Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Biệt thự cổ bỗng dưng... biến mất

Phụ nữ Online 07:49 18/12/2019

Những căn biệt thự cổ thường có diện tích lớn, vị trí đẹp, nên nhiều người muốn phá bỏ để xây cao ốc

Lần theo bảng danh sách các căn biệt thự cổ ở trung tâm Sài Gòn, chúng tôi tìm đến địa chỉ 204D Điện Biên Phủ, Q.3 nhưng chỉ thấy mấy căn nhà che tôn tạm bợ, cây cối um tùm. Tìm cách quan sát từ trên cao, chúng tôi mới phát hiện, ẩn khuất sau mặt tiền xấu xí là một căn biệt thự rộng lớn còn khá nguyên vẹn, được xây theo lối kiến trúc độc đáo của Pháp. Đây là một trong nhiều căn biệt thự ở Q.3 được cho là đã “biến mất” trong quá trình rà soát để bảo tồn.

Khi biệt thự đẹp bị… làm xấu

Trên đường Điện Biên Phủ, Q.3, có nhiều căn biệt thự được xây dựng trước năm 1975, thuộc diện cần thẩm định để bảo tồn. Nhưng trên thực tế, nếu chỉ quan sát ở dưới thấp, từ bên ngoài, người xem rất dễ chưng hửng khi thấy kiến trúc những căn nhà này chẳng có gì đáng chú ý. Căn biệt thự ở 209 Điện Biên Phủ là một trong những trường hợp như thế.

Bị một cửa hàng mắt kính bao bọc phía mặt tiền nên căn biệt thự này trông chẳng khác gì những căn nhà phố bình thường. Thế nhưng, khi quan sát và ghi hình từ trên cao, chúng tôi nhận thấy, căn biệt thự này có kiến trúc rất đẹp, mái ngói âm dương khá độc đáo...

Biệt thự ở TPHCM

Một thành viên trong Hội đồng Phân loại biệt thự TP.HCM cho biết, có những trường hợp do mặt tiền bị các công trình khác án ngữ nên biệt thự cổ ở phía sau bị che khuất, dễ lầm tưởng là nhà phố bình thường, nhưng cũng có trường hợp cố tình “làm xấu” biệt thự để được loại ra khỏi danh sách bảo tồn.

“Trên đường Lý Tự Trọng, Q.1, từng có trường hợp như thế. Trên thực tế, đó là căn biệt thự cổ rất đẹp nhưng bị mấy căn nhà ống bao phủ bên ngoài nên nhiều người lầm tưởng công trình đó không có giá trị bảo tồn. Khi được loại ra khỏi danh sách, người ta cũng nhanh chóng đập bỏ căn biệt thự để xây cao ốc. Có tiếc thì việc cũng đã rồi” - một kiến trúc sư thuộc Hội đồng Phân loại biệt thự TP.HCM tiết lộ. Ông cho rằng, ở khu vực trung tâm TP.HCM, giá đất cao ngất ngưởng nên nhiều người muốn đập bỏ biệt thự để xây cao ốc.

Tiếp xúc với chúng tôi, một nhà đầu tư bất động sản chuyên mua bán nhà có diện tích lớn ở Q.1, Q.3 cho rằng, hầu hết các căn biệt thự được xây dựng trước năm 1975 đều nằm ở những vị trí đẹp, mặt tiền đường hoặc hẻm rộng, lại có diện tích lớn nên nếu xây dựng cao ốc, số tiền thu được rất lớn. Do đó, nhiều chủ sở hữu không muốn bảo tồn mà muốn được tùy nghi sử dụng.

“Mấy năm trước, khi căn biệt thự cổ ở góc đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan được bán với giá 35 triệu USD (khoảng 700 tỷ đồng), ai cũng trầm trồ. Nhưng bây giờ, khu đất đó nếu được xây cao ốc, giá ngàn tỷ cũng có người mua ngay” - ông này nhận định.

Thực hư 19 căn biệt thự “biến mất”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mới đây, sau khi được yêu cầu rà soát lại các căn biệt thự cổ (xây dựng trước năm 1975) còn hiện hữu, UBND Q.3 kiểm tra và nhận thấy, có nhiều căn biệt thự “không còn tồn tại” hoặc “không tồn tại địa chỉ” như trong danh sách đã lập trước đó. Cụ thể, nếu căn cứ vào báo cáo của UBND quận, tại quận này, có đến 19 căn biệt thự “không tồn tại”.

Trao đổi với chúng tôi về vụ việc trên, một thành viên trong Hội đồng Phân loại biệt thự TP.HCM xác nhận: “Chúng tôi có gửi văn bản đề nghị UBND Q.3 kiểm đếm 127 biệt thự cũ và cổ, nhưng khi nhận báo cáo thì phát hiện 19 căn “biến mất”. Quá bất ngờ vì không thể chỉ trong vài tháng mà hiện trạng các căn biệt thự cổ lại thay đổi nhanh như vậy nên chúng tôi đã kiểm tra lại và xác định, nhiều căn biệt thự được cho là không tồn tại, trên thực tế vẫn còn nguyên”.

