Khác hẳn với cảnh "nghẹt thở" suốt từ sáng đến 23h ngày 25/7, bởi hàng vạn người dân ở nhiều vùng quê đổ về khu vực Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội (huyện Đông Anh, Hà Nội) viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì từ 0h ngày 26/7, địa điểm này lại yên ắng lạ thường.
Tại cổng kiểm tra an ninh đặt ở đầu đường vào thôn Lại Đà, được căng dây, máy móc được phủ vải nằm yên bởi đã hết giờ vào viếng, một số cán bộ nhân viên làm nhiệm vụ tại khu vực thôn được tạm nghỉ để chuẩn bị cho ngày làm việc tiếp theo vào sáng ngày 26/7, chỉ còn 3 lực lượng an ninh, cảnh sát cùng trực đêm.
"Chúng tôi vừa chỉnh trang vòng hoa và cơ sở vật chất của địa điểm viếng để chuẩn bị đón các đoàn vào sáng nay", một chiến sĩ cho biết.
Chia sẻ thêm với phóng viên, một chiến sĩ công an cho hay, mặc dù giờ viếng kết thúc lúc 23h30 nhưng rải rác một số người dân ở tỉnh gần Hà Nội muốn vào bái vọng, chúng tôi phải giải thích rõ để bà con thông cảm, chờ ngày mai tới viếng theo giờ quy định.
"Đa phần người dân này đến từ những vùng lân cận, mong muốn được vào viếng vị lãnh đạo kiệt xuất của đất nước nhưng chúng tôi đành cáo lỗi, chờ ngày mai", chiến sĩ này nói.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, trên đường Lại Đà (trục đường chính của thôn Lại Đà), dài gần 2km, có nhà văn hóa thôn, nơi tổ chức tang lễ nằm ở giữa, cách cổng làng khoảng 800m, cách cổng ra phía xóm Trại - lối lên đê Tả sông Hồng - khoảng 900m. Toàn bộ tuyến đường này cấm mọi phương tiện cơ giới.
Từ đầu thôn Lại Đà đến địa điểm viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có khoảng 6 chốt chính. Do ảnh hưởng của cơn giông đầu giờ chiều 25/7, nên buổi tối tại các chốt này, một số bạt hoặc dù "dã chiến" được căng bổ sung để tránh sương đêm, bảo vệ máy móc.
Theo Thiếu tá Đỗ Thành Trung, Công an xã lân cận được huy động hỗ trợ "chốt 1" thôn Lại Đà cho biết, chốt đầu tiên chủ yếu nhắc nhở về phương tiện giao thông, phân luồng người dân nơi gửi phương tiện giao thông đúng vị trí.
Các chốt còn lại, ca trực ban ngày chủ yếu tham gia hướng dẫn trật tự của các đoàn viếng, hướng dẫn người dân di chuyển đúng hàng lối, chủ động ngắt số lượng các đoàn vào viếng mỗi lần, sao cho không quá nhiều người vào cùng một đoàn.
Phía ngoài thôn Lại Đà đêm nay cũng sáng đèn. Trụ sở UBND xã Đông Hội có gần chục người túc trực các vị trí.
Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch Hội nông dân xã, đứng gác ở cổng trụ sở xã. Theo ông Dũng, ngoài việc làm nhiệm vụ trực giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực UBND xã, ông còn làm nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn những người dân phương xa về Đông Hội để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại Trường Tiểu học Đông Hội, đội ngũ nhân viên lái xe điện sau 18 tiếng làm việc liên tục ngày 25/7 vẫn chưa ngủ. Họ trải thảm nằm nghỉ ngay khu vực sân khấu, tranh thủ chuyện trò. Chuyến xe cuối cùng của họ mới kết thúc lúc 0h ngày 26/7. Ít giờ nữa, khi những chiếc xe được sạc đầy pin, họ lại lên xe đưa đón bà con vào làng viếng Tổng Bí thư.
Trong trường tiểu học đêm nay còn có một vị khách đặc biệt. Đó là chị Trà My, 40 tuổi, lái xe máy một mình từ Vĩnh Bảo, Hải Phòng lên Hà Nội dự lễ tang vị Tổng Bí thư mà chị ngưỡng mộ.
Không tìm được nhà trọ, chị My vào trường học xin được tá túc qua đêm chờ trời sáng để viếng Tổng Bí thư, đồng thời cùng người dân cả nước tiễn biệt ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
Tính đến cuối ngày 25/7, theo Ban tổ chức, có hơn 36 nghìn lượt người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội huyện Đông Anh, Hà Nội - quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người vượt hàng nghìn km đến đây để xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư.
Theo Báo Dân trí