hiệu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cần khởi tố một vụ án hình sự khác về hành vi lừa dối khách hàng được quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015. Những khách hàng đã tham gia góp vốn với công ty sẽ tham gia vụ án với tư cách là người bị hại, và được Tòa án xem xét giải quyết bảo vệ quyền lợi dân sự trong vụ án hình sự.
Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, thì các giao kết với khách hàng trở thành hợp đồng vô hiệu theo Điều 122 Bộ luật dân sự 2015. Khi này các bên khắc phục hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu theo Điều 131 Bộ luật dân sự 2015.
Nếu, Cơ quan điều tra xác định lãnh đạo Công ty Tân Phú có liên quan sai phạm, và bị khởi tố trong cùng vụ án này thì trách nhiệm pháp lý của Công ty và bà Đặng Thị Kim Oanh, cũng như quyền lợi của hàng trăm khách hàng sẽ ra sao?
Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm: Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; trung thành với lợi ích của doanh nghiệp, không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác”. Đồng thời “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ mà mình gây ra”.
Như vậy, doanh nghiệp có quyền yêu cầu người đại diện theo pháp luật đền bù do sai phạm cá nhân của họ làm thiệt hại cho Công ty. Trong trường hợp này, bà Đặng Thị Kim Oanh với tư cách là Giám đốc Công ty Tân Phú vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các sai phạm trong thời kỳ đương nhiệm.
Riêng quyền lợi của các khách hàng đã hợp đồng giao dịch với Công ty trong trường hợp lãnh đạo Công ty Tân Phú cùng bị khởi tố hình sự, thì sau khi có kết quả điều tra của Cơ quan Công an, vụ án sẽ được chuyển truy tố, xét xử tại Tòa án. Những khách hàng đã tham gia góp vốn với công ty sẽ tham gia vụ án với tư cách là người bị hại, và được Tòa án xem xét giải quyết bảo vệ quyền lợi dân sự trong vụ án hình sự.
Theo Tiêu Dùng