Qua xác minh thực tế, chúng tôi nhận thấy, căn biệt thự ở 1 Bà Huyện Thanh Quan được UBND Q.3 thông tin “không tồn tại địa chỉ” hiện vẫn còn nguyên vẹn. Trước cổng biệt thự, chúng tôi thấy vẫn còn ghi rõ số nhà giống như đã được thể hiện trên danh sách biệt thự cổ. Để chắc chắn hơn, chúng tôi thu thập thêm các giấy tờ liên quan và nhận thấy, những thông tin về căn biệt thự này vẫn trùng khớp với các thông tin trên danh sách các căn biệt thự được xem xét để bảo tồn.

Hai căn biệt thự nằm ở số 143 và 145 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3 được cho là “địa chỉ này không có” nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, chúng vẫn còn nguyên với kiến trúc cổ, hiện đang là trụ sở của một công ty du lịch và một nhà hàng ăn uống. Còn căn biệt thự tại 204D Điện Biên Phủ, theo báo cáo của UBND Q.3 là “không tồn tại”, nhưng khi chúng tôi quan sát và ghi hình từ trên cao, nó vẫn còn nguyên vẹn, mặt tiền chỉ bị các tán cây che khuất.

Theo nhận định của giới kinh doanh bất động sản, những căn biệt thự trên khu đất rộng, lại nằm ở những vị trí đắc địa nói trên hiện có giá hàng chục triệu USD.

Thẩm định còn cảm tính

Được xem là ngôi nhà thấp tầng đắt nhất Q.3, căn biệt thự hai lầu có giá hơn 35 triệu USD ở góc đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan hiện vẫn còn nguyên vẹn và đang được trùng tu. Đây là một trong những căn biệt thự đẹp, thuộc diện bảo tồn, đã được UBND TP.HCM cho phép trùng tu vì công trình này đã tồn tại hơn 100 năm.

Căn biệt thự này chỉ gây chú ý khi được bán với giá cao. Trước đó, căn nhà này bị các dãy tường gạch cũ kỹ bao bọc, phía trước còn được tận dụng làm quán ăn nên chẳng mấy ai biết đây là một trong những căn biệt thự cổ có kiến trúc đẹp thuộc hàng hiếm ở TP.HCM.

Trao đổi với chúng tôi, một thành viên của Hội đồng Phân loại biệt thự TP.HCM cho biết, việc rà soát, phân loại các căn biệt thự cũ là nội dung của chương trình “Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM”.

Theo đó, biệt thự cũ được chia làm ba nhóm, trong đó nhóm I được ưu tiên giữ lại để bảo tồn, nhóm II cần được bảo tồn và nhóm III là nhóm thấp nhất, không cần phải bảo tồn. Do đó, có những trường hợp chủ sở hữu muốn biệt thự của họ “được” xếp vào mức thấp nhất để họ tùy nghi sử dụng, có thể đập bỏ để xây cao ốc hoặc bán cho các nhà đầu tư bất động sản với giá cao. Trong khi đó, việc thẩm định, phân loại biệt thự đôi khi phụ thuộc vào cảm tính nên cũng có thể bị tác động, thay đổi kết quả.

Giống như nhận định của vị chuyên gia nói trên, trong báo cáo cho Hội đồng nhân dân TP.HCM mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng nhìn nhận sự phức tạp trong việc phân loại biệt thự: “Hội đồng Phân loại biệt thự và tổ kỹ thuật gặp một số khó khăn như: lĩnh vực bảo tồn di sản mang tính đa ngành và khá phức tạp, việc đánh giá giá trị của di sản mang nhiều yếu tố cảm tính”.

Gần cả ngàn biệt thự chưa được thẩm định

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, hiện nay, có 25 căn biệt thự nhóm I, 64 căn biệt thự nhóm II và 21 căn biệt thự nhóm III đã được thẩm định. Có 145 căn đủ điều kiện để thẩm định, 648 căn chưa đủ điều kiện cần thiết để thẩm định. Dù số lượng biệt thự cũ tương đối lớn nhưng trên thực tế, còn nhiều căn chưa được UBND TP.HCM và các quận, huyện thống kê, trong đó có nhiều biệt thự thuộc nhóm I và II cần được bảo tồn.

“Trước vấn đề này, vào cuối tháng 9/2019, Văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo UBND các quận, huyện tiếp tục rà soát các biệt thự cũ để thống kê và phân loại bước đầu, hạn chế tình trạng bỏ sót. Hiện nay, Hội đồng Phân loại biệt thự TP.HCM vẫn đang chờ thông tin từ UBND các quận, huyện” - một cán bộ trong hội đồng này cho biết thêm.

Hội đồng Phân loại biệt thự TP.HCM được thành lập theo quyết định của UBND TP.HCM vào tháng 5/2015, có nhiệm vụ phân loại biệt thự cũ ở TP.HCM được xây dựng trước năm 1975 để bảo tồn. Một trong những thách thức đối với đơn vị này là sự mâu thuẫn giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, khi mà nhu cầu bảo tồn di sản kiến trúc của xã hội có thể không song hành với nhu cầu của cá nhân hay đơn vị đang sở hữu biệt thự cũ.

Lê Nguyễn - Hoàng Nhiên (Thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Biệt thự cổ bỗng dưng... biến mất tại chuyên mục Kiến trúc phong thuỷ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kiến trúc phong thuỷ