Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Bất động sản trước sức ép đại dịch: Thực hư về làn sóng đua nhau bán tháo

Nguyễn Triệu 20:01 13/04/2020

Giám đốc CBRE cho biết, bất động sản đang chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bà không nghĩ rằng “thị trường sẽ "khủng hoảng”.

Theo CBRE, các hoạt động hỗ trợ sau bán hàng, đặc biệt là quản lý dự án đang dần trở nên quan trọng hơn khi dịch Covid-19 bùng phát.

Có xảy ra bán tháo?

Gần đây, trên thị trường xuất hiện những thông tin về việc bán tháo bất động sản do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những thông tin này đưa ra những điểm tiêu cực của thị trường vì lo ngại một cuộc khủng hoảng lặp lại như thời kỳ năm 2009.

Trả lời câu hỏi của Dân trí, đại diện CBRE cho biết: Theo ghi nhận tại quý I chưa thấy có tình trạng “bán tháo”. Tại thị trường cơ cấp, giao dịch chững lại vì chủ đầu tư không thể mở chào bán vì lý do hạn chế tụ tập đông người. Việc rao bán cũng khó khăn do người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc với người lạ. Nguồn cầu vẫn khá lớn.

“Người mua nhà và chủ đầu tư trong trạng thái chờ đợi. Hiện tại hầu hết các chủ đầu tư đều giữ nguyên giá bán. Giá bán căn hộ vẫn bình ổn so với quý trước”, đại diện CBRE cho biết.

Còn theo quan sát của đơn vị này trên thị trường thứ cấp, cũng không thấy có nhiều giao dịch chào bán. Bởi nhiều chủ căn hộ đều nhận thấy tình hình không phù hợp để chào bán.

“Mức giảm trên thị trường không đáng kể. Đây là cơ hội người mua có thể chọn mua nhà để có giá hợp lý trong thời gian tới”, đại diện CBRE cho biết.

Còn theo chuyên gia JLL, tác động của Covid-19 lên giá có thể chưa được cảm nhận rõ ràng trong quý này vì ảnh hưởng từ sự thiếu hụt nguồn cung vẫn còn và dịch bệnh mới xảy ra.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, bất động sản vẫn được coi là một trong những kênh cất giữ tài sản an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế.

Bên cạnh đó, người dân có niềm tin dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát, khống chế và nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản sẽ phục hồi, tăng trưởng trở lại nên bán tháo lúc này là rất khó.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, thời điểm khó khăn vì dịch bệnh các nhà đầu tư sẽ ưu tiên giữ tiền mặt để phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên nhóm có nhu cầu thực sự vẫn đang vượt quá số cung của thị trường hiện nay nên giá bán cơ bản vẫn ổn định, không tăng nhưng cũng khó xảy ra giảm mạnh như nhiều nhận định.

Khó khăn của thị trường bất động sản năm nay không giống hồi 2009

Trao đổi với Dân trí, bà Dương Thuỳ Dung – Giám đốc Cấp cao của CBRE cho biết, bất động sản đang chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bà Dung không nghĩ rằng “thị trường có thể đổ vỡ, khủng hoảng”.

Theo bà Dung, nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 9 thì sẽ chứng kiến sụt giảm ở nhiều phân khúc, nhưng sự sụt giảm đó ở mức chấp nhận được của thị trường. Nguồn cầu về nhà ở vẫn rất cao. Do chịu yếu tố bất khả kháng nên thị trường chững lại.

Bà Dũng cũng cho biết, Chính phủ đang rất thận trọng khi đưa ra các gói hỗ trợ, cân nhắc kỹ lưỡng để không bị quá ảnh hưởng đến tính ổn định kinh tế Việt Nam. Như gói 250 nghìn tỷ đồng, gói này đưa ra trên những cam kết của ngân hàng chứ không lấy từ ngân sách.

“Chính phủ cũng đang kiểm soát dịch rất tốt. Với giả định năm nay đại dịch được kiềm chế, thị trường bất động sản bị tác động nhưng sẽ không có chuyển đổ vỡ”, bà Dung cho hay.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra những điểm “lành mạnh” của thị trường hiện nay khiến thị trường khó xảy ra đổ vỡ như các đợt khủng hoảng trước.

Trong đó có sự kiểm soát tốt từ Chính phủ, sự ứng phó bài bản chuyên nghiệp hơn tự doanh nghiệp, nguồn cầu lớn, cung không những không dư thừa mà còn rơi vào tình trạng khan hiếm.

Cộng với gần đây thị trường địa ốc liên tục đón những tin vui từ các chính sách như việc bổ sung kinh doanh bất động sản vào gói hỗ trợ 180 nghìn tỷ gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất; các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19…

Tuy nhiên, một vấn đề đáng được lưu tâm khác ngoài dịch bệnh được các chuyên gia đề cập khá nhiều suốt kể từ 2019 đến nay, đó là nguồn cung khan hiếm.

Tại diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên - xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020, GS. Đặng Hùng Võ cho biết trong năm 2019, thị trường chững lại vì hàng loạt dự án đình trệ do phải rà soát pháp lý. "Trong 2-3 năm tới, nguồn cung nhà ở sẽ suy giảm và giá sẽ tăng. Giờ xu hướng tăng giá nhà ở đã bắt đầu", ông Võ dự báo.

Tại một trong những thị trường sôi động nhất nước là TP.HCM, báo cáo mới nhất của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cũng nêu tình trạng: Nguồn cung căn hộ vốn dĩ đã khan hiếm vì các vấn đề pháp lý, giờ càng khan hiếm hơn với chỉ 2.256 căn, mức thấp nhất từ năm 2014.

Không chỉ ông Võ, thời điểm cuối 2019, rất nhiều chuyên gia, tổ chức nghiên cứu bất động sản dự báo về khả năng giá bất động sản năm 2020 sẽ bị đẩy cao hơn do nguồn cung khan hiếm, người mua không có nhiều lựa chọn.

Tuy nhiên, với diễn biến bất ngờ khi dịch bệnh “ập” đến, thực tế thị trường bất động sản không ghi nhận mức tăng, giá cả ổn định. Thậm chí không những không thể tăng được giá trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp sẽ phải mềm mỏng hơn trong chính sách bán hàng để kích cầu.

Ở góc độ người mua, các chuyên gia cho rằng, đối với nhà đầu tư có năng lực về tài chính và không phụ thuộc vào sự lên xuống của thị trường, đây có thể là cơ hội để lựa chọn những dự án đúng với mục tiêu đầu tư của mình, phù hợp các tiêu chí lựa chọn về vị trí, tiến độ pháp lý và xây dựng, uy tín chủ đầu tư, tiềm năng phát triển của khu vực… và đặc biệt là mức giá.

Theo CBRE, các hoạt động hỗ trợ sau bán hàng, đặc biệt là quản lý dự án đang dần trở nên quan trọng hơn khi dịch Covid-19 bùng phát. Người mua để ở và các nhà đầu tư giờ đây sẽ kỳ vọng tiêu chuẩn quản lý dự án cao hơn, theo hướng tăng cường các hoạt động giữ gìn vệ sinh chung và các yếu tố liên quan đến sức khỏe khác.

Theo Dân Trí

Link gốc : /bat-dong-san-truoc-suc-ep-dai-dich-thuc-hu-ve-lan-song-dua-nhau-ban-thao

Bạn đang đọc bài viết Bất động sản trước sức ép đại dịch: Thực hư về làn sóng đua nhau bán tháo tại chuyên mục Pháp lý bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp lý bất động sản