Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Chung cư Nhà B Xuân Đỉnh: Cư dân khóc ròng vì bị chủ đầu tư “đem con bỏ chợ”?

REATIMES 20:32 14/03/2021

Hàng hoạt sai phạm tại chung cư Nhà B Xuân Đỉnh đã bị cơ quan chức năng xử phạt và yêu cầu khắc phục nguyên trạng. Tuy nhiên, sau 1 thời gian dài, chủ đầu tư vẫn chây ì không thực hiện khiến cư dân bứ

Lời tòa soạn:

Khi mô hình nhà chung cư cao tầng đang là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển nhà ở tại các đô thị thì việc quản lý, sử dụng nhà chung cư cũng gặp phải rất nhiều rắc rối. Quá trình quản lý, sử dụng đã gây ra không ít các trường hợp tranh chấp giữa chủ sở hữu căn hộ với chủ đầu tư.

Trên thực tế, nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà ở chung cư đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản... Nhiều trường hợp chuyển giao quyền chủ đầu tư không minh bạch, không giải thích đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp mà các bên được hoặc phải được biết trước khi giao dịch theo quy định của pháp luật, từ đó đã nảy sinh những tranh chấp về sau.

Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Bài học nhìn từ vụ tranh chấp tại chung cư nhà B Xuân Đỉnh.

Bài 1: Cư dân khóc ròng vì bị chủ đầu tư “đem con bỏ chợ”?

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

Cư dân hơn 15 năm sống trong sợ hãi

Được biết, chung cư Nhà B, thuộc tổ dân phố Xuân Lộc 4 (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do CTCP Xây dựng số 2 (đã đổi tên thành CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina 2 - gọi tắt là Vina2) làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai từ tháng 6/2004, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12/2005.

Theo phản ánh của cư dân, chung cư Nhà B do Vina2 làm chủ đầu tư đã xây dựng sai thiết kế được cấp phép, bịt sảnh cầu thang thoát hiểm, biến nhà để xe thành căn hộ rồi bán hoặc cho thuê. Công trình đưa vào sử dụng hơn 15 năm nhưng chưa một lần bảo trì, các công trình ngày càng xuống cấp, hỏng hóc. Hệ thống phòng cháy chữa cháy tê liệt, hệ thống điện mất an toàn, nước ăn uống, sinh hoạt bị ô nhiễm… khiến cư dân bức xúc.

Cụ thể, theo phê duyệt được Sở Xây dựng Hà Nội cấp, chung cư Nhà B có diện tích xây dựng 1.503,2m2, trong tổng diện tích sàn xây dựng 4.308,1m2. Tòa nhà được phép xây 5 tầng và tầng trệt 1 gồm 4 phòng để xe (B101, B104, B106, B108 dành cho cư dân), 4 cửa hàng (B102, B103, B105, B107) và 2 sảnh cầu thang thoát hiểm.

Cư dân tố nhiều sai phạm tại chung cư Nhà B, thuộc tổ dân phố Xuân Lộc 4, Xuân Đỉnh
Cư dân tố nhiều sai phạm tại chung cư Nhà B, thuộc tổ dân phố Xuân Lộc 4 (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do CTCP Xây dựng số 2 (Vina 2) làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, trong quá trình đưa vào sử dụng, Vina2 xây dựng sai thiết kế tầng trệt, biến 2 sảnh cầu thang thoát hiểm (sảnh căn hộ) thành 2 căn hộ để ở (P109; P110). Không dừng lại ở đó, 3 nhà để xe đạp, xe máy (P104; P106; P108) thuộc phần sở hữu chung của cư dân cũng bị chủ đầu tư đem bán hoặc cho thuê.

Anh Phạm Gia K, cư dân chung cư Nhà B chia sẻ, chủ đầu tư đã biến 4 cửa hàng cho thuê của chung cư thành các căn hộ để bán cho người dân để ở và kinh doanh. Với 4 nhà để xe, chủ đầu tư đã bán 3 nhà xe thành căn hộ để ở, mỗi căn có diện tích khoảng 34m2.

Anh K bức xúc nói: “Chủ đầu tư đã xây dựng sai thiết kế và sử dụng công năng tầng trệt không đúng theo quy định. Chủ đầu tư không chỉ bán nhà xe thành căn hộ để ở, biến phòng thương mại thành nơi để ở, cho thuê kinh doanh mà còn bịt lối thoát hiểm của tòa nhà. Đặc biệt, chủ đầu tư đã bịt 2 cầu thang thoát hiểm thành 2 căn hộ để ở và kinh doanh, nên tòa nhà không có lối thoát hiểm cho cư dân. Nếu xảy ra cháy nổ, người dân không có đường nào thoát hiểm, gây nguy hiểm, mất an toàn cho toàn bộ cư dân. Chúng tôi đã đòi quyền lợi 3 - 4 năm nay rồi, nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình chây ì trong khắc phục các sai phạm”.

Sai phạm tại chung cư Nhà B, tổ dân phố Xuân Lộc 4, Xuân Đỉnh, Nam Từ Liêm - ảnh 1
Sai phạm tại chung cư Nhà B, tổ dân phố Xuân Lộc 4, Xuân Đỉnh, Nam Từ Liêm - ảnh 2

Nhiều năm qua, chủ đầu tư biến lối thoát hiểm, nhà để xe thành nơi kinh doanh, buôn bán... khiến cư dân chung cư Nhà B bức xúc.

