Hà Nội, Thứ Tư Ngày 24/04/2024

Ông chủ Kim Nam Group và câu chuyện về những siêu dự án 'một tấc tới giời'

TDVN 08:26 21/07/2021

Thiếu minh bạch và an toàn, Công ty VERIG của ông Nguyễn Kim Hùng vẫn đang được quảng bá rầm rộ về sự vươn tầm quốc tế.

“Một tấc tới giời”

Ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Kim Nam (ra đời năm 2016) lâu nay vẫn kính trắng áo cổ cồn xuất hiện trước truyền thông với tư cách được cho là chuyên gia tài chính, diễn giả, dạy và đào tạo các doanh nhân, lãnh đạo... về tài chính, kinh doanh.

Năm 2018, ông Nguyễn Kim Hùng thành lập Công ty Cổ phần Tái cấu trúc Doanh nghiệp Việt (VERCO) với hoạt động chính là chuyên bán các khóa học về kinh doanh.

Năm 2019, ông chủ VERCO lại thành lập thêm “đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tài chính xã hội phi ngân hàng, cung cấp nền tảng VERIG Platform giải quyết các vấn đề lớn hiện nay cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs)”, lấy tên là VERIG™ (VERIG).

Lĩnh vực hoạt động của VERIG cũng được ông Nguyễn Kim Hùng và đồng sự quảng cáo là đặc biệt mới lạ, “lĩnh vực tài chính xã hội phi ngân hàng”. Ngân hàng Nhà nước không quản lý lĩnh vực này. Cũng chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào của Việt Nam đề cập đến lĩnh vực này. Dường như, ông chủ của VERIG đưa ra khái niệm "tài chính xã hội phi ngân hàng" trong lĩnh vực hoạt đồng của mình với hy vọng “xã hội hóa” việc huy động vốn được thuận lợi hơn chăng?

Tài liệu dành cho cổ đông của VERIG.

Tầm nhìn chiến lược tới năm 2030 của VERIG đưa ra thật sự gây choáng váng cho giới chuyên môn. Theo đó, VERIG sẽ trở thành: “Công ty tài chính xã hội phi ngân hàng TOP 5 Khu vực Đông Nam Á + 3 (ASIA + 3). Mô hình hỗ trợ trực tiếp cho WorldBank, Unicef, các tổ chức phi Chính phủ áp dụng cho SMEs trên toàn cầu”.

Các đối tác dễ dãi có thể bỏ qua câu chuyện một tổ chức phi ngân hàng lớn tầm cỡ quốc tế lại viết sai chính tả, thiếu hiểu biết về địa lý, không phân biệt được ASIA và ASEAN… Nhưng, giới chuyên môn thực sự phải “cười ngoác miệng” với lời quảng cáo gắn liền với việc “hỗ trợ trực tiếp cho WorlBank, Unicef”, “áp dụng cho SMEs trên toàn cầu”… của VERIG.

“Mời thầy về đi cày”

Ông Nguyễn Kim Hùng luôn được đông đảo các học viên tôn là "thầy" trong những buổi diễn thuyết, giảng dạy của mình. Tại sao lại có thể thiếu kiến thức đến như vậy? Nhất là khi ông Chủ tịch HĐQT này quảng cáo về chính sản phẩm con đẻ của mình?

Thông tin quảng bá của VERIG.

Nhấn mạnh rằng, World Bank (Ngân hàng Thế giới) không phải là ngân hàng áp dụng cho SMEs theo cách hiểu của VERIG, hay cách VERIG muốn mọi người hiểu. Ngay cả World Bank Group cũng chỉ có chức năng giúp các quốc gia đang phát triển tìm ra giải pháp cho những thách thức phát triển địa phương và toàn cầu khó khăn nhất - từ thích ứng với biến đổi khí hậu, đến tăng cường an ninh lương thực hoặc chống tham nhũng...

Thành viên của World Bank là Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) cũng chỉ hỗ trợ việc xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm thông qua sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, cho doanh nghiệp khu vực tư nhân vay vốn, nhưng không thể coi là áp dụng cho SMEs giống như VERIG quảng cáo. Hơn nữa, IFC thường chỉ cấp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân thông qua một ngân hàng trung gian của Việt Nam.

Chi tiết khó hiểu nữa là VERIG đưa cả Unicef vào trong danh sách tổ chức phi Chính phủ áp dụng cho SMEs. Cả thế giới đều biết đến Unicef là Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc, có sứ mệnh thúc đẩy và bảo vệ quyền của tất cả trẻ em trên thế giới. Quảng cáo rằng Unicef liên quan tới SMEs của VERIG thật sự là câu chuyện ngô nghê, khôi hài.

Chưa hết, trong bản thông tin về VERIG gửi tới các cổ đông, ông chủ Nguyễn Kim Hùng của VERIG còn “nổ vang trời” khi giới thiệu "VERIG là mô hình cho United Nation Bank áp dụng" (?).

Nội dung quảng bá về tầm nhìn của VERIG với nhiều chi tiết ngô nghê, khôi hài.

