Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

BamBoo Airways báo lãi hàng trăm tỷ, chuyên gia tài chính nói gì?

Thu Hà (TH-ĐTVN)/SHTT 09:26 11/01/2020

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, một thông báo đơn thuần của lãnh đạo công ty thì không đủ cơ sở xác nhận tính khả tín của vấn đề.

Hãng bay của ông Trịnh Văn Quyết cho hay lợi nhuận trước thuế trong năm 2019 của hãng ước đạt 303 tỷ đồng, dự kiến tăng lên hơn 3 lần vào năm 2020.

Chia sẻ với Bloomberg, CEO của Bamboo, ông Đặng Tất Thắng cho biết lợi nhuận trước thuế của Bamboo Airways trong năm 2019 ước đạt 303 tỷ đồng, dự kiến tăng lên 1.000 tỷ đồng vào năm 2020.

Đồng thời, hãng hàng không này dự kiến sẽ niêm yết vào quý II/2020 trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Trước đó, tháng 12/2019, Bamboo Airways cũng cho biết đã lên kế hoạch chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) mã cổ phiếu BAV với mức giá khởi điểm dự kiến 60.000 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng vốn hóa đạt 1 tỷ USD sau niêm yết.

Lãnh đạo hãng khẳng định đang xem xét, lựa chọn kỹ lưỡng các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực và kinh nghiệm, đặc biệt đến từ Mỹ, Nhật, châu Âu, với mục tiêu chào bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không dưới 160.000 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc năm 2019, Bamboo Airways thực hiện gần 20.000 chuyến bay và vận chuyển xấp xỉ 3 triệu lượt khách. Lãnh đạo hãng nhiều lần chia sẻ tham vọng sẽ có 30% thị phần hàng không nội địa ngay trong năm 2020. Zing news thông tin.

Theo kế hoạch của Bamboo Airways, hãng sẽ nâng số máy bay trong đội bay lên 50 chiếc trong năm 2020, trong đó có 12 chiếc Boeing 787-9 và 38 chiếc thân hẹp dòng A320 của Airbus.

Tính đến cuối năm 2019, hãng hàng không của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã chiếm 10% thị phần hàng không Việt Nam. Dù vậy, trên nhiều diễn đàn, giới đầu tư đã tỏ ra nghi hoặc về kết quả kinh doanh có phần thần tốc của hãng hàng không non trẻ chỉ sau 1 năm cất cánh. Bởi chỉ mới 8 tháng trước thôi, Bộ Tài chính cho biết Bamboo Airways lỗ 329 tỷ đồng sau 3 tháng cất cánh.

Tiếp đến vào tháng 6/2019, tại Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn FLC, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết thông tin rằng hãng hàng không Bamboo Airways đang thua lỗ do phải duy trì bộ máy nhân sự và cơ sở hạ tầng lớn hơn quy mô khai thác thực tế, kỳ vọng đến quý I/2020 hãng mới có thể có lãi.

"Nhiều cổ đông hỏi Bamboo Airways có lợi nhuận chưa? Tôi xin trả lời là chưa, còn đang phải bù lỗ", ông Quyết lúc đấy cho biết.

Hay mới nhất, đầu tháng 12/2019, theo Phó Chủ tịch Bamboo Airways Đặng Tất Thắng, sau gần 1 năm phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng, trong quý 1/2020, khi đưa vào khai thác 30 máy bay hãng mới bắt đầu ghi nhận có lãi.

Trên thực tế, tại thị trường hàng không nội địa, các hãng chiếm phần lớn thị phần như Vietjet hay Vietnam Airlines cũng phải mất ít nhất 3 năm mới bắt đầu công bố kết quả kinh doanh.

Với Vietjet, dù cất cánh từ năm 2011, song phải 2 năm sau, những chỉ số tài chính đầu tiên của hãng này mới được công bố. Theo đó, hãng hàng không của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chỉ đạt mức lợi nhuận trước thuế 1,3 tỷ đồng trong năm 2013. Trong khi đó, Vietnam Airlines cũng chỉ công bố báo cáo tài chính năm 2007 (12 năm sau ngày khai thác chuyến bay đầu tiên), ghi nhận khoản lãi 435 tỷ đồng.

