Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Tiền phạt xử lý vi phạm giao thông: Bộ trưởng Công an lên tiếng

Tiền Phong 07:25 08/01/2020

Bộ trưởng Tô Lâm nói gì về việc lực lượng công an giữ lại 70% tiền xử phạt? ​

Xử lý vi phạm giao thông

Theo Thông tư 89 của Bộ Tài chính, lực lượng công an được giữ lại 70% số tiền xử phạt vi phạm Trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tài xế sử dụng rượu, bia sẽ bị xử phạt lên đến 40 triệu đồng. Như vậy, số tiền xử phạt đối với người vi phạm giao thông sẽ tăng vọt trong năm 2020, đồng nghĩa với việc lực lượng công an được giữ lại khoản tiền lớn tương ứng 70%.

Trao đổi qua điện thoại với Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tất cả số tiền lực lượng công an xử phạt đều nộp về Ngân sách Nhà nước và sẽ được phân bổ cụ thể trung ương là bao nhiêu, địa phương là bao nhiêu dựa theo quy định của luật pháp.

Số tiền đó sử dụng vào việc mua sắm thiết bị hay sử dụng vào việc gì đều căn cứ vào danh mục cụ thể của Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng – Cục trưởng CSGT (Bộ Công an) cho biết, năm 2019, lực lượng CSGT toàn quốc đã lập biên bản hơn 4,1 triệu lượt trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt hơn 2.764 tỷ đồng; tước 342.300 GPLX; tạm giữ 652.078 phương tiện.

Như vậy, theo Thông tư 89 của Bộ Tài chính, lực lượng CSGT có thể giữ lại khoảng 1.934 tỷ

Năm 2018, Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý 4.176.791 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền 2.613 tỷ 587 triệu đồng. Với con số này, lực lượng CSGT có thể sẽ giữ lại 1.829 tỷ.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đã ký văn bản báo cáo liên quan đến nội dung trên. Thực hiện chỉ đạo của phó thủ tướng Chính phủ và căn cứ vào nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/2007/TT-BTC hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa phù hợp với pháp luật ngân sách nhà nước.

Theo Thông tư 89, việc phân bổ tiền thu phạt vi phạm hành chính được thực hiện như sau: Trích 70% cho lực lượng Công an tham gia giữ gìn TTATGT; Trích 10% cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải hoạt động tại địa phương để sử dụng cho công tác bảo đảm TTATGT của địa phương, bao gồm cả việc sử dụng để hỗ trợ kinh phí cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải của Trung ương đóng và hoạt động ổn định tại địa phương theo các nội dung quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Mục IV Thông tư này.

Trong đó, nếu tại địa phương có Trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thuỷ nội địa đóng và hoạt động thì: Trích 2% cho Trạm cân kiểm tra xe nhưng tổng số tiền trích không quá 30% số thực thu tiền phạt nộp vào tài khoản tạm giữ phát sinh tại Trạm cân; Trích 2% cho Cảng vụ đường thuỷ nội địa nhưng tổng số tiền trích không quá 40% số thực thu tiền phạt nộp vào tài khoản tạm giữ phát sinh tại Cảng vụ.

Trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thuỷ nội địa sử dụng nguồn kinh phí được trích trên cho các nội dung quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Mục IV Thông tư này.

Trích 10% cho Ban An toàn giao thông của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trích 10% cho các lực lượng khác trực tiếp tham gia vào công tác TTATGT tại quận, huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn (trừ lực lượng Công an và Thanh tra giao thông vận tải địa phương).

Năm 2018, TP HCM đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu theo hướng tham mưu Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quy định cụ thể tỷ lệ phân chia nguồn thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông của ngành công an trên địa bàn dành cho ngân sách Trung ương 30%, ngân sách địa phương 70%.

Bạn đang đọc bài viết Tiền phạt xử lý vi phạm giao thông: Bộ trưởng Công an lên tiếng tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay