Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Giá vé máy bay nội địa sẽ tiếp tục được áp giá trần

Nhật Đức 11:33 20/06/2023

Trên 90% đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giá sửa đổi. Sau thảo luận, Quốc hội quyết định tiếp tục áp giá trần đối với vé máy bay nội địa.

Áp trần giá vé máy bay nội địa góp phần đảm bảo lợi ích của nhân dân. Ảnh: Int

Theo đó, Luật Giá sau khi được tiếp thu, chỉnh lý được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 có nhiều điểm mới nhằm khắc phục một số hạn chế bất cập của luật hiện hành. Về phạm vi điều chỉnh, luật bổ sung quy định cơ sở dữ liệu về giá.

Liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, đây là vấn đề được đại biểu quan tâm trong các phiên thảo luận, trong đó có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định về khung giá, đưa mặt hàng này thực hiện hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Đến nay, việc quy định giá trần vẫn bảo đảm quyền chủ động của doanh nghiệp, các hãng hàng không vẫn toàn quyền quyết định giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay; chỉ riêng giá vé máy bay hạng phổ thông thì có quyền quyết định giá cụ thể trên cơ sở không vượt giá trần.

Trên cơ sở đánh giá thực tiễn các năm qua, khi tổng kết Luật Hàng không dân dụng, tại Báo cáo tổng kết, đánh giá thi hành Luật Hàng không dân dụng, Bộ Giao thông Vận tải đã đánh giá và đề xuất cần giữ quy định giá trần. Bên cạnh đó, việc quy định giá trần là đủ cơ sở pháp lý theo Luật Cạnh tranh và Luật Giá, đồng thời đảm bảo lợi ích nhân dân, thúc đẩy kinh tế xã hội. Ngoài ra cũng có ý kiến đề nghị chỉ định giá đối với hạng vé phổ thông.

Nhìn lại thị trường hàng không, dù không còn sự độc quyền như trước đây do có 6 hãng hàng không khai thác các tuyến nội địa nhưng chỉ 3 hãng hàng không lớn nắm giữ phần lớn thị phần là: Vietnam Airlines với khoảng 35%; Vietjet Air với khoảng 40%; Bamboo Airway với khoảng 16%.

Đối chiếu với Điều 24 Luật Cạnh tranh thì: một doanh nghiệp có vị thế thống lĩnh thị trường khi chiếm từ 30% thị phần trở lên; nhóm 2 doanh nghiệp có vị thế thống lĩnh khi chiếm từ 50%; Nhóm 3 doanh nghiệp khi chiếm từ 65% thị phần trở lên. Như vậy, Vietnam Airlines, Vietjet Air đều là doanh nghiệp có vị thế thống lĩnh và nhóm 3 doanh nghiệp bao gồm cả Bamboo Airways là nhóm có vị thế thống lĩnh thị phần dịch vụ hàng không nội địa (chiếm tới 91% thị phần).

Xét theo khoản 2 Điều 3, Điều 24 và Điều 27 của Luật Cạnh tranh có thể thấy, thị trường này có tính cạnh tranh hạn chế và cần thiết có trách nhiệm kiểm soát của Nhà nước. Như vậy, việc Nhà nước quy định giá trần là hoàn toàn phù hợp với tiêu chí Luật định.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu không quy định giá trần thì đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết giá. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá vé máy bay lên mức cao đối với hạng vé phổ thông vào các dịp cao điểm, ảnh hưởng đến người dân làm tăng chi phí xã hội. Ngoài ra, việc này cũng gây tăng chi NSNN khi các cơ quan nhà nước hàng năm phải chi ngân sách lớn cho việc mua vé máy bay phục vụ nhu cầu công tác.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng quy định khung giá hiện nay vẫn tạo cơ hội đa dạng hóa loại hình dịch vụ; bảo đảm tính hấp dẫn; đáp ứng sự lựa chọn dịch vụ cao cấp của khách hàng ở các phân khúc khác nhau.

Theo Nhịp sống thị trường

Link gốc : https://markettimes.vn/gia-ve-may-bay-noi-dia-se-tiep-tuc-duoc-ap-gia-tran-31920.html

Bạn đang đọc bài viết Giá vé máy bay nội địa sẽ tiếp tục được áp giá trần tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự