Trụ sở Cty PT Vũng Áng.
Ngày 24/5/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn có văn bản số 2931/UBND-NL1 về việc thực hiện một số nội dung về cấp nước cho Formosa. Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo doanh nghiệp nhà nước là Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh (viết tắt là Cty Nam Hà Tĩnh) chấm dứt việc cấp nước cho Formosa Hà Tĩnh và chuyển sang cho doanh nghiệp tư nhân là Cty PT Vũng Áng. Việc ký kết hợp đồng cấp nước cho Formosa được Cty PT Vũng Áng thực hiện vào ngày 01/6/2018.
Đi kèm với đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao, trong tháng 5/2018, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp Sở Tài chính kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn Cty PT Vũng Áng và Cty Nam Hà Tĩnh hoàn thành quy chế phối hợp, cơ chế tài chính trong việc quản lý, vận hành các công trình thuộc hệ thống cấp nước và xác định lưu lượng nước tháo qua hồ Thượng Sông Trí.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chỉ trong thời gian ngắn, “Quy chế phối hợp vận hành hệ thống thủy lợi đập dâng Lạc Tiến, hồ chứa Thượng Sông Trí” được 2 doanh nghiệp thống nhất ký kết. Song, cơ chế tài chính đến nay vẫn chưa được thực hiện, mặc dù đã quá hạn tỉnh giao gần 2 năm. Điều này đồng nghĩa với việc vốn và tài sản nhà nước có nguy cơ bị thất thoát.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Cty Nam Hà Tĩnh – đơn vị quản lý hồ Thượng Sông Trí - cho biết: Quy chế phối hợp đã thống nhất ký kết, hiện nay vướng mắc lớn nhất là cơ chế tài chính chưa được thống nhất, thực hiện. Việc này ảnh hưởng đến nguồn thu của Cty cũng như nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước.
Theo ông Tâm, hồ Thượng Sông Trí là nơi trung chuyển nước để Cty PT Vũng Áng cấp nước cho Formosa, bình quân mỗi năm trung chuyển hơn 28 triệu m3 nước. Từ đó phát sinh nhiều chi phí như: Chi phí khấu hao công trình; phí duy tu, bảo dưỡng, sữa chữa; chi phí trực tiếp cán bộ, công nhân quản lý, phí vận hành hằng năm; thuế tài nguyên…
Phía Cty Nam Hà Tĩnh đã nhiều lần đưa ra phương án, cách tính nhưng không nhận được sự đồng thuận của Cty PT Vũng Áng. Hai bên chênh lệch hơn 10 tỷ đồng/năm. Trong đó đáng chú ý nhất là giá trung chuyển nước Cty Nam Hà Tĩnh đưa ra 480 đồng/m3 trong khi Cty PT Vũng Áng chỉ tính có 80 đồng/m3.“Cty PT Vũng Áng tính toán chỉ hết khoảng hơn 2 tỷ đồng/năm, còn phía Cty Nam Hà Tĩnh tính hết khoảng 12 tỷ đồng” – ông Nguyễn Văn Tâm cho biết thêm.
Sự việc “yên vị” gần 2 năm, đến đầu tháng 3/2020 mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh có động thái mới bằng văn bản 1125/UBND-NL1, chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở NN-PTNT và các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện cơ chế tài chính trong việc sử dụng, trung chuyển nước ở hồ Thượng Sông Trí.
Liên quan đến sự trì trệ trong thực hiện nghĩa vụ tài chính này, ông Nguyễn Tân Mỹ, Trưởng phòng Tài chính – Ngân sách, Sở Tài chính Hà Tĩnh cho biết: Đến nay 2 bên vẫn chưa thống nhất được, nguyên nhân là do vướng về cách tính, một bênh tính theo giá Nhà nước, 1 bên theo giá thị trường.
Theo Sở Tài chính, cách tính của các bên còn chung chung, trừu tượng, pháp lý chưa rõ ràng, 2 bên còn lúng túng trong phương pháp xác định loại sản phẩm, nội dung, tính chất công việc và các khoản chi phí liên quan do đó gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Trả lời câu hỏi, sự chậm trễ thực hiện phương án tài chính của Cty PT Vũng Áng như thế có làm thất thoát ngân sách nhà nước hay không? Ông Nguyễn Tân Mỹ, Trưởng phòng Tài chính – Ngân Sách, Sở Tài chính Hà Tĩnh khẳng định: “Không có vấn đề gì cả, trước sau gì cũng phải trả cho Cty Nam Hà Tĩnh…”!?
Vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm của tỉnh Hà Tĩnh như thế nào khi chưa có phương án tài chính về việc sử dụng, khai thác công trình Nhà nước, nhưng UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho phép Cty PT Vũng Áng ký hợp đồng cấp nước cho Cty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh? Đặc biệt, các sở, ngành liên quan như Sở Tài Chính, Sở NNN-PTNT Hà Tĩnh “phớt lờ” chỉ đạo của UBND tỉnh khi để doanh nghiệp thoái thác nghĩa vụ tài chính suốt 2 năm qua, gây thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
Dự án hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng có tổng mức đầu tư hơn 4.415 tỷ đồng. Trong đó, hồ Rào Trổ hơn 1.463 tỷ đồng, đập dâng Lạc Tiến hơn 1.075 tỷ đồng, cống Kỳ Hà 470,15 tỷ đồng và nhà máy nước hơn 1.406 tỷ đồng. Đây là dự án “khủng” có nhiều “tai tiếng”, đội vốn hơn 2.500 tỷ đồng. Năm 2014, Thanh tra Chính phủ vào cuộc chỉ ra nhiều sai phạm. Nhưng đến nay, hạng mục hồ Rào Trổ đã chậm tiến độ 6 năm, chủ đầu tư là Cty CP Tập đoàn Hoành Sơn (cổ đông chiếm 92% vốn điều lệ của Cty PT Vũng Áng) tiếp tục xin gia hạn.
Theo Đại đoàn kết