Hà Nội, Thứ Hai Ngày 29/04/2024

CƠN BÃO BẠCH HẦU Ở BUÔN LÀNG TÂY NGUYÊN

TDVN 12:15 13/07/2020

Sau gần 1 tháng, 4 tỉnh Tây Nguyên ghi nhận 75 ca dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu và đã có 3 ca tử vong. Diễn biến dịch bệnh đang có xu hướng khó lường.

Ngày 6/6, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk công bố ca đầu tiên mắc bệnh bạch hầu từ huyện Krông Nô (Đắk Nông) chuyển đến. Sau gần 1 tháng, 4 tỉnh Tây Nguyên ghi nhận 75 ca dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu (Đắk Nông 28 ca, Kon Tum 24 ca, Gia Lai 20 ca và Đắk Lắk 3 ca) và đã có 3 ca tử vong.

Hiện, diễn biến dịch bệnh bạch hầu toàn vùng Tây Nguyên có xu hướng khó lường, không theo quy luật thông thường trước đây, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Điều đáng quan tâm là tỷ lệ người mắc bệnh không chỉ ở lứa dưới 7 tuổi mà đã lan rộng ra mọi độ tuổi, với gần 90% hơn 7 tuổi.

1 người dương tính, cách ly cả làng

Hôm 7/7, Đắk Lắk ghi nhận ca nhiễm bạch hầu đầu tiên tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk. Ngành y tế tỉnh này đã cách ly toàn bộ khu vực trên để theo dõi.

Buôn Diêo với hàng trăm hộ dân hiện được cách ly.

Sáng hôm sau khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên, 3 ngã đường vào buôn Diêo bị phong tỏa, lực lượng các ngành chốt trực tại 3 điểm để không cho ai ra vào.

Buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk được cách ly hoàn toàn để chống dịch.

708 người trong buôn được hỗ trợ tiêm phòng bạch hầu. Sáng 9/7, hàng trăm người dân tại xã Bông Krang đưa theo con đến Trạm y tế xã Bông Krang để tiêm ngừa. Với số lượng người đến tiêm đông, 8 y, bác sĩ của trạm này hoạt động hết công suất.

Bác sĩ Võ Huỳnh Mỹ Tuyên, cán bộ Trạm y tế xã Bông Krang, cho biết lượng người dân đưa con đến tiêm phòng nhiều gấp đôi ngày thường.

Tiêm ngừa bạch hầu ở Trạm y tế xã Bông Krang.

Ẵm 2 con nhỏ 6 và 2 tuổi đến Trạm y tế xã Bông Krang tiêm thuốc phòng bạch hầu cho con, chị H’Chi Triek (23 tuổi, ngụ Buôn Yon) cho biết chị rất lo. Ngày 8/7 Trạm y tế xã thông báo, nên hôm sau chị đưa các con đi chích ngừa từ sáng sớm.

Chị H’Chi Triek đưa con đến điểm chích ngừa bạch hầu.

“Trước có dịch Covid-19, nay bùng phát dịch bạch hầu nên mọi người lo lắng. Tôi sợ nhất là những đứa nhỏ và người già vì sức yếu. Mùa này đang khó khăn chuyện nương rẫy, lại gặp dịch nên gia đình thiếu cái ăn. Mong dịch sớm qua để người dân đi làm trở lại”, chị H’Chi nói.

Người dân trong buôn được nhận thuốc điều trị bạch hầu miễn phí.

Dịch bệnh, người dân trong buôn không thể đi làm mà ở nhà để trông trẻ. Bà H’Đối Buốc, Bí thư chi bộ buôn Diêo, cho biết buôn có 50% là hộ nghèo nên dịch bùng phát gặp rất nhiều khó khăn vì không có nguồn thu nhập. Người dân ở đây chủ yếu làm ruộng và đi làm thuê.

Dịch bệnh khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn vì không thể đi làm nương rẫy. Phần lớn mọi người ở nhà trông trẻ con.

