Người dân thắt chặt hầu bao vì giá cả leo thang
Tính từ đầu năm 2022, giá xăng, dầu đã trải qua lần thứ 7 liên tiếp điều chỉnh tăng do tác động của diễn biến giá thế giới. Mỗi đợt điều chỉnh tăng, giá xăng dầu lại đạt đỉnh mới và giới chuyên gia dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới cũng leo thang.
Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí đầu vào, kéo theo sự tăng giá của rất nhiều mặt hàng trong đó có mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Vì vậy, đối với những người lao động có thu nhập thấp và trung bình, việc giá xăng dầu liên tục lập đỉnh trong thời gian gần đây đã trở thành nỗi lo ngại. Nhiều hộ gia đình phải cân đối lại tài chính và thắt chặt chi tiêu trong tiêu dùng hàng ngày để đảm bảo cuộc sống.
Xăng dầu tăng giá kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu cũng rục rịch tăng theo.
Chị Hoài (33 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, bản thân cảm thấy rất đau đầu khi hàng ngày phải tính toán chi tiêu sao cho hợp lý. Bởi thu nhập mỗi tháng cũng chỉ là con số cố định, nếu không lập kế hoạch thật kĩ sẽ không tránh khỏi việc “âm tiền”.
“Xăng tăng, gas tăng, đến cả mớ rau ngoài chợ cũng tăng. Trong khi với đồng lương ít ỏi, cả hai vợ chồng tôi đã phải ngồi lại với nhau để tính toán và cắt bớt các khoản chi tiêu sao cho hợp lý thời bão giá này”, chị Hoài cho biết.
Chị Thư – một người tiêu dùng khác cũng thông tin, hiện nay các mặt hàng thực phẩm như thịt, cá, hoa quả, rau củ,… đều tăng giá.
“Nếu như trước đây một ngày tôi chi tiền rau từ 5.000 – 6.000 đồng thì hiện tại giá rau đã tăng gấp 3 lần. Hỏi những người bán về việc rau tăng “chóng mặt” họ đều đổ cho giá xăng tăng”, chị Thư cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, dịch vụ giải trí, nhiều đơn vị vận tải cũng đã tăng giá. Chẳng hạn, ngay sau khi ứng dụng đặt xe Grab thông báo tăng giá cước hôm 7/3 với tất cả các dịch vụ, đồng loạt các hãng taxi cả công nghệ và truyền thống cũng thông báo tăng giá cước. Động thái này được các hãng lý giải là nhằm hỗ trợ tài xế trước áp lực từ giá xăng tăng cao nhất mọi thời đại.
Làm sao để kìm hãm giá xăng?
Trước thực trạng giá xăng dầu leo thang và dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, trao đổi với Chất lượng Việt Nam, chuyên gia Kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng cần tiếp tục giảm 10% thuế tiêu thụ đặc biêt, giảm 2% thuế VAT, loại bỏ lợi nhuận định mức trong giá cơ sở và không thành lập quỹ bình ổn giá, đồng thời tăng cường dự trữ xăng dầu. Như vậy mới có thể hài hoà lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Chuyên gia Kinh tế Vũ Vinh Phú.
Chia sẻ thêm về những tiêu cực tồn đọng trong thị trường hàng hoá bán lẻ, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết: Tình trạng “té nước theo mưa” ăn theo giá xăng tăng xảy ra không nhiều, các siêu thị hiện vẫn đang cố gắng đàm phán với nhà cung cấp để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
“Tôi tin rằng 90% trên thị trường là người buôn bán chân chính còn những cá nhân tiêu cực không nhiều. Đối với cá nhân buôn lậu, bán giá cao, các cơ quan chức năng cần kiểm tra và xử phạt chặt chẽ hơn”, chuyên gia nói.
Đồng thời chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng đề xuất một số giải pháp nhằm ứng phó với giá xăng, dầu trong nước tăng cao để giảm thiểu tác động xấu và tình trạng lạm phát trong năm 2022 như: Cần thúc đẩy sản xuất để tăng nguồn cung trong xã hội. Khi nguồn cung bằng nguồn cầu thì giá cả sẽ ổn định.
Tiếp đến, sản xuất cần gắn với phân luồng, ít qua trung gian. Tránh những nguồn cung cấp lậu gây thiệt hại cho người tiêu dùng trên thị trường. Chuỗi sản xuất phân phối phải khép kín, lợi nhuận phải hài hoà. Cần kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý nghiêm những trường hợp “té nước theo mưa”. Cuối cùng, phải công khai, minh bạch hoá chuỗi sản xuất phân phối để người dân có thêm niềm tin.