Thị trường chứng khoán phiên giao dịch sáng đầu tuần diễn ra khá ảm đạm. Sắc đỏ bao phủ trên diện rộng toàn thị trường, trên bảng điện tử chỉ còn vài ba chục mã giữ được sắc xanh, trong đó nhóm VN30 không có nổi mã nào giao dịch trên mốc tham chiếu, đã khiến VN-Index bốc hơi hơn 30 điểm và cắm đầu về vùng giá 1.250 điểm ngay khi mở cửa.
Sang đợt giao dịch khớp lệnh, thị trường cũng chưa có dấu hiệu khả quan hơn. Dòng tiền tham gia vẫn tỏ ra thận trọng trước áp lực bán mạnh luôn thường trực, khiến VN-Index duy trì trạng thái giảm sâu quanh mốc 1.250 điểm.
Sau khoảng 1 giờ giao dịch, trên sàn HOSE cũng chỉ có trên dưới 30 mã tăng giá, trong khi số mã giảm gấp tới gần 14 lần và chỉ số VN-Index đứng ở mốc 1.251 điểm khi mất gần 33 điểm.
Trong bối cảnh thị trường chìm trong sắc đỏ, vẫn có nhóm ngành nổi bật đi ngược xu hướng chung của thị trường thành công đó là nhóm cổ phiếu điện. Điển hình là POW sau khi mở cửa giảm khá mạnh, lực cầu sôi động đã giúp cổ phiếu này dần hồi phục sắc xanh với thanh khoản vượt trội trên thị trường.
Cụ thể, POW tăng 2% lên mức 15.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 12,86 triệu đơn vị; NT2 tăng 3% lên 27.300 đồng/CP, GEG tăng 1% lên 24.750 đồng/CP, PC1 tăng 1,2%, TMP tăng nhẹ…
Mặc dù thanh khoản cải thiện nhờ lực cầu tham gia có phần tích cực khi nhiều cổ phiếu về vùng giá hấp dẫn, nhưng với áp lực bán mạnh thường trực, đã khiến VN-Index khó thoát khỏi phiên giảm sâu.
Tạm dừng phiên sáng, sàn HOSE chỉ có 42 mã tăng và 435 mã giảm, VN-Index giảm 41,97 điểm (-3,27%), xuống 1.242,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 404,68 triệu đơn vị, giá trị 10.885 tỷ đồng, tăng 37,34% về khối lượng và 30,28% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 10/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,11 triệu đơn vị, giá trị hơn 281 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ có 2 mã giao dịch trên mốc tham chiếu là POW tăng 2,7% lên 15.400 đồng/CP và GAS tăng nhẹ 0,3% lên 119.100 đồng/CP, còn lại đều giảm khá mạnh hơn 1%.
Trên sàn HNX, thị trường cũng có phiên giao dịch đỏ lửa và HNX-Index bốc hơi gần 12 điểm. Tạm dừng phiên sáng, sàn HNX cũng chỉ có 11 mã tăng và có tới 185 mã giảm, HNX-Index giảm 11,78 điểm (-3,85%) xuống 294,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 53,56 triệu đơn vị, giá trị 1.179,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 27,94 tỷ đồng.
Tại thị trường UPCoM, áp lực bán mạnh và lan rộng cũng khiến UPCoM-Index giảm mạnh. Tạm dừng phiên sáng, UpCoM-Index giảm 2 điểm (-2,14%), xuống 91,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 42,94 triệu đơn vị, giá trị 951,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,36 triệu đơn vị, giá trị 19,51 tỷ đồng.
VN-Index "cháy rực" phiên đầu tuần |
Tâm lý nhà đầu tư trong nước bị ảnh hưởng nặng nề trước những biến động tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới khi lạm phát Mỹ đạt đỉnh. Thị trường chứng khoán khởi động phiên đầu tiên của tuần mới không mấy tích cực khi sắc đỏ lan rộng trên toàn thị trường.
Tại lúc 11h00, VN-Index giảm 38,6 điểm (3,01%) còn 1.245,48 điểm, VN30-Index giảm 39,97 điểm (3,02%) xuống 1.285,72 điểm.
Thị trường từng bước lùi xuống các vùng giá thấp hơn với áp lực bán tiếp tục dâng cao. So với thời điểm đầu phiên sáng, nhiều mã đã bị bán mạnh và giảm kịch sàn, điển hình như FRT, DBC, FTS, KSB, PET, VHC, VSC, GIL,...
Nhóm vốn hóa lớn giảm sâu hơn chỉ số chung với mức giảm gần 45 điểm. Tính đến hiện tại POW là mã duy nhất giữ được sắc xanh trong rổ VN30. Thanh khoản cũng tăng đáng kể so với giá trị trung bình trong 1 tuần hay 1 tháng gần đây.
Mở cửa: Thị trường chứng khoán mở trong trạng thái cực kỳ tiêu cực. Các chỉ số đồng loạt giảm sâu. VN-Index rớt hơn 30 điểm ngay sau phiên ATO và hiện đang giao dịch quanh mức 1.253 điểm; HNX-Index giảm mạnh hơn 8 điểm và đang giao dịch quanh mức 298 điểm.
VN30-Index cũng giảm mạnh hơn 31 điểm. Bên bán chiếm ưu thế hoàn toàn trong rổ VN30 với toàn bộ các mã cùng hiện sắc đỏ. Trong đó, VRE, PLX, GVR và PNJ là những mã giảm mạnh nhất với mức giảm từ 4%-5%.
Toàn bộ các nhóm ngành đều đang hiện sắc đỏ. Trong đó, các ngành như bất động sản, ngân hàng, dầu khí đang là những nhóm có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường.
Ở ngành chế biến thủy sản, nhiều ông lớn đang có mức giảm khá mạnh. Cụ thể, ACL nằm sàn ngay đầu phiên. IDI, FMC, CMX cùng giảm hơn 6%, VHC giảm mạnh gần 6%, ANV rớt hơn 3%.
Ngành chứng khoán cũng đang là một trong những ngành giảm mạnh nhất trong phiên. Các cổ phiếu như VND, SSI, VCI, HCM hay MBS cùng giảm từ 3%-5%.