Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Vì sao các doanh nghiệp bất động sản 'nô nức' công bố làm nhà ở xã hội?

MARKETTIMES 10:03 13/08/2022

Thời gian qua, cuộc đua xây dựng nhà ở xã hội bắt đầu “nóng” trở lại, khi hàng loạt chủ đầu tư lớn trong ngành bất động sản đang lên kế hoạch xây dựng, khởi công trên khắp cả nước

Vì sao các doanh nghiệp bất động sản
Nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ có sự chuyển biến rõ rệt khi có sự tham gia của các doanh nghiệp bất động sản lớn.

Đơn cử, Vinhomes sẽ bắt đầu kế hoạch hoàn thành 500.000 căn hộ nhà ở xã hội trong vòng 5 năm tới, giá bán dự kiến khoảng 300-950 triệu đồng/căn.

Tập đoàn Novaland sẽ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ nhà ở xã hội ở TP. HCM và các tỉnh phía Nam.

Hay Liên doanh Công ty BIC và Him Lam cũng đang triển khai xây dựng hạ tầng của 3 tòa cao 22 tầng với khoảng 1.900 căn hộ tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên.

Không chỉ có các dự án đã khởi công, hàng loạt doanh nghiệp cũng cho biết đang có kế hoạch đầu tư dự án nhà ở xã hội quy mô lớn.

Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, tổng số lượng căn cam kết của các chủ đầu tư đã là 1,2 triệu căn trong 10 năm tới, hứa hẹn giải quyết được nhu cầu an cư cho hàng triệu người thu nhập thấp, đang mơ ước có những mái ấm cho riêng mình.

Trước những động thái trên, không ít thành viên tham gia thị trường đều đang đặt câu hỏi tại sao các “ông lớn” bất động sản đột ngột đổ xô quan tâm triển khai các dự án nhà ở xã hội như vậy.

nha-o-xa-hoi-la-gi.jpeg
Dù đã có nhiều quy định ưu đãi, tuy nhiên việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế

Lý giải cho thắc mắc trên, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc các doanh nghiệp lớn lấn sân mạnh sang phân khúc nhà ở xã hội là bước đi phù hợp, “một mũi tên có thể trúng nhiều chim”, giải quyết được hàng loạt bài toán đang đặt ra.

Phủ kín quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án thương mại.

Trước nay, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị thường bị dư luận đánh giá không mấy tích cực khi không chú trọng, chậm trễ triển khai hạng mục nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại dù đã có quy định về việc dành quỹ đất.

Cụ thể, theo quy định tại nghị định số 49/2021/NĐ-CP, các dự án nhà ở thương mại quy mô từ 2 ha trở lên tại đô thị đặc biệt và loại I, từ 5 ha trở lên tại đô thị loại II và III, thì phải bố trí 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội.

Do đó, chủ đầu tư càng lớn, càng phát triển nhiều dự án đô thị, nhà ở thương mại thì càng có sẵn nhiều quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội.

Việc phát triển quỹ đất nhà ở thương mại hiện đang rất khó khăn, thủ tục kéo dài, chi phí tiền sử dụng đất tăng cao, trong khi đó quỹ đất nhà ở xã hội thì lại đang có sẵn, nếu chủ đầu tư muốn phát triển thì sẽ được tạo nhiều điều kiện để được giao triển khai, lại không phải lo ngại về tiền sử dụng đất cao do các dự án nhà ở xã hội được miễn hoàn toàn.

Tối ưu hạ tầng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị

Theo quy định, các chủ đầu tư khu đô thị được ưu tiên giao để phát triển dự án nhà ở xã hội, nếu không triển khai sẽ phải bàn giao lại cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà nước sẽ giao lại cho đơn vị triển khai nhà ở xã hội khác.

Chẳng hạn như tại các đại đô thị có cảnh quan tiện ích đồng bộ, cao cấp như Vinhomes Ocean Park, Ecopark… mà quỹ đất nhà ở xã hội 20% trong lòng các khu đô thị này được giao cho các chủ đầu tư yếu kém thì sẽ sản sinh ra các khu nhà ở nhếch nhác, chất lượng thấp, kéo tụt tổng thể cảnh quan, chất lượng sống của cả khu đô thị, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của các sản phẩm thương mại khác.

Ngoài ra, với các chủ đầu tư đang phát triển các đại đô thị như Vinhomes hay Novaland thì hệ thống hạ tầng, tiện ích, cảnh quan của cả khu đô thị đều được xây dựng đồng bộ, nên dù địa điểm bố trí diện tích nhà ở xã hội thường ở các vị trí không đẹp trong các khu đô thị nhưng vẫn được thừa hưởng toàn bộ hạ tầng, cảnh quan chung này; đó là sự cộng hưởng rất tốt để bán hàng hiệu quả sau này.

anh-to.jpg
Việc gia tăng nguồn cung được kỳ vọng sẽ giúp tăng cơ hội tiếp cận nhà ở của người lao động

Khơi thông, duy trì dòng tiền cho chủ đầu tư

Trong bối cảnh tín dụng vào bất động sản đang bị siết chặt, công tác bán hàng đang chậm lại do thị trường cũng đang trầm lắng, nên dòng tiền của các chủ đầu tư đang bị chặn lại.

