Ông Cao Tường Huy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ký văn bản gửi các đơn vị Sở Xây dựng, Tài Nguyên và môi trường, Công an tỉnh và người đứng đầu các địa phương yêu cầu xử lý nghiêm các chủ đầu tư mở bán dự án chưa đủ điều kiện trên mạng xã hội và các sàn giao dịch bất động sản.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh giao Sở Xây dựng tiếp nhận tài liệu của Công an tỉnh, củng cố hồ sơ, xử lý đối với vi phạm của các doanh nghiệp, sàn giao dịch bất động sản tại các địa phương và hoàn thành xong trước ngày 31/7.
Dự án Vườn Phượng Hoàng của Công ty Thuận Phát bị "tuýt còi". |
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng giao Giám đốc các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường cùng Chủ tịch UBND các địa phương tiếp tục thanh tra, kiểm tra các sàn giao dịch bất động sản theo danh sách Công an tỉnh đã rà soát nằm ngoài danh sách sàn giao dịch bất động sản mà Sở Xây dựng đang quản lý để xử lý các vi phạm nếu có.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các đơn vị kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong hoạt động, huy động vốn kinh doanh bất động sản của chủ đầu tư dự án.
Trong đó, có dự án Vườn Phượng Hoàng Bãi Cháy (Phoenix Legend Ha Long Bay Villas and Hotel) chưa đủ điều kiện mở bán nhưng đã có hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội và các sàn giao dịch bất động sản.
"Yêu cầu hoàn thiện đầy đủ các điều kiện theo quy định mới được đưa sản phẩm bất động sản vào huy động vốn, kinh doanh bất động sản theo đúng quy định của pháp luật", văn bản của UBND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Khu biệt thự cao cấp và khách sạn Vườn Phượng Hoàng (Phoenix Legend Ha Long Bay Villas and Hotel) được khởi công vào hồi tháng 3/2018, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Thuận Phát làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 1.473 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hồi tháng 8/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã bất ngờ điều chỉnh lại quy mô dự án gồm: mở rộng tầng hầm đảm bảo nhu cầu đỗ xe; bổ sung một tầng khối đế khách sạn để tăng diện tích dịch vụ thương mại; điều chỉnh ranh giới giữa đất biệt thự và hạ tầng; điều chỉnh ranh giới từng ô đất biệt thự cho phù hợp với hiện trạng và thiết kế kỹ thuật theo quy hoạch, tổng diện tích không thay đổi; điều chỉnh diện tích các căn chung cư tăng từ 108 căn lên 163 căn; thay đổi quy mô khách sạn từ 510 giường sang 216 phòng; bổ sung bể chứa nước phục vụ PCCC và sinh hoạt; điều chỉnh hạ tầng cho phù hợp.
Cụ thể, quy mô dự án đầu tư sau điều chỉnh gồm: 1 khu hỗn hợp có khối đế cao 3 tầng làm khu dịch vụ và căn hộ cao cấp; khối tháp gồm 2 khối (khối khách sạn và khối căn hộ) từ tầng 4 đến tầng 20: khối khách sạn 5 sao quy mô 216 phòng; khối căn hộ quy mô 163 căn; cây xanh, cảnh quan; tổng diện tích khu hỗn hợp 8.266m2.
Khu biệt thự nghỉ dưỡng bao gồm 18 căn biệt thự vòng quanh đỉnh đồi, tổng diện tích 9.298m2; 8 căn biệt thự trên đỉnh đồi, tổng diện tích 4.257m2.
Được biết, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Thuận Phát (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) được thành lập năm 2010. Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Thuận Phát là thành viên của Công ty Cổ phần Đầu tư IRB – IRB Holdings (trụ sở tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Hiện tại công ty có số vốn điều lệ 300 tỷ đồng do ông Bùi Quốc Hoàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.
Ngoài ra, ông Hoàn còn đại diện cho loạt công ty khác như: Công ty Cổ phần Pexim, Công ty Cổ phần truyền thông Indochina; Công ty Cổ phần đầu tư Investcom, Công ty TNHH bất động sản IRBLand, Công ty Cổ phần đầu tư IRB, Công ty Cổ phần Anam Phát, chi nhánh Công ty Cổ phần đầu tư Indochina tại Hà Nội.
Về tình hình kinh doanh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Thuận Phát kinh doanh bết bát, không ghi nhận lợi nhuận trong nhiều năm. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2019, công ty hầu như không có doanh thu. Về lợi nhuận thì báo lỗ vào năm 2016 và không ghi nhận lợi nhuận ở những năm tiếp theo.
Về tài sản, nếu như năm 2016 tổng tài sản mới ở mức 27 tỷ đồng thì năm 2017 đã tăng lên 196,7 tỷ đồng. Năm 2018, tổng tài sản tiếp tục tăng lên 452 tỷ đồng và năm 2019 ở mức 538 tỷ đồng.
Cơ cấu tài sản của Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Thuận Phát lại chủ yếu là các khoản nợ phải trả. Trong giai đoạn 2016-2019, nợ phải trả của công ty tăng mạnh từ 12 tỷ đồng lên mức 388 tỷ đồng năm 2019, tương đương nợ phải trả đã tăng gấp 32 lần sau 4 năm.
Đáng nói, trong bối cảnh nợ phải trả tăng mạnh thì vốn chủ sở hữu lại tăng chậm hơn, từ 15 tỷ đồng năm 2016 lên 150 tỷ đồng năm 2019. Vì vậy, hệ số nợ luôn vượt mức vốn chủ sở hữu qua các năm, trong đó năm 2017 ở mức 3,9 lần, sang năm 2018 giảm xuống còn 2,2 lần và năm 2019 là 2,6 lần.
Việc nợ phải trả cao hơn vốn chủ sở hữu có nghĩa là tài sản của công ty được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.
Bên cạnh đó, khả năng thanh toán của công ty cũng bị đe dọa do nợ ngắn hạn cao hơn nhiều so với tài sản ngắn hạn. Cụ thể, năm 2019, nợ ngắn hạn của Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Thuận Phát ở mức 115 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chỉ 83 tỷ đồng.