Khu đất vàng số 2 Tôn Đức Thắng hiện là trụ sở VPBank Sài Gòn. Ảnh: NG |
Toà án Quân sự Quân chủng Hải quân đang xét xử cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến và các đồng phạm trong vụ án liên quan tới 3 khu đất mặt đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM. Các địa chỉ này đều là đất quốc phòng, được Công ty Hải Thành (Bộ Quốc phòng) mang đi góp vốn trái phép, thành lập dự án với các doanh nghiệp tư nhân, ở dự án 7-9 Tôn Đức Thắng là Tập đoàn Yên Khánh của Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ, dự án 9-11 Tôn Đức Thắng là Hoa Lâm Group, còn dự án số 2 Tôn Đức Thắng là Công ty TNHH Cảnh Hưng.
Hoa Lâm Group lẫn Yên Khánh đều là những cái tên nổi danh, được biết tới nhiều. Dù bằng cách này hay cách khác, việc họ "lấy" được các khu đất vàng trên đường Tôn Đức Thắng là có thể giải thích được. Tuy nhiên cái tên Cảnh Hưng lại mang tới không ít băn khoăn. Pháp nhân này là ai, hay chính xác hơn, đứng sau họ là ai, thì chưa từng được đề cập trên mặt báo.
Biết rằng để vượt qua hàng loạt tên tuổi sừng sỏ, máu mặt trong làng địa ốc Sài Thành để sở hữu khu đất ngay cạnh khu Ba Son, Cảnh Hưng chắc chắn không phải là một cái tên hạng "xoàng".
Theo cáo trạng, đầu năm 2006, Nguyễn Văn Khanh (Giám đốc Công ty Hải Thành) và Phạm Duy Tân (Giám đốc Công ty TNHH Cảnh Hưng) ký biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng khu cao ốc văn phòng ở số 2 Tôn Đức Thắng. Công ty Hải Thành góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất còn đối tác bỏ tiền thực hiện dự án. Quyết định này được Đô đốc Nguyễn Văn Hiến phê duyệt vào tháng 7 năm đó.
Hơn một tháng sau, Bùi Văn Nga (Giám đốc Công ty Hải Thành thay ông Khanh) và Phạm Duy Tân ký hợp đồng liên doanh thành lập Công ty TNHH liên doanh Cảnh Hưng Hải Thành vốn điều lệ 15 triệu USD. Trong đó, Công ty Hải Thành góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất 1,5 triệu USD (10%), Công ty Cảnh Hưng góp 13,5 triệu USD (90%).
Đằng sau Cảnh Hưng là ai?
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Cảnh Hưng được thành lập năm 2005. Giám đốc - ông Phạm Duy Tân sinh năm 1954, quê quán Ninh Bình, từng công tác tại Xí nghiệp vận tải 19/5 Ninh Bình (1979-1985), Công ty cơ khí Thuỷ sản 3 - Bộ Thuỷ sản (1986-1993). Từ năm 1994, ông Tân bắt đầu mở ra hướng đi kinh doanh riêng, thành lập Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện. Khánh Thiện, thật trùng hợp, là tên một làng tại huyện Yên Khánh, Ninh Bình. Yên Khánh, nên biết cũng là quê của Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ hay cựu Trung tướng Bùi Văn Thành.
Sau gần 3 thập kỷ phát triển, doanh nhân sinh năm 1954 cùng vợ là bà Nguyễn Thu Hồng (SN 1957) đã gây dựng được một hệ sinh thái kinh doanh ấn tượng, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, khách sạn, thương mại, dược phẩm, y tế, dịch vụ hàng không...
Toà nhà VPBank Sài Gòn tại số 2 Tôn Đức Thắng. Ảnh: HUY NGỌC |
Nổi bật hơn cả là lĩnh vực dược phẩm, thiết bị y tế, chăm sóc sức khoẻ với thương hiệu Paramed, gồm các pháp nhân Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật cao Khánh Thiện, CTCP Đầu tư Y tế Thiện Mỹ, Công ty TNHH Y Tế Iparamed, CTCP Dịch vụ và Đầu tư Y tế Health Boutique, Công ty TNHH Dược phẩm Cát Thịnh.
Trong mảng khách sạn, có Công ty TNHH Dịch vụ Khánh Thiện với hai khách sạn Paris và Phú Đạt ở Quận 1; Lĩnh vực logistics, dịch vụ hàng không có CTCP Thương mại và Dịch vụ Nội Bài Hà Nội, CTCP Đầu tư Công nghiệp Hàng không, CTCP Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu hay khoản đầu tư vào CTCP ICD Tân Cảng - Long Bình.
Ngoài ra còn một số doanh nghiệp đáng chú ý như CTCP Đầu tư và Phát triển Xây dựng Công nghiệp Phú Hữu, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ KT GTVT Đại Hoàng Hà, CTCP Xuất nhập khẩu Cát Tường, Công ty TNHH Cát Tường, Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại-Du lịch Hồng Ngọc Hà, CTCP Bao bì Việt Nam...
Trực tiếp ông Phạm Duy Tân và những người thân như bà Nguyễn Thu Hồng, bà Phạm Thị Tố Loan, ông Phạm Trung Kiên, ông Hà Anh Tuấn chia nhau đứng tên phụ trách hệ sinh thái doanh nghiệp nêu trên.
Trở lại với dự án số 2 Tôn Đức Thắng, không lâu sau khi thành lập (tháng 8/2007), doanh nghiệp dự án Công ty Cảnh Hưng - Hải Thành đã đại chúng hoá và xuất hiện trên sàn OTC.
Chỉ ít tháng sau, dự án tháng 4/2011 nhanh chóng tìm được nhà đầu tư mới, khi nhóm cổ đông sáng lập bán 80% cổ phần Cảnh Hưng - Hải Thành cho CTCP Đầu tư Châu Thổ (Delta Corp). Tới tháng 8/2011, từ 103 cổ đông, Cảnh Hưng - Hải Thành chỉ còn 5 cổ đông, gồm Đầu tư Châu Thổ (80%), Hải Thành giữ nguyên 12,71%, Cảnh Hưng co về còn 4,17%, ông Phạm Duy Tân nắm 1,02% và bà Nguyễn Thu Hồng sở hữu 2,1%. Dự án sau đó được giới thiệu với tên gọi thương mại Delta Riverside Tower.
Châu Thổ, nên biết, mang đậm hình bóng của giới chủ VPBank và MIK Group, từng sở hữu dự án Tổ hợp Du lịch Thung lũng Đại Dương có diện tích lên tới 986ha tại TP. Phan Thiết, Bình Thuận, trước khi bán lại cho Novaland tháng 10/2017.
Trở lại với liên doanh Cảnh Hưng - Hải Thành, tới tháng 4/2012, Đầu tư Châu Thổ rút hết cổ phần, nhượng lại toàn bộ phần vốn cho Công ty TNHH Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam, trong một thương vụ mang tính chất nội bộ, khi hai pháp nhân này trên thực tế là cùng một "chủ". Cơ cấu sở hữu này duy trì cho đến nay.
Sau khi ổn định cơ cấu sở hữu, dự án với dòng vốn từ VPBank nhanh chóng được triển khai, quy mô 27 tầng cao và 4 tầng hầm với nhà thầu uy tín Coteccons. Dự án trước khi hoàn thành một lần nữa được đổi tên thành Waterfront Saigon. Hiện nay, toà nhà số 2 Tôn Đức Thắng là trụ sở VPBank Sài Gòn.
Theo Nhà Đầu Tư