Còn theo anh Nguyễn Văn S (cư dân chung cư Nhà B), ngoài các sai phạm kể trên, chung cư Nhà B còn tồn tại hàng loạt các bất cập về phòng cháy chữa cháy, công trình xuống cấp, tòa nhà chưa một lần được bảo trì, cư dân phải ăn uống nước ô nhiễm…

“Cách đây 5 - 6 tháng, nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của cư dân chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối do nước từ bể phốt chung cư rò rỉ sang bể chứa nước ăn. Nhiều người dân sau khi dùng nguồn nước này đã gặp tình trạng nôn ói, toàn bộ cư dân bị đau mắt, da bị ngứa, dị ứng… Chúng tôi phải đi mua nước ăn, đi tắm nhờ nơi khác. Cư dân tự đóng 1,5 triệu đồng/gia đình để tạm thời thau rửa lại bể nước ăn”, anh S cho hay.

Cũng theo anh S, hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại tòa nhà hoàn toàn tê liệt, hệ thống cứu hỏa hư hỏng, hệ thống điện không được bảo quản, ngăn cách, mất an toàn. Chất lượng công trình đang xuống cấp, tường bị bong tróc, nước từ nhà này thấm xuống nhà kia… Một số cư dân lo sợ về nguy cơ mất an toàn đã phải bán nhà chuyển đi nơi khác sống.

Chủ đầu tư chây ì khắc phục sai phạm

Ông Nguyễn Văn Cầm, đại diện Ban quản trị Chung cư Nhà B cho biết, những vi phạm của chủ đầu tư Vina2 đã được Thanh tra Sở Xây dựng kết luận rõ ràng, thậm chí đã có quyết định cưỡng chế khắc phục hậu quả, nhưng động thái không khắc phục triệt để của chủ đầu tư khiến cư dân vô cùng bức xúc.

Khu vực tầng trệt được chủ đầu tư chung cư Nhà B biến thành nơi kinh doanh, buôn bán...
Toàn bộ khu vực tầng trệt được chủ đầu tư chung cư Nhà B biến thành nơi kinh doanh, buôn bán...

Theo ông Cầm, việc chủ đầu tư xây bịt 2 lối thoát hiểm, biến sảnh cầu thang thành căn hộ chủ rõ ràng là đã sử dụng sai công năng so với thiết kế ban đầu. Việc cơi nới, phá vỡ quy hoạch thiết kế đối với lối thoát tầng trệt rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả lớn nếu xảy hỏa hoạn.

Đồng thời, 4 phòng để xe thì Vina2 đã bán 3 phòng, chỉ còn phòng 104 để cư dân sử dụng. Căn phòng này có diện tích khoảng 30m2 nên luôn trong tình trạng quá tải, nguy cơ cháy nổ rất cao.

"Các vi phạm của Vina2 đã được kết luận và quyết định cưỡng chế cũng đã được ban hành, nhưng hơn 1 năm nay chưa thực hiện, khiến quyền lợi chính đáng của cư dân bị xâm hại. Chủ đầu tư vô cảm, không có thiện chí để khắc phục những sai phạm của mình.

Hiện, tình trạng nước ăn uống, sinh hoạt của cư dân vô cùng tồi tệ, chất lượng kém. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới dịch bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe cư dân. Ban quản trị thành lập 5 năm nhưng không hề hiệu quả, chủ đầu tư không bàn giao quyền quản lý, nên quyền lợi cư dân không được đảm bảo. Chúng tôi đang rất hoang mang và vô cùng bức xúc”, ông Cầm nhấn mạnh.

Chung cư nhà B xuống cấp do nhiều năm không được bảo trì
Chung cư Nhà B nhiều năm không được bảo trì, nhiều hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng.

Được biết trước đó, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt đối với chủ đầu tư về hành vi lấn chiếm các phần thuộc sở hữu chung của tòa chung cư và kèm biện pháp khắc phục hậu quả buộc chủ đầu tư khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ nộp phạt và không chịu khắc phục hậu quả. Ngày 6/11/2019, Thanh tra Sở Xây dựng tiếp tục ra quyết định cưỡng chế đối với Vina2. "Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này, Vina2 có trách nhiệm thực hiện quyết định. Nếu quá thời hạn trên mà Vina2 không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật", quyết định nêu rõ.

Liên quan đến vi phạm xảy ra tại chung cư này, đại diện UBND phường Xuân Đỉnh xác nhận, cư dân chung cư Nhà B đã nhiều lần có đơn phản ánh. Mặc dù Sở Xây dựng đã có kết luận vi phạm, UBND quận Bắc Từ Liêm và UBND phường đã có nhiều văn bản yêu cầu, tuy nhiên đến nay chủ đầu tư chưa khắc phục hết tồn tại.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Link gốc : https://reatimes.vn/sai-pham-tai-chung-cu-nha-b-xuan-dinh-20201224000000385.html

Bạn đang đọc bài viết Chung cư Nhà B Xuân Đỉnh: Cư dân khóc ròng vì bị chủ đầu tư “đem con bỏ chợ”? tại chuyên mục Góc cư dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc cư dân