Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Dấu hiệu trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhìn từ dự án Long Việt Riverside

REATIMES 15:58 06/01/2021

Mua căn hộ khi chưa rõ pháp lý, chưa có hợp đồng mua bán, không hóa đơn chứng từ, phạt chậm thanh toán với số tiền “trên trời” là những gì đang diễn ra tại dự án Long Việt Riverside.

Dự án Khu nhà ở liền kề ven sông Long Việt Riverside nằm tại khu trung tâm Thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh (Hà Nội) do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Long Việt (Công ty Long Việt) làm chủ đầu tư.

Khách hàng tố chủ đầu tư có dấu hiệu trốn thuế, lừa đảo

Được rao bán rầm rộ, với viễn cảnh dự án Long Việt Riverside là nơi “Thắp ngọn lửa phồn vinh - Hạnh phúc vẹn tròn”, cho một tương lai phát triển của huyện Mê Linh, tuy nhiên những lời giới thiệu có cánh của chủ đầu tư lại khác hoàn toàn với thực tế mà khách hàng mua dự án gặp phải. Quá bức xúc trước sự việc, các khách hàng mua nhà tại dự án đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.

Cụ thể, thông tin trong đơn tố cáo của khách hàng, khi mua dự án, khách hàng chỉ có thể nộp tiền “thỏa thuận đặt cọc” và sau đó là các giai đoạn nộp tiền theo hình thức “hợp đồng đặt mua”. Khách hàng không được ký “hợp đồng mua bán” và không biết thời điểm nào được nhận sổ đỏ từ chủ đầu tư.

Khách hàng phải nộp tiền theo giai đoạn bằng hình thức “hợp đồng đặt mua”.

Đáng chú ý, theo đơn tố cáo, dù đã đóng tới 75% giá trị căn hộ nhưng đến nay hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án Long Việt Riverside vẫn chưa được chủ đầu tư ký kết hợp đồng mua bán. Đặc biệt, phía Công ty Long Việt còn yêu cầu khách hàng phải chuyển một khoản tiền (khoảng 20%) tổng giá trị căn hộ vào tài khoản riêng của kế toán trưởng Công ty mà không có hóa đơn chứng từ.

Nội dung đơn cũng nêu rõ: “Từ tháng 4 năm 2018, chúng tôi được giới thiệu mua nhà ở tại dự án Khu nhà ở ven sông Longviet Riverside do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Long Việt làm chủ đầu tư. Theo giới thiệu, dự án có tổng diện tích quy hoạch là 4,3ha với 144 căn hộ liền kề, diện tích từ 70m2 đến 84m2, công năng sử dụng linh hoạt; tiến độ xây dựng nhanh, bảo đảm chất lượng... Do vậy, chúng tôi đã tiến hành làm thủ tục đặt cọc mua căn hộ tại đây. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm bỏ tiền mua căn hộ, chúng tôi nhận thấy chủ đầu tư xuất hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt có những hành vi vi phạm pháp luật”.

Cụ thể, về biểu hiện trốn thuế, các khách hàng cho biết: “Hầu hết các hợp đồng đặt cọc mua căn hộ tại đây, chúng tôi đều phải trả 2 khoản tiền riêng. Một phần trả cho phía Công ty, một phần (khoảng 20% giá trị hợp đồng) được trả cho cá nhân (bà Nguyễn Thị Thu Hằng là kế toán trưởng của Công ty) nhưng không có hóa đơn, chứng từ. Phần trả riêng không nằm trong hợp đồng, như vậy là phía Công ty đã cố tình bỏ ra ngoài hợp đồng để trốn thuế. Với tổng số 144 căn hộ thì số tiền trốn thuế tạm tính đến nay khoảng gần 100 tỷ đồng”.

Ngoài ra, khách hàng còn tố chủ đầu tư có dấu hiệu chiếm đoạt tiền của cá nhân các khách hàng bởi dù họ đã bỏ tiền đặt mua căn hộ từ tháng 4 năm 2018, nhưng đến nay, họ mới chỉ có Hợp đồng Đặt cọc mua căn hộ.

“Rất nhiều lần, nhà đầu tư đến yêu cầu chủ đầu tư phải ký hợp đồng mua bán nhưng chủ đầu tư đều chỉ hứa nhưng không thực hiện. Thậm chí, phía chủ đầu tư liên tục ép khách hàng đóng các khoản tiền theo tiến độ. Tới thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư đã đóng trên 75% giá trị hợp đồng đặt mua, nhưng vẫn chưa có hợp đồng mua bán. Một số khách hàng cương quyết không đóng quá 30% giá trị hợp đồng khi chưa có Hợp đồng mua bán, thì bị phía chủ đầu tư phạt chậm thanh toán, với mức phí cao 0,05%/ngày nhân với số tiền nộp chậm. Nhiều nhà đầu tư hiện đang phải chịu số tiền phạt lãi chậm này lên tới trên 100 triệu đồng”, nội dung đơn nêu rõ.

