Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung vừa trao đổi với báo chí về đề xuất nhóm chính sách gửi Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đối phó với ảnh hưởng bất lợi từ dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng, dự kiến 25.000-50.000 tỷ đồng sẽ phát sinh do tạm dừng đóng, miễn lãi chậm đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho khoảng 1,5-3 triệu lao động, tương ứng với 105.000-211.000 doanh nghiệp.
Về chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTB&XH đã đồng ý với việc tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất cho 2 nhóm doanh nghiệp: doanh nghiệp có từ 50% số lao động trong diện tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm và doanh nghiệp bị thiệt hại từ 50% tổng thu nhập do dịch Covid-19.
Căn cứ vào tình hình hiện nay, Bộ sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ và Uỷ ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu việc mở rộng đối tượng bị ảnh hưởng của Covid-19 để nhận được hỗ trợ.
“Cụ thể, việc hỗ trợ không chỉ căn cứ vào phần trăm số lao động bị ảnh hưởng mà tất cả người bị ảnh hưởng, những người bị ngừng việc đều được tạm dừng đóng một phần bảo hiểm xã hội. Đồng thời, không khống chế tỷ lệ thiệt hại trên 50% đối với nghiệp mới được nhận hỗ trợ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ được tạm dừng đóng một phần bảo hiểm xã hội từ nay đến hết tháng 12/2020. Ảnh minh họa: Phạm Thanh. |
Về điều kiện được áp dụng chính sách này, Bộ LĐ&TBXH đề xuất áp dụng hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp chứ không phải chỉ có doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ 50%. Thời hạn áp dụng từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020.
Với đề xuất trên, bộ ước tính sẽ có khoảng 1,5-3 triệu người và 150.000-200.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách.
“Nguồn hỗ trợ hoàn toàn có thể đáp ứng được bởi nguồn kết dư từ quỹ hưu trí, tử tuất hiện khoảng 800.000 tỷ đồng, một năm chúng ta mới chỉ ứng ra khoảng 50.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Dung cho biết.
Về chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp, Bộ cũng đề xuất 100% doanh nghiệp và người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12/2020. Khoảng thời gian miễn đóng trên được tính là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động.
Sau đó, các nhóm người này sẽ được đóng bù thời gian này mà không phải nộp tiền lãi chậm đóng. Đề xuất này nhằm hướng tới các doanh nghiệp và lao động ngừng việc, không tham gia sản xuất trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Theo Zing