Hà Nội, Thứ Hai Ngày 11/11/2024

Khu du lịch sinh thái trái phép dưới chân Yên Tử

TDVN 08:51 01/08/2024

Chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép, không đảm bảo các điều kiện an toàn nhưng khu sinh thái tự phát Khe Song - Thác Bạc (tại xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, Quảng Ninh) vẫn tồn tại.

Nguy cơ mất an toàn

Dù là ngày đầu tuần, nhưng điểm Khe Song – Thác Bạc vẫn thu hút một lượng lớn khách. Trong vai khách du lịch đến tìm hiểu khu sinh thái để đặt tiệc, vui chơi vào cuối tuần, PV Báo Đại Đoàn Kết đã tiếp cận với ông N, người đang điều hành khai thác khu sinh thái.

“Khu sinh thái có một nhà sàn và ba khu nhà lá, có thể ngồi được cả vài trăm khách. Khách đến chơi tắm suối chúng tôi thu 20.000 đồng/khách, là phí vệ sinh. Khách đặt ăn tuỳ theo trong thực đơn, giá trung bình có thể từ 150.000-300.000 đồng/suất, tuỳ theo nhu cầu hoặc có thể đặt theo mâm. Nếu khách có nhu cầu ngủ lại qua đêm, chúng tôi tính theo số lượng người, nhưng cũng chỉ từ 300.000-500.000 đồng/phòng. Ngoài ra, ở đây có cả dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt” – ông N giới thiệu sơ qua về các loại giá, phí.

7.jpg
Khu vực làm dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt

Để tỏ lòng hiếu khách, ông N cho nhân viên chỉ dẫn chúng tôi đi tham quan toàn bộ khu vực hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái. Mặc dù là ngày thứ hai đầu tuần, nhưng có khá đông khách đến đây tắm, tránh nóng. Tiếng nhạc hát karaoke qua loa kéo, tiếng í ới gọi nhau đi tắm của trẻ em huyên náo cả khu.

2(2).jpg
Dòng suối chảy từ thác Bạc bị ngăn lại thành các bể tràn, làm chỗ tắm.

Từ khu nhà sàn ngược lên phía thác Bạc dài cả cây số, suối chảy róc rách từ trên thác xuống dưới quần thể khu sinh thái. Trên toàn tuyến có hơn chục bể tràn, hình thành từ việc xây dựng ngăn suối làm điểm bơi, tắm cho du khách. Một số đập tràn có biển cảnh báo độ sâu 1,3m, 1,4m hay 1,6m, tuy nhiên không vật dụng an toàn như: Phao, áo phao, sào, gậy dùng trong những trường hợp khẩn cấp để phòng khi có đuối nước xảy ra.

8.jpg
Rất đông trẻ nhỏ tới tắm tại các bể tràn này.

Ngoài nguy cơ đuối nước có thể xảy ra, do điều kiện tự nhiên của khu vực suối thác, các bờ kè, bờ đập, các phiến đá ẩm ướt quanh năm rất dễ trơn trượt, gây tai nạn. Tuy vậy, theo quan sát của phóng viên không thấy có biển cảnh báo.

5.jpg
Du khách không được trang bị áo phao khi tắm

Ngăn suối, đắp bể làm khu du lịch

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2019, UBND xã Thượng Yên Công có báo cáo xin chủ trương xây dựng điểm du lịch Khe Song - Thác Bạc thành điểm du lịch cấp tỉnh phục vụ khách tham quan, du lịch gắn với phát triển kinh tế địa phương.

Năm 2020, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Thượng Yên Công đã kêu gọi một số thành viên, hộ gia đình lập phương án kinh doanh và xin chủ trương làm điểm lịch cộng đồng tại địa điểm trên.

3.jpg
UBND xã Thượng Yên Công xác định, toàn bộ khu vực thác, suối này là đất công, nhưng đã bị một số hộ dân xây dựng ngăn suối để phục vụ kinh doanh du lịch.

Tuy chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép, một số hộ gia đình đã góp vốn, tiến hành “cải tạo”, tác động đến dòng chảy suối Khe Song.

Cụ thể, trên dọc tuyến suối có xây dựng 12 bể tràn để giữ nước làm điểm bơi lội phục vụ du khách. Toàn bộ diện tích này thuộc đất công, do xã Thượng Yên Công quản lý.

10.jpg
Việc xây dựng, kinh doanh du lịch này đã được tiến hành từ năm 2020.

Các công trình như nhà tắm, nhà vệ sinh, bếp nấu ăn, nhà sàn, lán trại bằng vật liệu gỗ, tranh, tre, nứa, lá… cũng được xây dựng trên diện tích đất hơn 1.600m2 trên đất vườn rừng của hộ ông Đặng Văn Toàn (thôn Khe Sú 2, xã Thượng Yên Công).

Ngày 2/11/2020 UBND xã Thượng Yên Công có văn bản số 132/QĐ- XPVPHC, quyết định xử phạt hành chính đối với ông Đặng Văn Toàn (SN 1967, HKTT tại thôn Khe Sú 2, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, Quảng Ninh) về hành vi chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (xây dựng trái phép trên đất vườn rừng).

9.jpg
Lượng khách đến Khe Song - Thác Bạc ngày càng đông.

Ngày 6/11/2023, UBND xã Thượng Yên Công có văn bản số 77/QD-XPVPHC, Quyết định xử phạt vị phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Đào Quang Năng (thôn Nam Mẫu 2, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, Quảng Ninh). Ông Năng đã có hành vi vi phạm chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn để dựng nhà gỗ, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.

11.jpg
Điểm du lịch được hình thành với quy mô khá lớn.

Trong hai quyết định xử phạt, cả ông Toàn và ông Năng đều bị phạt 4.000.000 đồng và phải khắc phục hậu quả, khôi phục tình trạng đất ban đầu trước khi vi phạm. Thời hạn khắc phục là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, công trình vẫn ngang nhiên tồn tại, Khe Song – Thác Bạc ngày càng hút khách.

Ông Nguyễn Năng Năm, Chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công, cho biết: “Khu sinh thái Khe Song - Thác Bạc đã được xây dựng và phát hiện vi phạm từ năm 2020, trước khi tôi về công tác. Khi về công tác tại xã, tôi đã vận động, xử phạt, tháo dỡ một công trình nhà sàn và kiên quyêt giữ nguyên hiện trạng không để phát sinh vi phạm thêm”.

Đặt vấn đề hoạt động đón khách tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với trẻ nhỏ, nhưng dường như không được quan tâm tại Khe Song - Thác Bạc? Chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công nói: “Khu sinh thái còn tồn tại cũng do chính quyền địa phương tạo điều kiện cho một số hộ dân đồng bào có sinh kế vì xã cũng là xã khó khăn. Vấn đề an toàn của du khách, tôi sẽ cho anh em quân sự, công an nhắc nhở và hướng dẫn cho hộ kinh doanh, tránh tai nạn xảy ra.

Theo Báo Đại đoàn kết

Link gốc : https://daidoanket.vn/khu-du-lich-sinh-thai-trai-phep-duoi-chan-yen-tu-10286502.html

Bạn đang đọc bài viết Khu du lịch sinh thái trái phép dưới chân Yên Tử tại chuyên mục Góc cư dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc cư dân
2h sáng, 6 chốt kiểm tra an ninh ở bên ngoài khu vực tổ chức Lễ viếng Tổng Bí thư, tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội vẫn sáng đèn...