Nếu có một cuộc khảo sát trên địa bàn Hà Nội hay những tỉnh thành lớn về những siêu dự án bất động sản phải nằm "đắp chiếu" hàng chục năm trời, đó sẽ là con số đủ gây ấn tượng mạnh mẽ. Hệ lụy của nó là những khu "đất vàng" bị bỏ hoang hoặc sử dụng trái phép, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường và mất đi cảnh quan đô thị...
Trong nhiều năm qua, không ít các cơ quan chức năng đã "xắn tay" vào cuộc. Tuy nhiên, tình trạng các dự án bất động sản bị chậm trễ kéo dài, thậm chí đến hàng chục năm, vẫn chưa được cải thiện.
Chúng tôi xin điểm danh một số siêu dự án "đình đám" nhất, theo thông tin mới nhất của UBND TP.Hà Nội.
Khu nhà ở và văn phòng làm việc IDC – Tây Hồ
Tháng 7/2021, trong bản báo cáo của UBND TP.Hà Nội gửi Chính phủ về những dự án văn phòng, nhà ở nằm “đắp chiếu” trong gần 30 năm qua, có điểm danh dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc IDC tại khu vực hồ An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Mặc dù được triển khai từ năm 1990, nhưng đến nay, nhà đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng IDC không có khả năng để tiếp tục thực hiện.
Theo tìm hiểu của PV Tạp chí Kinh tế Môi trường, tháng 9/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thu hồi khoảng 14.000 m2 đất tại phường Yên Phụ, giao cho Công ty TNHH Xây dựng IDC sử dụng để thực hiện dự án.
Tuy nhiên, do vướng mắc Luật Đê điều, khiếu nại của một số hộ dân, dự án triển khai kéo dài, có thay đổi về chính sách pháp luật, đến nay mới thu hồi, giải phóng mặt bằng được khoảng 7.900 m2 (trên tổng số 1,4 ha).
Tại báo cáo của UBND TP.Hà Nội cho thấy, một số diện tích đất mặt hồ đã san lấp trước đây bị lấn chiếm; hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn cho chủ đầu tư và sinh hoạt của người dân; do dự án chưa thực hiện xong nên một số chế độ tài chính liên quan đến chủ đầu tư chưa được giải quyết.
Cảnh quan nhếch nhác tại dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc IDC – Tây Hồ, Hà Nội hiện nay. |
Tới năm 2016, TP.Hà Nội vào cuộc, giải quyết một số vụ việc tồn đọng, kéo dài liên quan đến đất đai, dự án đầu tư sử dụng đất trên địa bàn Quận Tây Hồ. Đối với dự án Khu nhà ở và văn phòng IDC, UBND Thành phố chỉ đạo Quận Tây Hồ và chủ đầu tư kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất thuộc phạm vi, ranh giới được giao theo quyết định của Thủ tướng (năm 1999).
Trên cơ sở đó, đề xuất UBND Thành phố, báo cáo Thủ tướng cho phép điều chỉnh theo hướng, giao cho Công ty TNHH Xây dựng IDC tiếp tục sử dụng để thực hiện dự án theo quy định đối với diện tích đất đã giải phóng mặt bằng.
Đến nay, quy hoạch dự án đã được phê duyệt điều chỉnh, nhưng theo UBND TP.Hà Nội xác định, nhà đầu tư không có khả năng thực hiện tiếp dự án nên cần thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động và xử lý các tồn tại liên quan.
Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư 2020, việc chấm dứt hoạt động dự án không quy định đối với trường hợp dự án này, đồng thời một số nội dung kiến nghị của nhà đầu tư vượt thẩm quyền. Do đó, UBND TP.Hà Nội sẽ báo cáo Chính phủ xem xét quyết định theo thẩm quyền giải quyết những khó khăn vướng mắc tại dự án này.
Theo thông tin được cập nhật mới nhất, Công ty TNHH Xây dựng IDC có địa chỉ tại nhà số 96, Ngõ 35 Phố Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Lê Quốc Khánh. Ngoài Công ty IDC, ông Khánh còn đại diện cho một đơn vị doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Đầu tư Phúc Thắng.
Dự án Sông Hồng City
Dự án Sông Hồng City được UBND TP.Hà Nội cấp phép từ năm 1994 với tổng số vốn đầu tư là 240 triệu USD. Theo tính toán ban đầu, tiến độ thực hiện dự án diễn ra trong vòng 8 năm kể từ ngày 29/11/1994. Thời hạn của dự án là 45 năm.
Chủ đầu tư dự án là Công ty Phát triển Nhà đô thị được thành lập theo Giấy phép đầu tư 1059/GP do Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp năm 1994 và Giấy phép đầu tư điều chỉnh 1059/GPDC do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp năm 1997.
Quy hoạch ban đầu của dự án là hướng tới xây dựng một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu nhà văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê tại Nghĩa Dũng, Phường Phúc Xá, Quận Ba Đình với diện tích 51.300 m2.
Tuy nhiên, sau 27 năm kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư, đến nay dự án Sông Hồng City vẫn "án binh bất động”.
Dự án Sông Hồng City đã chậm tiến độ đến 27 năm so với kế hoạch. |
Về nguyên nhân dự án Sông Hồng City bị dừng triển khai, UBND TP.Hà Nội xác định, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Về nguyên nhân chủ quan, giai đoạn từ năm 1997 - 2001, do ảnh hưởng và tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á, thị trường bất động sản suy thoái, nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính dẫn đến dự án bị ngừng triển khai.