Điều đáng nói, mặc dù chưa có hợp đồng mua bán, nhưng chủ đầu tư vẫn cho phép các nhà đầu tư chuyển nhượng hợp đồng đặt mua và thu phí với mức giá “trên trời” là 25 triệu đồng/ hợp đồng chuyển nhượng. Toàn bộ phí chuyển nhượng này đều nộp trực tiếp bằng tiền mặt, hoặc qua tài khoản của Công ty mà không có một hóa đơn, chứng từ nào. Khi khách hàng thắc mắc thì được phía Công ty trả lời: “Khoản thu này là theo quy định của Công ty”.

Mặc dù chưa có hợp đồng mua bán, nhưng chủ đầu tư vẫn cho phép các nhà đầu tư chuyển nhượng với mức giá “trên trời”.

Chưa kể, thông tin các khách cho biết, dù dự án chưa được phép bán, chưa có hợp đồng mua bán và chưa được các cơ quan chức năng nghiệm thu nhưng chủ đầu tư đã cho hàng chục hộ dân về ở.

Nhiều hạng mục thi công tại dự án vẫn còn dang dở, tuy nhiên chủ đầu tư vẫn “lùa” dân về ở.

Dự án chưa rõ pháp lý?

Qua qua trình khảo sát, PV được một nhân viên bán hàng tên N. của Công ty Hưng Phát (đơn vị phân phối dự án) cho biết: “Hiện tại các căn hộ chưa có sổ, bọn em mới chỉ ký hợp đồng đặt mua, khi nào ra được hợp đồng mua bán thì sẽ ra sổ luôn. Dự kiến trong cuối năm 2020 sẽ ra hợp đồng mua bán nhưng giờ chắc phải chờ đến sau Đại hội”.

Vị này cũng thừa nhận, hiện nhiều khách hàng mua căn hộ đã dọn về ở. “Khu này toàn VIP ở đây, ngoài mấy bác ở trên, còn có cả một số quan chức nên anh chị cứ yên tâm mà xuống tiền”.

“Dự án Long Việt Riverside được khởi công xây dựng từ 2018 với 4,3ha. Trước đây là 4,6ha nằm sát mép đường, nhưng sau này đường Quang Minh mở 2 làn nên dự án phải xây lùi lại. Trước đây, dự án được quy hoạch là khu biệt thự và chung cư nhưng khi sáp nhập về Hà Nội đã xin điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh một số nội dung khác” người này chia sẻ thêm.

Để phản ánh khách quan sự việc, phóng viên đã có buổi làm việc với đại diện chủ đầu tư. Tại đây, bà Hằng tự xưng là Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Long Việt và ông Tú - Giám đốc Công ty Hưng Phát (đơn vị phân phối dự án) viện dẫn bằng những lý do thiếu thuyết phục: “Bản thân khách hàng khi đi mua, chúng tôi không bắt họ phải mua. Những người mua đầu tư kinh doanh, họ không xác định dài hạn, cứ thấy nhiều người mua cũng ồ ạt mua theo, mua theo hiệu ứng chứ không cần quan tâm dự án có cái gì, vướng gì và thiếu gì. Đến khi mua xong mới thấy dự án thiếu cái này, thiếu cái kia, bị sai cái này, sai cái kia, lúc ấy người ta mới lật ngược vấn đề. Tất cả là do thỏa thuận 2 bên…”.

Khi phóng viên đề cập đến nội dung tại sao đến thời điểm này, phía Công ty vẫn chưa có Hợp đồng mua bán, đại diện phía chủ đầu tư từ chối trả lời và hẹn phóng viên làm việc vào dịp khác.

Trao đổi với phóng viên Reatimes, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Dự án này trước đây thuộc Vĩnh Phúc, sau này sáp nhập về Hà Nội nhưng hồ sơ pháp lý của dự án không được bàn giao nên Sở không nắm rõ”.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, Luật sư Lương Thành Đạt - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis cho biết: “Căn cứ Khoản 1 và Khoản 5, Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản; điểm a, Khoản 2, Điều 19 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Điều 69 Luật Nhà ở hướng dẫn chi tiết tại Điều 19 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Khoản 1 Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản và Điều 9 của Thông tư số 19/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng, bản chất của hợp đồng đặt mua căn hộ tại dự án Long Việt Riverside là thỏa thuận đặt tiền giữ chỗ mua bất động sản hoặc đặt cọc để mua bất động sản hình thành trong tương lai. Xét về mặt pháp lý, đối tượng của hợp đồng đặt cọc là bất động sản hoàn toàn không tồn tại và không đủ điều kiện pháp lý để bán theo luật tại thời điểm ký thỏa thuận đặt cọc”.

