Khu đô thị Thủ Thiêm sẽ nằm ở vị trí trung tâm thương mại dịch vụ tài chính của thành phố phía Đông của TP.HCM. |
Ý tưởng chưa có tiền lệ
UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản số 1157/UBND-TH gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị, phục vụ đề án thành lập thành phố trực thuộc TP HCM. Trên cơ sở sáp nhập Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức sẽ hình thành “thành phố phía Đông” trực thuộc TP.HCM.
Đây là ý tưởng mới đầy táo bạo - một thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và chưa từng có tiền lệ. Đề án này cũng đặt ra vấn đề về cơ chế, chính sách pháp luật cho “Thành phố phía Đông” như thế nào trên cơ sở hệ thống pháp luật hiện hành?
Tổ chức các đơn vị hành chính, lãnh thổ là một bộ phận của tổ chức cấu trúc hành chính nhà nước, thể hiện sự phân chia quyền lực giữa nhà nước trung ương với cộng đồng lãnh thổ địa phương, đây là một vấn đề hết sức quan trọng của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương đều phân định rõ các đơn vị hành chính. Cụ thể, điều 2 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương do Quốc hội ban hành ngày 19/6/2015, có quy định như sau:
“Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:. 1. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh);2. Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện);3. Xã, phường, thị trấn (cấp xã);4. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.”
Như vậy, so với các văn bản pháp luật trước đây, pháp luật đã bổ sung thêm cấp huyện có thêm 1 đơn vị hành chính mới đó chính là “thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương". Dưới thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương là phường và xã. Do đó, nếu việc sáp nhập 3 quận của TP.HCM để thành lập Thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM được thực hiện, đây sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước có mô hình mới này.
Khi sáp nhập 3 quận thành lập thành phố, vấn đề thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết như: phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương... Việc điều chỉnh này cũng phải căn cứ vào tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính. Hiện nay, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn được thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Do đó đề án sáp nhập 3 quận ở TP.HCM để tạo nên Thành phố phía Đông - thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương còn phải thực hiện theo đúng quy trình theo tinh thần của Nghị quyết đưa ra như: lấy ý kiến cử tri về phương án, đề án sáp nhập 3 quận; có những chính sách về quản lý biên chế công chức, viên chức sau khi sáp nhập, cân nhắc kỹ về yếu tố đặc thù, truyền thống lịch sử...
Theo dự kiến, nếu thành phố phía Đông được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập 03 quận là Quận 2, 9 và Quận Thủ Đức, với diện tích tự nhiên là 211,57km2, quy mô dân số hơn 1,169 triệu, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội cơ bản đáp ứng đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Sẽ mang tới nhiều thành tựu đột phá
Mặc dù ý tưởng thành lập “thành phố phía Đông” chưa có tiền lệ, nhưng các chuyên gia cho rằng, TP.HCM có thể đề xuất ý tưởng dựa trên cơ sở nghiên cứu và xuất phát từ nhu cầu thực tế. Và sẽ phải trình lên Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của việc thành lập thành phố phía Đông hiện nay chính là rào cản về luật pháp và thể chế bởi luật pháp chưa có quy định về vấn đề này, cần có một cơ chế đặc thù để linh hoạt vận hành và tận dụng hiệu quả nguồn lực.
Theo luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm, mô hình “thành phố phía Đông” trực thuộc TP.HCM là ý tưởng mới, có thể tạo ra những thay đổi to lớn về nhiều mặt quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, xã hội.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm. |
Về quản lý nhà nước, đây là một hình thức thiết kế tổ chức hữu hiệu nhằm tinh giản bộ máy hành chính nhà nước khi thực hiện sáp nhập 3 quận thành 1 thành phố, thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Đơn cử, sẽ nhập 3 huyện thành 1 huyện, khi đó 03 Đảng bộ thành 01 Đảng Bộ, tương tự như vậy sẽ chỉ còn 01 HĐND, 01 UBND, 01 UBMTTQ… giúp giảm đầu mối hành chính, số lượng cán bộ lãnh đạo, tinh gọn bộ máy biên chế, kiện toàn tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, đổi mới phương thức lãnh đạo, phân cấp mạnh hơn và nâng cao trách nhiệm, kỷ cương công vụ và trình độ cán bộ. Đây cũng là cách để sàng lọc và chọn lựa những cán bộ, công chức có đủ điều kiện, năng lực, tiêu chuẩn để vận hành bộ máy hành chính, tiết kiệm chi ngân sách thường xuyên. Việc sáp nhập này là phù hợp và đúng với tinh thần đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị gắn với tinh giảm biên chế, việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước của chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Hơn nữa, việc sáp nhập là phù hợp với vị trí địa lý, lịch sử (ba quận này được lập ra từ năm 1997, trên cơ sở huyện Thủ Đức cũ) tạo điều kiện thuận lợi trong việc lập công tác quy hoạch, kế hoạch.
Về phát triển kinh tế, Quận 9 hiện có khu Công nghệ cao lớn thứ nhất cả nước với hơn 700ha, 35.000 lao động, thu hút 6 tỉ USD vốn đầu tư. Quận Thủ Đức có 12 trường đại học, trung tâm Đại học Quốc gia sáng tạo hàng đầu cả nước. Ở quận 2 có Khu đô thị Thủ Thiêm cung cấp hạ tầng cơ sở, tiện ích cho rất nhiều chức năng khác nhau. Nơi đây sẽ có cơ sở hạ tầng chính cho trung tâm tài chính quốc tế của thành phố, là một trong những nơi đáng sống nhất của TP.HCM.
Sự kết hợp giữa quận 9 và quận Thủ Đức sẽ tạo nên hai cực công nghệ và trí tuệ cao, kết hợp với trung tâm hành chính ở quận 2 sẽ trở thành khu Đô thị thông minh tương tác cao. Từ đó sẽ tạo nên trung tâm để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
“Với những thế mạnh như vậy, sự sáp nhập 3 quận để tạo lập thành phố phía Đông sẽ tạo ra vị trí bản lề, trọng tâm trong vùng "tam giác vàng" TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Việc tạo lập thành phố phía Đông sẽ tạo ra động lực phát triển hơn nữa không chỉ cho khu vực phía Đông TP.HCM mà còn cả các đô thị lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, tạo nên cụm động lực phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam”, luật sư Trương Anh Tú nhận định.
Đồng quan điểm, KTS-TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng quy hoạch phát triển khu Đông TP.HCM thành một thành phố hiện đại, là khu đô thị sáng tạo xung quanh khu công nghệ cao, đô thị khoa học xung quanh ĐH Quốc gia, khu vực tài chính xung quanh Thủ Thiêm, khu văn hóa mới, thể thao mới… đã có từ lâu. Đến nay, muốn phát triển hơn nữa thì phải có kế hoạch cụ thể hóa ra và phải có sự điều chỉnh lại cho phù hợp. Khu vực phía Đông của TP.HCM có tiềm năng rất lớn, có điều kiện cần để lập thành phố nhưng rất cần phải xây dựng được chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển cho cả khu vực này trước, giải quyết trước bài toán về quy hoạch, giao thông sau đó sẽ thành lập bộ máy để lo các vấn đề quy hoạch, nguồn tài chính, tổ chức đầu tư, thực hiện...