Theo bà H’Đối hôm phát hiện dịch, Trung tâm y tế huyện Lắk xuống phun thuốc toàn bộ nhà của người mắc bệnh và hàng xóm, cấp thuốc uống dự phòng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng trạm Y tế xã Bông Krang, cho biết đây là lần đầu tiên địa phương có dịch bạch hầu. Địa phương cũng chủ động trong công tác phòng bệnh từ dịch Covid-19 nên khi bệnh bạch hầu xuất hiện, chính quyền không lúng túng. Tuy nhiên, chính quyền lo lắng vì chưa xác định được ca này mắc tại chỗ hay lây nhiễm từ bên ngoài.

Toàn buôn Diêo được khử trùng ngay sau khi phát hiện trường hợp dương tính với bạch hầu.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng khoa Nhi nội nhiễm, Trung tâm y tế huyện Lắk, cho biết bệnh nhân H’Buôn Jê (52 tuổi, ngụ buôn Diêo) là người đầu tiên dương tính bạch hầu ở Đắk Lắk.

Ngày 6/7, bà được bác sĩ chẩn đoán viêm Abidam ác mũ. Tuy nhiên, khi bệnh nhân vào khoa nhiễm, y bác sĩ tại đây nhận thấy bà có giả mạc nên nghi ngờ nhiễm bạch hầu. Lúc này, bệnh viện chuyển bệnh nhân xuống khu vực cách ly và thông báo với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) để lấy mẫu xét nghiệm.

Bà H’Buôn Jê được cán bộ y tế theo dõi điều trị bạch hầu. Đây cũng là ca nhiễm đầu tiên ở Đắk Lắk.

Trong khi chờ kết quả, bệnh viện đã điều trị bệnh nhân này theo hướng nhiễm bạch hầu. Đến chiều 7/7, Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên có thông báo bệnh nhân dương tính với bạch hầu nên đơn vị tiếp tục điều trị bệnh này theo phác đồ của Bộ Y tế.

Ca này nhập viện trong tình trạng sốt 38 độ, đau họng, có giả mạc 2 bên. Sau khi điều trị 2 ngày, giả mạc biến mất, bệnh nhân hết sốt, mạch và huyết áp ổn định.

Vị trưởng khoa cho biết thêm, đơn vị cũng đang điều trị cho một ca nghi nhiễm bạch hầu. Đơn vị đã lấy mẫu gửi CDC xét nghiệm.

Đến chiều 12/7, Đắk Lắk ghi nhận thêm 2 trường hợp tại thôn 7, xã Cư Króa, huyện M'Đrắk, dương tính với dịch bạch hầu. Địa phương này đã cách ly toàn thôn 7, với 1.247 người để theo dõi và kiểm soát dịch bệnh.

Theo ngành y tế tỉnh Đắk Lắk, 36 trẻ dưới 14 tuổi trong thôn 7 không có trẻ nào tiêm vắc xin 5 trong 1 (vắc xin phòng bệnh bạch hầu).

Kiểm soát tâm dịch Đắk Nông

Trong 4 tỉnh Tây Nguyên xuất hiện bạch hầu, Đắk Nông là địa phương có ca nhiễm và tử vong nhiều nhất (28 ca nhiễm, 2 trường hợp tử vong). Nơi này đã cách ly hàng nghìn người để theo dõi, điều trị bệnh bạch hầu.

Sầm Văn Thiện (20 tuổi, ngụ thôn Phú Vinh, xã Quảng Hòa, huyện Krông Nô), cùng 3 người thân đang điều trị bạch hầu tại Trung tâm y tế huyện. Đây là 1 trong 2 gia đình có nhiều người mắc bệnh bạch hầu nhất tỉnh Đắk Nông.

Sầm Văn Thiện được điều trị bệnh tại Trung tâm y tế huyện Krông Nô.

Nằm điều trị tại Trung tâm y tế huyện Krông Nô, Sầm Văn Thiện cho biết ngày 1/7, anh cảm thấy cổ họng đau rát nên tự soi gương kiểm tra. Khi phát hiện một bên họng có giả mạc nên báo gia đình đưa đến bệnh viện khám.

“Các bác sĩ kết luận em nhiễm bệnh bạch hầu nên đưa vào khu vực cách ly. Em đang thi học kỳ II, còn 3 môn cuối thì em bị nhiễm bệnh. Ban đầu vào đây buồn, nhưng giờ em đã quen”, Thiện nói.

Nằm cách phòng con trai một vách ngăn, bà Hoàng Thị Khầu (48 tuổi, mẹ Thiện) cho biết cả nhà nhập viện nên rất lo lắng. Ngoài nỗi lo dịch bệnh, họ còn lo không đủ tiền trả viện phí.

Bà Khầu và mẹ, 2 con đang được điều trị bạch hầu. Tình trạng bệnh tiến triển tốt.

“Gia đình có 4 người vào viện vì nhiễm bệnh nên tự chăm nhau. Chồng và 2 con gái không nhiễm bệnh nên tự chăm nhau ở nhà. Tôi mong sớm khỏi bệnh để được về nhà”, bà Khầu nói.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Phạm Ngọc Biên, Phụ trách bộ phận truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Krông Nô, cho biết từ khi dịch bùng phát đơn vị đã điều trị khỏi bệnh cho 3 trường hợp.

Hiện trung tâm điều trị cho 5 bệnh nhân nhiễm bạch hầu, trong đó ca điều trị lâu nhất là 10 ngày. Trong đó, 3 ca là người nhà của Sầm Văn Thiện. Đơn vị đang đợi kết quả xét nghiệm để cho ca này xuất viện. Đơn vị đang theo dõi bệnh nhân để đề phòng các biến chứng ở những tuần sau.

Sức khỏe của bà Khầu và mẹ đang tiến triển tốt.

Ca mới nhất bước vào điều trị ngày thứ 5. Sau khi đưa vào viện điều trị, tất cả bệnh nhân đã hết đau họng, không sốt.

Theo bác sĩ Biên, khó khăn trong việc điều trị bệnh bạch hầu của đơn vị tuyến huyện là cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đủ.

Để điều trị cho một bệnh nhân bạch hầu thì phải có con người, trang thiết bị, thuốc. Đối với những ca phát hiện sớm thì đơn vị có thể điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Còn đối với những ca nặng hơn thì phải chuyển tuyến trên.

Sự trở về của Bảo

Sáng 10/7, phóng viên đến Nhà may mắn (tên gọi khác của Trung tâm bảo trợ xã hội huyện Krông Nô) đóng tại xã Đắk Sor, huyện Krông Nô, tìm gặp Quách Hải Bảo. Bảo 8 tuổi, đang theo học tại đây. Em vừa khỏi bệnh bạch hầu.

Mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường với Bảo sau bệnh. Hòa cùng các bạn trong lớp, em vui vẻ tập các tiết mục văn nghệ chuẩn bị cho lễ kết thúc năm học.

Bảo cho biết hôm bị bệnh là khi em về thăm gia đình ngày cuối tuần. Lúc đó họng đau rát rất khó chịu nên Bảo được bố mẹ đưa đến bệnh viện khám và được nhập viện ngay lập tức.

“Lúc ở bệnh viện con rất sợ vì ở một mình không có bố mẹ ở bên. Được các bác sĩ và y tá quan tâm nên sau đó con quen dần. Sau 2 ngày uống thuốc, con đỡ đau họng và sốt. Sau đó hơn tuần thì con được cho về”, Bảo nhớ lại.

Nụ cười đã trở lại với Bảo sau thời gian chiến đấu với bệnh bạch hầu.

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Biên, Bảo nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau họng, có giả mạc nhưng không rõ ràng. Khi trung tâm lấy mẫu gửi đi xét nghiệm thì cho kết quả dương tính với bệnh bạch hầu. Trong ngày đầu ở bệnh viện, Bảo lo lắng nhưng em nghe lời, hòa đồng.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Nhà may mắn cho biết Bảo học lớp 3 tại trường. Sau thời gian điều trị bệnh, hiện sức khỏe của Bảo đã ổn định, sinh hoạt bình thường.

Bảo trở lại học tập và sinh hoạt ở Nhà may mắn như lúc trước.

Bảo là một trong số ca khỏi bạch hầu ở Tây Nguyên. Việc chiến thắng dịch bệnh của em khiến người dân trong buôn tin tưởng vào y học và sự tận tâm của những lương y.

Theo Zingnews

Link gốc : https://zingnews.vn/song-giua-con-bao-bach-hau-o-tay-nguyen-post1105518.html

Bạn đang đọc bài viết CƠN BÃO BẠCH HẦU Ở BUÔN LÀNG TÂY NGUYÊN tại chuyên mục Tin tức 24h qua. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h qua