UBND tỉnh Long An vừa ra thông báo về phương án xét chọn nhà đầu tư KCN Nam Tân Tập (huyện Cần Giuộc), yêu cầu Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh chọn Công ty TNHH Saigontel Long An (là đơn vị liên danh Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn và Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Hải Phòng) là đơn vị lập thủ tục đầu tư dự án.
Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An có nhiệm vụ rà soát, hoàn chỉnh thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Thông báo của UBND tỉnh Long An dựa trên đề xuất của Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An hồi đầu năm 2020.
Dự án KCN Nam Tân Tập có diện tích 245 ha với tổng vốn đầu tư 2.590 tỉ đồng. Cơ quan chức năng tỉnh Long An kỳ vọng, khi dự án này đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, giải quyết vấn đề lao động cho hơn 10.000 người dân.
Trong quá trình tìm nhà đầu tư, Hội đồng đầu tư tỉnh Long An giao cho Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh phải xây dựng tiêu chí phù hợp, thành lập Hội đồng xét chọn nhà đầu tư theo quy định.
Phối cảnh dự án KCN Nam Tân Tập. |
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý khi kinh tế tỉnh Long An, việc chọn nhà đầu tư theo phương án này sẽ kéo dài mất nhiều thời gian, nên đề xuất tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các Sở, ngành và thành lập Hội đồng xét chọn nhà đầu tư và lựa chọn Công ty TNHH Saigontel Long An làm nhà đầu tư.
Liên quan đến dự án KCN Nam Tân Tập, trong một thông báo kết luận của ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng cho rằng, việc xét chọn nhà đầu tư theo phương án lập hội đồng sẽ mất nhiều thời gian, làm chậm trễ trong việc triển khai các dự án, mất cơ hội đầu tư phát triển của tỉnh. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các Sở, ngành, thống nhất phương án chọn Liên danh Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Hải Phòng để tiến hành lập thủ tục đầu tư dự án này.
Bộ Xây dựng nói gì?
Trong quá trình thực hiện dự án, có 5 nhà đầu tư nguyện vọng tham gia lập thủ tục đầu tư, gồm: Công ty cổ phần Đầu tư An Kiến Phát; Công ty TNHH Saigontel Long An; Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn; Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc; Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư An Kiến Phát và Công ty TNHH Hải Sơn.
Theo thông tin từ phía UBND tỉnh Long An, khi lựa chọn Công ty TNHH Saigontel Long An là nhà đầu tư dự án KCN Nam Tân Tập, chính quyền địa phương đã xin ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT...
Văn bản cho ý kiến về quyết định chủ trương đầu tư dự án KCN Nam Tân Tập của Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng. |
Bên cạnh đó, việc chỉ định nhà đầu tư dự án KCN Nam Tân Tập dựa trên căn cứ khi đưa ra về Luật Đất đai, Đấu thầu, Đầu tư.
Tuy nhiên, tại văn bản cho ý kiến thẩm định quyết định chủ trương đầu tư KCN Nam Tân Tập gửi tới Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) đề nghị việc lựa chọn nhà đầu tư dự án phải tuân thủ các quy định pháp luật về Đấu thầu, Đầu tư, và Đất đai.
Được biết, Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn được thành lập năm 2002. Tại thời điểm 31/3/2021, doanh nghiệp này đang vay nợ ngắn hạn 593 tỉ đồng ở hàng loạt ngân hàng và công ty khác nhau.
Ở mục nợ dài hạn, Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn đang vay hơn 881 tỉ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ hơn 740 tỉ đồng.
Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế năm 2018 của Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn đạt gần 118 tỉ đồng thì năm 2019 chỉ còn gần 11,2 tỉ đồng.
Còn Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Hải Phòng, năm 2020, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty giảm 604 tỉ đồng, tương đương 70% so với năm 2019, xuống 262 tỉ đồng.
Theo Kinh Tế Môi Trường