Tối 7/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát thông báo nâng mức ɡiãn cách xã hội từ Chỉ thị 10 lên Chỉ thị 16 trong 15 ngày tiếp theo (từ 0h ngày 9/7).
Đối với hoạt động giao thông vận tải, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (Sở GTVT) triển khai việc tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng ôtô; kể cả xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ.
Riêng shipper - người giao hàng thông qua ứng dụng công nghệ, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết loại hình được tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, các tài xế bắt buộc phải khai báo y tế và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
Toàn bộ hoạt động vận tải công cộng tại TP.HCM được hạn chế sau 0h, ngày 9/7 theo Chỉ thị 16. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn/Zing |
Trong khi đó, hoạt động hàng không và đường sắt đi, đến TP.HCM từ 0h ngày 9/7 cũng được TP đề nghị giao các đơn vị xem xét, kiến nghị tạm dừng.
Trường hợp vận chuyển cán bộ, nhà quản lý, chuyên gia, công nhân… và một số phương tiện taxi chở người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong hoàn cảnh cấp thiết được phép chạy với điều kiện tuân thủ quy định phòng, chống dịch nghiêm ngặt.
Sở GTVT TP.HCM được giao phối hợp Sở GTVT các tỉnh tổ chức giao thông, tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải hàng hóa được liên tục, thông suốt.
Sau 4 lần kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, TP.HCM chính thức quyết định áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định TP.HCM đang trải qua cuộc chiến thật sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để phòng, chống dịch. Do đó, thành phố phải nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch.
Từ ngày 27/4 đến tối 7/7, TP.HCM ghi nhận 8.151 ca bệnh. Nơi đây dẫn đầu cả nước về số ca mắc Covid-19, phần lớn được phát hiện trong khu cách ly, phong toả.
Dịch Covid-19 tại Việt Nam có xu hướng lan rộng từ TP.HCM sang Bình Dương, Đồng Nai, Long An và nhiều tỉnh, thành phố miền Trung và khu vực Tây Nam Bộ.