Nỗi lo không có việc làm
Sinh ra và lớn lên tại làng nghề truyền thống làm tăm hương với thương hiệu nổi tiếng hơn 100 năm nhưng chị Lê Thị Ánh (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) cho biết, làm nghề rất vất vả nhưng mức thu nhập không cao, chỉ dao động từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức thu nhập này rất ít người lao động ở đây đạt được vì đòi hỏi về sức khỏe và kỹ năng và sự chăm chỉ. Phần lớn người trong xã Quảng Phú Cầu chỉ có thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng.
“Tôi ở làng nghề truyền thống từ nhỏ nên đã theo nghề ông cha để lại, dù vậy về lâu dài không thể theo nghề mãi được vì thu nhập không đủ sống. Tôi cũng muốn chuyển đổi sang công việc khác nhưng không có bằng cấp nên rất khó. Giờ muốn đi học nghề để xin làm công nhân nhưng cũng không biết học nghề gì cho phù hợp nên đến giời tôi vẫn chưa theo học được nghề gì, chỉ biết làm tăm hương” – chị Ánh chia sẻ.
Cũng giống như chị Ánh, chị Nguyễn Thị Thuận sinh ra và lớn lên tại làng nghề khảm chai Chuôn Ngọ (Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Nội). Chị gắn với nghề khảm chai từ nhỏ, lớn lên lập gia đình chị cũng tiếp tục mưu sinh bằng nghề khảm chai. Thế nhưng nay đã bước vào tuổi 48 chị lại đứng trước nỗi lo không có việc làm.
“Nghề khảm chai đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ vì vậy khi có tuổi sẽ không theo được nghề. Trước đây đi làm, mỗi tháng thu nhập của tôi cũng được từ 8 đến 10 triệu đồng nhưng 2 năm gần đây thì chỉ được 6 đến 7 triệu đồng vì mắt đã kém, làm các công đoạn mất nhiều thời gian hơn vì thế lương cũng bị giảm đi. Đến khi 50 tuổi thì hầu như không thể làm được trong khi đó tôi lại không tham gia bảo hiểm xã hội. Để có thêm thu nhập tôi dự tính xin đi làm phục vụ hoặc làm giúp việc các hộ gia đình, vì ngoài nghề truyền thống tôi không có kỹ năng nghề nào khác” - chị Thuận chia sẻ.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2024 là 52,4 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ quý I là 27,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Lao động chưa qua đào tạo chủ yếu làm công việc tự sản tự tiêu, trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Như vậy, hiện cả nước vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.
“Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái và thiếu tính ổn định, cơ hội để nhóm lao động này tìm kiếm được công việc tốt là rất khó khăn” - Tổng cục Thống kê nhận định.
Không chỉ đối diện tương lai khó có việc làm ổn định khi mà ngành nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất,lao động chưa qua đào tạo đang và sẽ là lực lượng lao động có thu nhập thấp nhất. Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2024, thu nhập bình quân của lao động khu vực nông thôn chỉ đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng (khu vực thành thị là 9,3 triệu đồng/người/tháng).
Ở những vùng kinh tế - xã hội có nhiều lao động chưa qua đào tạo, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, thì thu nhập bình quân của lao động thấp hơn rất nhiều so với các vùng khác. Trong khi ở vùng Đồng bằng sông Hồng, thu nhập bình quân của lao động trong quý I/2024 đạt 8,9 triệu đồng/người/tháng; khu vực Đông Nam bộ đạt 9,5 triệu đồng/người/tháng thì vùng Trung du và miền núi phía Bắc chỉ đạt 5,7 triệu đồng/người/tháng; Tây Nguyên đạt 5,6 triệu đồng/người/tháng; Đồng bằng sông Cửu Long đạt 6,9 triệu đồng/người/tháng.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội
Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn, giải pháp then chốt chính là đào tạo nghề. Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ với nhiều Đề án lớn nhưng vì nhiều lý do, đến nay công tác đào tạo nghề khu vực này vẫn còn nhiều điểm nghẽn.
Quyết định số 1956 ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” nêu rõ mục tiêu 70% lao động nông thôn được qua đào tạo. Tuy nhiên, số liệu thực tế năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ mới có 24,1% lao động nông thôn đã qua đào tạo có bằng và chứng chỉ sơ cấp trở lên. Lực lượng lao động nông thôn phần lớn thiếu kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hầu hết lao động nông thôn được tuyển dụng để làm việc trong các ngành phi nông nghiệp vẫn phải đào tạo lại, thậm chí nhiều lao động phải làm trái ngành nghề do đào tạo chưa sát với nhu cầu của thị trường.
Theo ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn không hề đơn giản bởi ngoài việc đào tạo kỹ thuật chuyên môn thì cần tăng đào tạo kỹ năng mềm, trọng tâm là kỹ năng khởi sự kinh doanh. Bởi vì nếu không có kỹ năng xúc tiến thương mại, người dân học xong ứng dụng vào sản xuất nhưng sản phẩm làm ra không bán được thì việc đào tạo nghề không có ý nghĩa. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều nông dân e ngại với việc học nghề, ngại khởi nghiệp. Cũng theo ông Định công tác đào tạo nghề có đạt hiệu quả hay không vai trò của cơ sở, địa phương rất quan trọng.
Thực tế tại Bắc Ninh cùng với các chính sách của Trung ương, Bắc Ninh ban hành nhiều chính sách đặc thù như: Nâng độ tuổi cho đối tượng được hỗ trợ học nghề; quy định chế độ hỗ trợ đào tạo và sử dụng lao động với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh… qua đó tạo điều kiện thuận lợi, thu hút lao động nông thôn tham gia học nghề gắn với giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Kim Triều - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Bắc Ninh, giai đoạn 2010-2021, toàn tỉnh có hơn 55 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề; tỷ lệ người có việc làm sau đào tạo đạt 81%, trong đó số lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo gắn với các doanh nghiệp đạt 25%
Để tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, theo TS Phan Chính Thức (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ LĐTBXH), cần phát triển hệ thống đào tạo nghề theo hướng mở cả về thời gian, địa điểm, mở phương pháp, mở nguồn lực... Đồng thời “mở” ở tất cả trình độ, không chỉ đào tạo ở cấp sơ cấp, trung cấp mà cần phải nâng lên cả cấp cao đẳng.
Được biết, Bộ LĐTBXH đang xây dựng dự thảo Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030. Dự thảo Đề án nhấn mạnh, mục tiêu của việc đổi mới là nhằm đa dạng hóa các hình thức đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông; gắn đào tạo với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước xây dựng giai cấp nông dân tiên tiến, hiện đại.
Dự thảo Đề án đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, trung bình mỗi năm có khoảng từ 1 - 1,2 triệu lao động nông thôn được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác (trong đó, đào tạo phi nông nghiệp chiếm khoảng 70%; đào tạo nghề nông nghiệp chiếm khoảng 30%); giai đoạn 2026 - 2030 tăng quy mô đào tạo, trung bình mỗi năm đào tạo cho khoảng 1,2 - 1,5 triệu lượt lao động nông thôn (trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 75%, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm khoảng 25%).
Ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam:
Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn là một yêu cầu cấp thiết. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện, khuyến khích nông dân, lao động nông thôn học nghề, nâng cao năng lực gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; mở rộng hoạt động tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh; phát huy vai trò của các trường, trung tâm thuộc Hội Nông dân trong xây dựng, chuyển giao mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân.
Theo Báo Đại đoàn kết