Tuy nhiên, đến nay chính quyền địa phương chưa thể có giải pháp để chấm dứt, khắc phục tình trạng này.
Khai thác đất đồi trái phép làm 'chảy máu' tài nguyên quốc gia
Thời gian gần đây, Tòa soạn Tài chính Doanh nghiệp nhận được nhiều phản ánh về tình trạng khai thác đất đồi trái phép tại địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang. Việc khai thác này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của bà con cũng như nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông qua địa bàn này.
Điều đáng nói, tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra trong một thời gian dài, hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm lại cách trụ sở UBND xã Tân Thanh không xa, nhưng phía chính quyền địa phương không có biện pháp khắc phục.
Người dân địa phương cho biết: "Họ khai thác đất cả ngày lẫn đêm, xe chạy ầm ầm khiến người dân chúng tôi mất ăn mất ngủ, ồn ào. Ngày mưa thì nhầy nhụa, ngày nắng thì bụi bặm. Tình trạng này chúng tôi bức xúc vô cùng".
Mục sở thị tại hiện trường, PV quan sát thấy có 2 máy xúc đang làm việc và có rất nhiều xe tải ba chân, bốn chân ra vào lấy đất tấp nập.
Ngoài ra, tại Thôn Gai, xã Xuân Hương cũng tồn tại một điểm khai thác trái phép. Điểm mỏ trái phép này khá tinh vi khi chỉ hoạt động khai thác vào ban đêm. Những chuyến xe ra vào tấp nập, máy xúc hoạt động ầm ĩ cả một khu.
Theo tìm hiểu được biết, hiện tại huyện Lạng Giang có 3 mỏ được cấp phép khai thác đất san lấp để phục vụ nhu cầu san lấp của một số dự án trên toàn địa bàn huyện. Tuy nhiên, địa điểm khai thác đất tồn tại ở xã Tân Thanh không nằm trong số các mỏ được UBND tỉnh Bắc Giang cấp phép.
Tuy nhiên, điều đáng nói là hoạt động khai thác đất trái phép trên diễn ra rầm rộ, gây thất thu ngân sách, chảy máu tài nguyên nhưng lại không bị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý.
Không tuân thủ đúng giấy phép khai thác
Theo tìm hiểu của PV, huyện Lạng Giang có tất cả 3 điểm mỏ được cấp phép khai thác đất san lấp nhằm phục vụ nhu cầu san lấp của các dự án trên địa bàn.
Cụ thể: Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Quang Huy được cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất san lấp mặt bằng) bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực Rừng Nghè, thôn Hố Vầu, xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang. Giấy phép số 1574/QĐ-UBND của tỉnh Bắc Giang ngày 10/10/2018.
Công ty TNHH Trung Hiếu được cấp phép khai thác khoảng sản (đất làm vật liệu san lấp) bằng bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực Cây Vả, thôn Hố Vầu, xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang theo giấy phép số 361/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang ngày 5/5/2020.
Công ty TNHH MTV Tiền Phương Bắc được cấp phép khai thác khoáng sản (đất làm vật liệu san lấp) bằng bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực khe Cô Tư, thôn Kép 11, xã Hương Sơn và thôn Má Bắp, xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang theo giấy phép số 359/QĐ-UBND của của UBND tỉnh Bắc Giang ngày 5/5/2020.
Tuy nhiên, theo phản ánh cả ba đơn vị này trong quá trình hoạt động đã không tuân thủ đúng và đủ các quy định trong giấy phép khai thác đã được cấp.
Cụ thể, các đơn vị này tuy chỉ được cấp phép khai thác đất san nền một số dự án trên địa bàn nhưng hầu hết các mỏ này đều khai thác để bán cho các nhà máy gạch làm nguyên liệu sản xuất.
Theo yêu cầu của giấy phép,các đơn vị có trách nhiệm "lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản khai nguyên ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại khu vực khai thác để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan. Không sử dụng phương tiện cơi nới thành thùng, không bốc xúc, vận chuyển quá khổ, quá tải trọng cho phép".
Tại Điều 3 của giấy phép có nêu rất rõ, doanh nghiệp chỉ được phép tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản (đất san lấp mặt bằng) sau khi đã nộp lệ phí cho phép khai thác khoáng sản theo quy định tại Sở Tài nguyên và Môi trường; lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại khu vực khai thác để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.
Trong quá trình xác minh thông tin phản ánh, PV nhận thấy ở tất cả các mỏ khai thác đất đều không hề được lắp đặt trạm cân như trong giấy phép.
Lý giải lý do vì sao các đơn vị này không tuân thủ các điều khoản trong giấy phép khai thác nhưng vẫn không bị chính quyền địa phương xử lý, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạng Giang cho rằng: Việc các mỏ có trạm cân để kiểm soát tải trọng là tình trạng chung của cả tỉnh. Việc lắp đặt trạm cân chi phí cao nên các doanh nghiệp không đủ khả năng tài chính để thực hiện. Còn tình trạng các đơn vị được cấp phép khai thác đất san nền nhưng lại đi khai thác đất để bán cho các nhà máy gạch làm nguyên liệu thì hiện tại phòng Tài nguyên và Môi trường Lạng Giang sẽ kiểm tra lại.
Ngoài ra, theo thông tin phản ánh, các phương tiện vận chuyển tại đây đều được cơi nới thùng, chở quá khổ, quá tải nhưng không bị xử lý.
Theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định, từ ngày 15/01/2017,các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản (trừ hộ kinh doanh) phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản khai nguyên ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.
Việc yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp lắp đặt trạm cân, camera tại khu vực mỏ là chủ trương đúng đắn, cụ thể hóa chủ trương phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông. Chủ trương này nhằm kiểm soát tài nguyên khoáng sản, tránh thất thoát, góp phần ngăn chặn xe quá khổ, quá tải tại nguồn,bảo đảm an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Trước đó, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã đề nghị UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép tạm dừng khai thác khoáng sản để lắp đặt trạm cân, camera và chỉ cho phép hoạt động trở lại sau khi đã lắp đặt xong và được xác nhận bằng văn bản.
Với các đơn vị được cấp phép mới, Sở đề nghị UBND tỉnh chỉ cho phép khai thác khi đã trang bị đầy đủ 2 thiết bị trên tại điểm mỏ. Điểm mỏ nào không thực hiện sẽ thông báo dừng hoạt động, đơn vị cố tình không chấp hành sẽ kiên quyết rút giấy phép để giao cho các doanh nghiệp khác đủ tiềm lực, chấp hành tốt chủ trương, điều kiện hoạt động.
Quy định là vậy, nhưng việc các doanh nghiệp được cấp phép khai thác trên địa bàn huyện Lạng Giang cố tình không thực hiện. Đồng thời, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương biết rõ tình trạng này nhưng không có động thái xử lý khiến dư luận không khỏi hoài nghi về việc có hay không chính quyền địa phương bao che cho các doanh nghiệp làm trái quy định pháp luật?
Bên cạnh đó, UBND huyện Lạng Giang có buông lỏng quản lý trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý những vi phạm trong việc khai thác sai phép, trái phép hay không?