Tuy nhiên, với các chính sách ưu đãi hiện tại, vốn vay để phát triển các dự án nhà ở xã hội nhiều khả năng cao sẽ vẫn thuận lợi và được cơ quan quản lý bật đèn xanh, ưu tiên dải ngân do phục vụ nhu cầu ở thực, an sinh xã hội của người dân.

Bên cạnh đó, với giá bán rất hợp lý, chỉ từ 300 triệu/căn, đáp ứng đúng nhu cầu thực của người dân, nên việc bán hàng sẽ rất thuận lợi bất chấp thị trường, bất chấp chu kỳ bất động sản. Vì vậy, chủ đầu tư sẽ vẫn thu được dòng tiền đều đặn từ khách hàng do giá bán hợp lý, đánh đúng nhu cầu thực của người dân.

Do đó, chủ đầu tư sẽ được tiếp “máu” từ cả nguồn vốn tín dụng ngân hàng lẫn tiền mua nhà theo tiến độ từ khách hàng.

Suất đầu tư thấp

Các dự án nhà ở xã hội được cho là sẽ có suất đầu tư thấp hơn đáng kể so với các dự án nhà ở thương mại do được miễn tiền thuê đất.

Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và Marketing thường thấp hơn đáng kể do nhu cầu quá cao, thường chỉ khoảng 2%, trong khi các dự án thương mại thông thường là từ 8-10%.

Bên cạnh đó, do tiêu chuẩn bàn giao sẽ thấp hơn, hạ tầng cảnh quan tối giản hơn các dự án thương mại nên suất đầu tư xây dựng sẽ cũng thấp hơn.

Chi phí đầu tư phát triển không cao, dự án được ngân hàng tài trợ, việc bán hàng lại hứa hẹn thuận lợi nên số lượng vốn chủ sở hữu bỏ ra cho mỗi dự án không cao, lại được quay vòng vốn nhanh, thu dòng tiền nhanh, hiện thực hóa lợi nhuận nhanh.

Hiệu quả đầu tư khả quan

Theo quy định tại thông tư 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021, lợi nhuận tối đa của dự án nhà ở xã hội là 10% tổng mức đầu tư.

Theo nhận định của các chủ đầu tư, đây là mức lợi nhuận không phải là cao trong giai đoạn thị trường bất động sản nóng ấm, nhưng trong giai đoạn thị trường trầm lắng như hiện nay thì đây là mức tỷ suất lợi nhuận không hề tệ.

Với uy tín, thương hiệu và kinh nghiệm triển khai dự án sẵn có, thì ông lớn hoàn toàn không gặp khó khăn trong việc triển khai nhanh, thu lợi nhuận nhanh từ các dự án này.

Trong khi đó, các dự án nhà ở thương mại, thanh khoản đang chậm, bộ máy vận hành quản lý hiện tại chuyển sang triển khai dự án nhà ở xã hội sẽ vừa tối ưu hóa nguồn lực, giữ được bộ máy, hệ thống trong giai đoạn thị trường trầm lắng.

Củng cố uy tín cho các chủ đầu tư

Rõ ràng, việc cam kết thực hiện hàng trăm ngàn căn hộ nhà ở xã hội thể hiện trách nhiệm với xã hội của các chủ đầu tư, với những người yếu thế hơn trong xã hội, góp sức thiết thực trong quá trình an sinh.

Các cơ quan báo chí truyền thông đều rầm rộ đưa tin thể hiện sự quan tâm, ủng hộ; cơ quan nhà nước tổ chức hội thảo để khích lệ, giải quyết các vướng mắc cho các chủ đầu tư chủ đầu tư.

Theo đó, tham gia xây dựng nhà ở xã hội đã “vô tình” tạo nên hiệu ứng truyền thông rất hiệu quả tới cả khách hàng và cơ quan quản lý nhà nước.

Như vậy, với hàng loạt lợi ích như trên có thể thấy, việc các chủ đầu tư nô nức tham gia với số lượng căn hộ đăng ký khủng là đều dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, việc công bố thì chỉ là bước đầu, giai đoạn triển khai thực tế mới là thước đo chính xác nhất để kiểm chứng những công bố của những “ông lớn” bất động

Bạn đang đọc bài viết Vì sao các doanh nghiệp bất động sản 'nô nức' công bố làm nhà ở xã hội? tại chuyên mục Pháp lý bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp lý bất động sản