Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai vừa tiến hành giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) giai đoạn từ 2019-2021.
Tại buổi giá sát, vấn đề các địa biểu quan tâm là quản lý, sử dụng bốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, và đề nghị làm rõ lộ trình chậm thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa; việc quản lý đất đai có nhiều hạn chế. Đáng chú ý nhất là dự án Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico có diện tích thu hồi rất lớn nhưng chậm triển khai, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng.
Theo đó, Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai được thành lập năm 2005, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Đến thời điểm này, doanh nghiệp có 18 đơn vị thành viên. Vốn điều lệ theo giấy đăng ký kinh doanh là hơn 3,4 nghìn tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2019-2021, tổng doanh thu bình quân hằng năm đạt hơn 1,9 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 308 tỷ đồng. Đây là 1 trong 3 doanh nghiệp nhà nước đang quản lý số vốn, đất đai lớn nhất tỉnh Đồng Nai thời điểm hiện tại. Dù vậy, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Dofico vẫn không như mong đợi, chỉ đạt 8,78%.
Về kết quả hoạt động của Dofico, ông Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Kết quả hoạt động của cty mẹ, qua lợi nhuận sau thuế cho thấy tỷ suất lợi nhuận không cao cho nên dù bảo toàn được vốn nhưng mà nếu so sánh có chính xác hay không thì chúng ta đem tiền gửi ngân hàng chúng ta vẫn đạt lợi nhuận đó.”
Lý giải về vấn đề sử dụng đất đai Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico, đại diện Tổng công ty cho biết, lúc đầu được Chính phủ phê duyệt thực hiện trên diện tích 907 ha, với tổng số vốn 793 tỷ đồng. Quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, một số khu vực thu hồi đất đã lâu nhưng không triển khai do không thu hút được nhà đầu tư. Hiện nay, ở nhiều khu vực Tổng Công ty đang thanh lý dự án, mong muốn xin được trả lại đất cho Nhà nước, trong đó có 500ha ở xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc.
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai chỉ đạo: “Tổng công ty phải rà soát lại, nghe qua báo cáo thì rất nhiều khó khăn, bảo toàn vốn ổn, không bị thất thoát nhưng mới một vụ án đã sắp khởi tố hàng loạt. Các đồng chí phải xem xét việc này, đánh giá thật khách quan, đâu là nguyên nhân, đặc biệt lỗi nào thuộc về mình thì phải sửa chữa”.
Đồng thời, đề nghị các sở, ngành có trách nhiệm trả lời kiến nghị của Tổng Công ty vấn đề muốn trả lại đất dự án không thực hiện được nhưng những năm qua vẫn phải trả tiền thuê đất. Tổng Công ty tự rà soát lại, làm rõ việc sử dụng nguồn vốn so với lợi nhuận mang lại đã hiệu quả chưa? Đối với các hạn chế, sai phạm, cơ quan chức năng sẽ xem xét, xử lý trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể, có lý, có tình.
Qua buổi làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị các sở, ngành có trách nhiệm trả lời kiến nghị của Tổng Công ty Dofico về vấn đề trả lại đất dự án, vướng mắc thủ tục triển; Yêu cầu Dofico tự rà soát lại, làm rõ việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả; đối với các sai phạm, cơ quan chức năng sẽ xem xét, xử lý trên cơ sở báo cáo cụ thể từ phía công ty này.
Theo tìm hiểu của PV, dự án Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico do Dofico làm chủ đầu tư được khởi công vào năm 2010, bao gồm 5 phân khu chức năng: Phân khu chăn nuôi tập trung; Phân khu trồng trọt - chăn nuôi tập trung; Phân khu trồng trọt và chế biến thực phẩm; Phân khu Nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao Thọ Vực và Phân khu thương mại – dịch vụ.
Tổng vốn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và chi phí đầu tư xây dựng khác của dự án là 1.960 tỷ đồng và dự kiến sẽ thực hiện trong 5 năm. Giai đoạn một của dự án có vốn đầu tư khoảng 1.410 tỷ đồng, được thực hiện từ nay đến năm 2013. Giai đoạn hai của dự án có vốn đầu tư khoảng 550 tỷ đồng, được thực hiện sau năm 2013.
Để thực hiện đầu tư dự án, Dofico đã được hưởng hàng loạt các ưu đãi đặc thù. Trong đó, ngoài các quy định về cơ chế chính sách hiện hành đối với các khu công nghiệp, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ và quy định pháp luật về đất đai, tài chính, Chính phủ đã chấp thuận ưu tiên đối với các dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội, khó khăn, các dự án này đồng thời được hưởng ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP.
Đồng thời, ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào dự án Dofico (gồm các dự án đầu tư hạ tầng, được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và tiền thuê đất tương ứng với lĩnh vực đầu tư. Tuy có được hàng loạt những ưu đãi mang tính chuyên biệt nhưng việc thực hiện đầu tư dự án, kêu gọi đầu tư vào dự án Dofico rất ít và hầu hết diện tích đất vẫn còn để hoang.