Thực hiện Quyết định số 1092, ngày 2/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam đến năm 2030; Quy chế số 800 ngày 31/5/2019 giữa Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Bộ Y tế để triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho công nhân lao động. Thời gian qua, các cấp Công đoàn trên cả nước đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình này.
Tại Vĩnh Phúc, LĐLĐ và Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã ký kết Chương trình phối hợp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe công nhân viên chức lao động, giai đoạn 2020-2023. Ông Hà Đức Quảng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Công đoàn các cấp trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với ngành y tế triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho công nhân lao động, giai đoạn 2024-2028; đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của công nhân lao động.
Còn tại Hà Nội, để chăm lo, bảo vệ sức khỏe người lao động, Công đoàn các cấp trên địa bàn Thủ đô đã đẩy mạnh các hoạt động thăm khám, tư vấn sức khỏe cho người lao động.
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hách - Chủ tịch LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm cho biết, sức khỏe là tài sản vô giá của người lao động và của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Người lao động có đủ sức khỏe mới có thể lao động, công tác tốt. Để tổ chức các hoạt động chăm lo, nâng cao sức khỏe, giảm tình trạng mắc bệnh cho công nhân lao động, LĐLĐ quận đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 08/KH-LĐLĐ ngày 28/3/2024 về tổ chức “Khám sức khỏe, tầm soát ung thư cho công nhân viên chức lao động”.
Theo đó, LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với ngành y tế tiến hành khám sức khỏe, tầm soát ung thư miễn phí cho 862 công nhân viên chức lao động tại 27 Công đoàn cơ sở.
“Thông qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn truyền tải thông điệp đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn quận. Ngoài việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động cần quan tâm phối hợp cùng với tổ chức Công đoàn tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho người lao động bằng nhiều hình thức, nhiều biện pháp. Từ đó, giúp cải thiện điều kiện an toàn vệ sinh, lao động, để đoàn viên, người lao động nói chung có sức khỏe, tinh thần tốt, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc” - ông Hách nhấn mạnh.
Được khám, tư vấn sức khỏe miễn phí, đông đảo công nhân lao động đã bày tỏ vui mừng trước sự quan tâm, chăm lo chu đáo của các cấp Công đoàn. Bên cạnh đó, công nhân lao động cũng mong muốn thời gian tới, các cấp Công đoàn sẽ có thêm nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để chăm lo cho đoàn viên, người lao động, giúp họ có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn để yên tâm công tác, lao động sản xuất và gắn bó hơn với tổ chức Công đoàn, với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và hỗ trợ đoàn viên, người lao động vượt qua những khó khăn do bệnh tật gây ra, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã triển khai Đề án thí điểm “Chăm lo nghỉ dưỡng sức cho đoàn viên, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, suy giảm khả năng lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Theo đó, hàng nghìn đoàn viên, người lao động sẽ được hưởng lợi từ chương trình này trong năm 2024.
Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội chia sẻ, trong kỳ nghỉ dưỡng sức vừa qua, 85 đoàn viên, người lao động đến từ các quận, huyện như Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Gia Lâm và các ngành công thương, y tế đã có cơ hội trải nghiệm những giây phút thư giãn tại khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Thanh Thủy, Phú Thọ. Bên cạnh việc nghỉ ngơi, các đoàn viên còn được khám sức khỏe, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng của Hà Nội.
“Chương trình nghỉ dưỡng sức này không chỉ mang lại lợi ích về sức khỏe mà còn tạo cơ hội để các đoàn viên, người lao động gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Đây là hoạt động ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của tổ chức Công đoàn đối với những người đã không may gặp phải khó khăn trong cuộc sống” - bà Hương nói.
Theo Báo Đại đoàn kết