Luật sư Đạt phân tích cụ thể: “Bản chất có thể xác định hợp đồng đặt mua căn hộ tại dự án Long Việt Riverside là hợp đồng “gửi giữ tài sản” có đối tượng tài sản là “tiền”. Rõ ràng người mua đã bị chủ đầu tư và người môi giới huy động vốn trái pháp luật ngay từ đầu, bởi thời điểm khách hàng đưa tiền cho chủ đầu tư vẫn chưa xác lập quyền sử dụng đất. Như vậy, nên hiểu hợp đồng đặt mua là hình thức huy động vốn trái pháp luật của chủ đầu tư nhằm “đánh tráo” các khái niệm pháp lý dẫn đến sự hiểu sai cho khách hàng. Chủ đầu tư ký hợp đồng huy động vốn để phát triển nhà ở bằng phương thức thỏa thuận đặt tiền giữ chỗ mua bất động sản hoàn toàn không được pháp luật công nhận, chủ đầu tư có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho người tham gia góp vốn (nếu có)”.

“Theo Điều 143, Luật Quản lý thuế năm 2019 đã quy định rất rõ về hành vi trốn thuế, vì vậy muốn xác định hành vi chủ đầu tư yêu cầu khách hàng chuyển khoản 20% tổng giá trị căn hộ vào tài khoản riêng của kế toán Công ty mà không có hóa đơn chứng từ có phải hành vi trốn thuế hay không thì cần xác định số tiền 20% trên là tiền đặt cọc hay thanh toán hợp đồng mua bán căn hộ theo giai đoạn. Nếu là đặt cọc thì không bắt buộc phải xuất hóa đơn tại thời điểm đặt cọc, nên chuyển khoản vào tài khoản của kế toán hay tài khoản của công ty đều được. Tuy nhiên phải có văn bản ủy quyền của chủ đầu tư cho kế toán để nhận khoản tiền đặt cọc trên. Mặt khác, dự án trên chưa có hợp đồng mua bán để có thể xem xét tiến độ thanh toán như thế nào và thanh toán vào tài khoản nào? Nếu có ghi nhận tiến độ thì phải xuất hóa đơn theo tiến độ thanh toán”, vị này đặt nghi vấn.

Luật sư Đạt nhận định: “Như đã phân tích ở trên, bản chất của hợp đồng đặt mua căn hộ tại dự án Long Việt Riverside là thỏa thuận đặt tiền giữ chỗ mua bất động sản hoặc đặt cọc để mua bất động sản hình thành trong tương lai. Nhưng thực tế thì có thể hiểu đây là chiêu trò chiếm dụng vốn trái phép của chủ đầu tư và bên môi giới, tiềm ẩn rủi ro cho người "đặt mua".

“Việc chủ đầu tư ký hợp đồng huy động vốn để phát triển nhà ở bằng phương thức thoả thuận đặt tiền giữ chỗ hoặc ký “hợp đồng đặt mua” bất động sản hoàn toàn không được pháp luật công nhận. Việc chưa có hợp đồng mua bán, chỉ có hợp đồng đặt mua mà chủ đầu tư đã yêu cầu khách hàng đóng tới 75% giá trị căn hộ là không đúng theo quy định của pháp luật, do đó việc yêu cầu khách hàng phải đóng tiền nộp chậm càng không có căn cứ pháp lý”.

Luật sư Đạt đưa ra lời cảnh báo đối với những khách hàng đang mua dự án: “Khách hàng có nhu cầu mua để ở thì nên chờ khi chủ đầu tư có đủ điều kiện để công bố và mở bán chính thức theo quy định pháp luật nêu trên. Còn nếu khách hàng đã biết mà bất chấp rủi ro ký hợp đồng giữ chỗ, hợp đồng đặt mua thanh toán với giá trị lớn như vậy thì cần phải đến trực tiếp, tìm hiểu xác minh thông tin về dự án, khảo sát thực địa về tiến độ triển khai dự án, tìm đến những chủ đầu tư uy tín. Khi ký hợp đồng phải đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng và phải có điều khoản ràng buộc nghĩa vụ của chủ đầu tư khi ký hợp đồng mua bán, điều khoản trả lại tiền khi không thực hiện được nghĩa vụ… Và đặc biệt là chỉ nên ký trực tiếp với chủ đầu tư, còn nếu ký với bên môi giới thì phải có giấy uỷ quyền từ chủ đầu tư mới nên ký”.

Trước những hành vi có dấu hiệu huy động vốn trái pháp luật của Công ty Long Việt, đề nghị UBND TP. Hà Nội, huyện Mê Linh và các cơ quan công an nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh. Qua đó, làm rõ đơn thư tố cáo, đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm nhằm đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật.

Link gốc : https://reatimes.vn/dau-hieu-tron-thue-lua-dao-tu-du-an-long-viet-riverside-20201224000000185.html

Bạn đang đọc bài viết Dấu hiệu trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhìn từ dự án Long Việt Riverside tại chuyên mục Pháp lý bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp lý bất động sản