Để có cái nhìn tổng quát về vấn đề này, Nhà đầu tư đã tham vấn ý kiến TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng. Vị chuyên gia này cho rằng thông báo của lãnh đạo Bamboo Airways là chưa đủ cơ sở để đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi không có báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, một thông báo đơn thuần của lãnh đạo công ty thì không đủ cơ sở xác nhận tính khả tín của vấn đề. Kết quả kinh doanh này cần phải được kiểm toán quốc tế thì mới có độ tin cậy cao. Do vậy, việc các công ty tuyên bố lợi nhuận của họ chưa qua kiểm toán thì nhà đầu tư cần phải chờ đến lúc cáo báo cáo đã được kiểm toán. Tạp chí Nhà đầu tư nêu rõ.

Với các hãng hàng không, trong những năm đầu hoạt động thì rất khó để có lãi, nhưng cũng không loại trừ khả năng có những công ty có thể có lãi ngay trong năm đầu, dẫu vậy trường hợp này rất hiếm.

“Vì thế để xác định vấn đề lời lỗ của một công ty thì phải chờ kiểm toán. Tại thời điểm này muốn có một báo cáo kiểm toán của năm 2019 thì cần phải đợi khoảng 3 tháng nữa”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, về vấn đề kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp thì cần phải căn cứ vào số liệu trong báo cáo tài chính mới có thể kết luận.

Tờ Viettimes nhận định từ tháng 4/2019, theo số liệu tại Bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 30/4/2019, Bamboo Airways vó vốn chủ sở hữu là 981,47 tỷ đồng (trong đó: vốn góp là 1.300 tỷ; lợi nhuận chưa phân phối là -318,5 tỷ đồng); tổng nguồn vốn là 2.200,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng nợ phải trả ngắn hạn là 1.219 tỷ đồng (trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 700,6 tỷ đồng, doanh nghiệp không có nợ dài hạn); Tỷ lệ Nợ phải trả/Tổng nguồn vốn là 55,4%; Lợi nhuận sau thuế là -329,4 tỷ đồng.

“Do doanh nghiệp mới bắt đầu khai thác kinh doanh từ đầu năm 2019, do đó tại thời điểm này chưa có đủ cơ sở để đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và năng lực huy động vốn đầu tư từ nguồn doanh thu khai thác để bù đắp khoản vốn đầu tư tăng thêm như trong thuyết minh điều chỉnh Dự án (huy động 7.000 tỷ đồng, chiếm 84,34% tổng mức đầu tư)”, Bộ Tài chính đánh giá.

Cũng theo Bảng cân đối kế toán, tại ngày 30/4/2019, Bamboo Airways có vốn góp là 1.300 tỷ; tổng nguồn vốn là 2.200,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn lại đạt tới 1.062,4 tỷ đồng (chiếm 48,27% tổng tài sản). Cấu trúc này khiến Bộ Tài chính đặt vấn đề: “Như vậy, số vốn góp chủ sở hữu của Công ty Tre Việt chủ yếu đang được Công ty sử dụng một phần để cho vay ngắn hạn. Song chưa có thuyết minh cụ thể về đối tượng vay, tài sản đảm bảo, phương án thu hồi các khoản vay, vì vậy có thể có những khó khăn trong việc thu hồi để đáp ứng tiến độ triển khai Dự án”.

Không chỉ “soi” báo cáo tài chính (BCTC) của Bamboo Airways, Bộ Tài chính tham chiếu cả BTCTC đã được kiểm toán độc lập năm 2008 của CTCP Tập đoàn FLC – công ty mẹ của Bamboo Airways.

Dẫn số liệu nợ phải trả đạt 13.697 tỷ đồng của FLC tại thời điểm 31/12/2018, chiếm 59,3% tổng tài sản (nguồn vốn), tỷ lệ Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu là 146%, Bộ Tài chính nhận xét “hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty FLC phụ thuộc nhiều vào hình thức huy động vốn bằng vay nợ.”

Bạn đang đọc bài viết BamBoo Airways báo lãi hàng trăm tỷ, chuyên gia tài chính nói gì? tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay