Mục tiêu của kế hoạch là 95% đối tượng nguy cơ và cộng đồng được tiêm chủng đủ mũi vaccine COVID-19 theo từng đợt phân bổ vaccine.
Các đối tượng triển khai là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...); quân đội; công an; nhân viên, cán bộ ngoại giao nước ngoài của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...;
Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.
Phạm vi triển khai sẽ ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng trên tại các tỉnh, thành phố đang có dịch; trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm chủng trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch; tỉnh, thành phố có các đô thị lớn, có mật độ dân số cao, có nhiều khu công nghiệp; tỉnh, thành phố có đầu mối giao thông quan trọng. Hình thức triển khai sẽ tổ chức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động.
Lộ trình triển khai cụ thể là, đợt 1, nguồn vaccine mua của Tập đoàn AstraZeneca với số lượng 117.600 liều cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, bao gồm: nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19; người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên, cán bộ lấy mẫu xét nghiệm); quân đội, công an.
Phạm vi triển khai đợt 1 tại 13 tỉnh, thành phố hiện đang có dịch bao gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Gia Lai, Bình Dương, Điện Biên và Hà Giang, trong thời gian tháng 3-4/2021.Các đợt tiêm chủng tiếp theo sẽ được triển khai căn cứ theo tiến độ cung ứng vaccine thực tế. Bộ Y tế sẽ hướng dẫn cụ thể theo từng đợt.
Về kinh phí thực hiện, kinh phí Trung ương sẽ chi cho các hoạt động: mua vaccine, vật tư tiêm chủng (bơm kim tiêm, hộp an toàn,...), vận chuyển và bảo quản, tăng cường năng lực hệ thống dây chuyền lạnh tuyến Trung ương, các hoạt động tập huấn cho tuyến tỉnh, xây dựng các thông điệp truyền thông, triển khai các hoạt động truyền thông tại tuyến Trung ương.
Kinh phí địa phương chi cho các hoạt động như mua vaccine (đối với tỉnh, thành phố cân đối được ngân sách) theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, vận chuyển và bảo quản vaccine từ tuyến Trung ương về địa phương và tại địa phương, các hoạt động tập huấn cho Trung tâm Y tế huyện, các điểm tiêm chủng trên địa bàn, bơm kim tiêm, các dụng cụ, vật tư phục vụ tiêm chủng... các hoạt động truyền thông tại địa phương, công tiêm, kiểm tra giám sát tiêm chủng.
Cũng theo Kế hoạch này, Cục Y tế dự phòng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng bao gồm cả cơ sở khám chữa bệnh; giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng, biểu mẫu báo cáo tình hình sử dụng vaccine và sự cố bất lợi sau tiêm chủng, theo dõi việc triển khai kế hoạch sau khi phê duyệt.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh có trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch này tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Phối hợp xây dựng hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng tại cơ sở khám bệnh chữa bệnh; sàng lọc trước tiêm và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
Ảnh minh họa
Cục Quản lý Dược chịu trách nhiệm nhập khẩu, hướng dẫn, thực hiện các thủ tục cấp giấy phép lưu hành, giấy phép nhập khẩu vaccine phòng COVID- 19 trong thời gian sớm nhất, bảo đảm vaccine được đưa vào sử dụng kịp thời, đúng quy định và bảo đảm chất lượng;
Cục Khoa học và Đào tạo chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện đánh giá tính an toàn của vaccine trong tiêm chủng; Cục Quản lý Môi trường y tế chịu trách nhiệm xây dựng hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các quy trình xử lý rác thải trong quá trình sử dụng vaccine phòng COVID -19 theo quy định. Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương mua, tiếp nhận, bảo quản, phân phối và tổ chức triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường hệ thống dây chuyền lạnh tại các tuyến.
Các Viện thuộc hệ thống Y tế dự phòng chịu trách nhiệm tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vaccine; tập huấn, truyền thông, tổ chức thực hiện và giám sát hoạt động tiêm chủng theo phân công; theo dõi và xử lý các sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm Y tế có trách nhiệm kiểm định chất lượng vaccine đảm bảo đúng tiến độ, quy trình đã được phê duyệt.
Các nhà phân phối, nhập khẩu vaccine xây dựng kế hoạch nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển vaccine khi có yêu cầu của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế; chịu trách nhiệm về việc bảo quản, vận chuyển vắc xin và đảm bảo cung ứng vắc xin theo kế hoạch.
Các bệnh viện Trung ương, bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng/Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố, Trung tâm Y tế dự phòng huyện, bệnh viện huyện, trạm Y tế xã/phường, các cơ sở tiêm chủng nhà nước và tư nhân, các đơn vị được huy động theo yêu cầu có chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng COVID-19.