Theo tìm hiểu của phóng viên, United Nation Bank (UNB - https://unbonline.com/) là một ngân hàng nhỏ ở bang Georgia (Mỹ), không có liên quan gì đến mấy tổ chức phi ngân hàng của Việt Nam.

Có thể, ngân hàng này chỉ là sự trùng tên với thông tin được ghi trong lời giới thiệu, nhưng ý đồ của VERIG thì ai cũng hiểu: Mượn chút yếu tố quốc tế để “tỏ vẻ sang trọng”, nhằm lôi kéo và dễ dàng "qua mặt" những người không thường xuyên cập nhật thông tin. Đây là chiêu trò quen thuộc của một số tổ chức tai tiếng muốn trục lợi thời 4.0 gần đây.

Rao giảng chỉ để rủ rê góp vốn?

Thông tin từ những người hiểu chuyện, thực tế, VERIG được lập ra là để kêu gọi huy động góp vốn. Người góp vốn sẽ trở thành cổ đông của VERIG. Mức góp tối thiểu là 50 triệu đồng đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Mô hình kinh doanh của VERIG dựa trên nền tảng kết nối cho vay ngang hàng (P2P Lending), kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B)... Chính bản thân VERIG cũng cho vay ngang hàng.

Các cổ đông góp vốn cũng có thể trở thành người vay vốn từ VERIG (trở thành con nợ của VERIG), với những ưu đãi riêng (nhưng ưu đãi như thế nào thì không nói rõ). Tuy nhiên, hiện trang web của VERIG, phần mục gọi vốn, ưu đãi, lãi suất không hiển thị kết quả.

Một góc hồ Nặm Cắt, nơi Kim Nam Group vừa ký kết tài trợ.

Một “học trò” của ông Nguyễn Kim Hùng và cũng là cổ đông của VERIG, cho biết: "VERCO là công ty của thầy Hùng, hoạt động đào tạo, mua bán doanh nghiệp, tái cấu trúc, huy động góp vốn vào công ty VERIG. Thực sự khóa học của thầy Hùng rất khác biệt so với nhiều thầy khác. Thầy dạy không phải để lấy tiền thù lao. Có cảm giác, thầy chỉ thông qua việc đứng lớp để thuận tiện rủ rê các cổ đông đầu tư vào công ty thôi".

Tất nhiên, vị học viên kiêm cổ đông này không trả lời được câu hỏi: nếu có vấn đề tranh chấp, những cổ đông của VERIG có được bảo vệ quyền lợi?

Rõ ràng, khi có tranh chấp, việc xác định ai là người vay, ai là người cho vay cũng không dễ. Để có nhà cung cấp P2P tử tế đã khó, để có một bộ luật quản lý P2P còn khó hơn.

Nếu không giải quyết được vấn đề thẩm định tín dụng giá rẻ, thì P2P sẽ hoàn toàn vô dụng và đầy rủi ro. Đây là một “sân chơi” còn thiếu tính minh bạch, an toàn khi chưa có các quy định điều chỉnh. Các chuyên gia cũng cảnh báo, người chơi sẽ chịu thiệt đầu tiên khi “bong bóng” vỡ, chưa kể nguy cơ hình thức đa cấp lừa đảo “Ponzi” phát sinh từ P2P.

Nhận thức rõ điều này, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 5228, khuyến cáo về những mặt tiêu cực của mô hình P2P.

Ngoài VERIG, ông Nguyễn Kim Hùng gần đây được nhắc tới nhiều hơn khi mạnh dạn đầu tư siêu dự án hàng nghìn tỉ đồng tại tỉnh Bắc Kạn, dù công ty của ông Hùng còn khá non trẻ.

Trong tháng 4/2021, ông Nguyễn Kim Hùng, với tư cách là Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam đề xuất UBND tỉnh Bắc Kạn cho phép triển khai nghiên cứu Dự án tại khu vực hồ Nặm Cắt, có quy mô khoảng 1.500 ha, tổng mức đầu tư lên tới 6.500 tỉ đồng.

Sang tháng 5/2021, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chấp thuận cho Tập đoàn Kim Nam tài trợ các sản phẩm quy hoạch và khảo sát, nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái khu vực hồ Nặm Cắt tại xã Dương Quang, TP Bắc Kạn. Lễ ký kết tài trợ chính thức diễn ra trong ngày 4/6/2021.

Trùng hợp, thời điểm này ông Nguyễn Kim Hùng ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV (2021 - 2026) tại Bắc Kạn, nhưng không trúng cử.

Không biết đến khi nào dự án đầu tư của Kim Nam tại Bắc Kạn sẽ được đi vào thực thi?

Theo Kinh Tế Môi Trường

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/ong-chu-kim-nam-group-va-cau-chuyen-ve-nhung-sieu-du-an-mot-tac-toi-gioi-57462.html

Bạn đang đọc bài viết Ông chủ Kim Nam Group và câu chuyện về những siêu dự án 'một tấc tới giời' tại chuyên mục Thông tin dự án. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thông tin dự án