Về nguyên nhân khách quan, dự án bị ngừng triển khai do có sự thay đổi pháp luật đê điều và chưa phê duyệt quy hoạch phân khu hai bên bờ sông Hồng.
Cụ thể, theo UBND TP.Hà Nội, từ năm 2001, dự án bị ngừng triển khai do chưa phù hợp quy định của Pháp lệnh Đê điều (hiệu lực từ 01/01/2001). Sau khi Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, dự án thuộc quy hoạch thoát lũ.
TP.Hà Nội đã triển khai lập quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của các tuyến sông có đê để làm cơ sở cho việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hai bên bờ sông Hồng.
Vị trí khu đất dự án nằm trong vùng cảnh quan hai bên sông Hồng thuộc khu vực UBND Thành phố đang triển khai lập quy hoạch phân khu R4. Tại văn bản số 5601 ngày 6/7/2011, UBND Thành phố chỉ đạo trong thời gian chờ quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt không triển khai các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng mới có tính chất kinh doanh bất động sản.
Hiện nay, Đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đang được Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội triển khai nghiên cứu lập theo Nhiệm vụ Quy hoạch đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4770 ngày 23/10/2012).
Cũng theo UBND TP.Hà Nội, ngày 18/02/2016, tại Quyết định số 257, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. UBND Thành phố đã giao Sở NN&PTNT lập quy hoạch phòng chống lũ chi tiết, trình HĐND Thành phố thông qua. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch tạm dừng để xin ý kiến hướng dẫn đảm bảo phù hợp Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019).
Dự án Lotus Hotel
Dự án Lotus Hotel (Khách sạn Hoa Sen) còn có tên mới là Diamond Flower.
Tháng 3/2021, UBND TP.Hà Nội nêu kết quả rà soát, kiểm tra, thanh tra các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chưa triển khai, chậm tiến độ, trong đó có dự án Lotus Hotel.
Trong báo cáo gửi HĐND TP.Hà Nội, UBND TP.Hà Nội cho biết, dự án Khách sạn Hoa Sen của Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen, được giao đất diện tích 45.983 m2 tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội từ năm 2009. Tại kết luận thanh tra 1262/KL-STNMT-TTr ngày 17/5/2019 nêu rõ dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư, đề xuất UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án.
Được giao đất gần 15 năm, dự án Lotus Hotel đến nay vẫn chỉ dừng lại ở mô hình phối cảnh với bãi đất trống bị bỏ hoang. Ảnh minh họa |
Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen được Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) thành lập năm 2016, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tháng 6/2017, Công ty Hoa Sen được KBC chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Đầu tư Mặt Trời Mọc. Đến tháng 1/2020, KBC lại công bố đã nhận chuyển nhượng lại Công ty Hoa Sen từ Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh Group) và cử người đại diện phần vốn góp của KBC tại Công ty Hoa Sen là ông Lê Huy Vũ. Giá trị nhận chuyển nhượng 1.854 tỉ đồng. Như vậy trước đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Mặt Trời Mọc đã chuyển nhượng dự án này cho Tân Hoàng Minh Group.
Dự án Diamond Rice Flower (Lotus Hotel) nằm trên khu đất khoảng 4,2 ha cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia, bao gồm tổ hợp 1 tòa nhà 100 tầng (chiều cao khoảng 400 m) và 1 tòa cao 80 tầng (cao 320 m) và 1 tòa 15 tầng. Dự án do Foster and Partners – Vương Quốc Anh thiết kế với kiến trúc độc đáo mang hình dáng của bông hoa sen. Nếu dự án được xây dựng sẽ trở thành tòa tháp cao nhất Việt Nam.
Liên quan đến việc chậm trễ của các dự án bất động sản, trả lời Phóng viên, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, các dự án bất động sản kéo dài tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của TP.Hà Nội.
Theo ông Lê Đăng Doanh, một dự án bất động sản đã được cấp phép, lẽ ra cần được tiến hành xây dựng nhanh chóng để hoàn thành, đáp ứng các nhu cầu về nhà ở cho người dân, trung tâm thương mại để hoạt động kinh doanh, mở ra các cảnh quan về kiến trúc đô thị.Trong trường hợp dự án đó bị "đắp chiếu", chậm trễ kéo dài mấy chục năm, chứng tỏ việc giao dự án cho chủ đầu tư ban đầu là sai.
Đối với thực trạng này, theo chuyên gia kinh tế, TP.Hà Nội cần quy định lại, có sự giám sát, xử lý chính xác và nhanh chóng. Trong đó cần chuyển đổi việc sở hữu dự án cho chủ đầu tư mới chứ không thể để kéo dài tình trạng dở dang, gây lãng phí, ảnh hưởng cảnh quan, môi trường của Thành phố.
Cũng theo chuyên gia kinh tế, nếu dự án vướng mắc từ các yếu tố khách quan, nhà chức trách cũng cần có các đánh giá, rà soát và tìm giải pháp. “Việc chậm trễ kéo dài khiến tiền không thể giải ngân mà công trình cũng không mang lại lợi ích gì, thậm chí gây ra ô nhiễm, tệ nạn, thất thoát tài sản nhà nước”, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Vị chuyên gia một lần nữa nhắc lại câu hỏi về trách nhiệm của các đơn vị quản lý, đồng thời cho biết, doanh nghiệp cũng phải tự nghĩ kế để tháo gỡ khó khăn cho chính mình.
Theo Kinh Tế Môi Trường