Mục tiêu của báo chí và doanh nghiệp cũng là mục tiêu chung, đó là làm sao để phát triển kinh tế.
Ông Hồ Quang Lợi nói: “Những năm qua, các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong nỗ lực thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tạo diễn đàn để DN bày tỏ quan điểm, phản ánh những quan điểm, tiếng nói chính đáng, hợp pháp của DN. Có thể nói, những cải thiện mạnh mẽ về môi trường kinh doanh trong thời gian qua có vai trò lớn của báo chí.
Thông qua báo chí, DN nắm bắt nhiều thông tin hơn. Tình hình chính trị ở nơi nào ổn định thì có thể đầu tư vào, nơi nào có bất trắc thì điều chỉnh chiến lược của mình. Báo chí được xem là kênh chính quảng bá thương hiệu, sản phẩm của DN bởi báo chí là phương tiện chính thống, phổ biến, được cộng đồng dân cư chú ý nhất. Bởi thế, mối quan hệ giữa DN và báo chí là mối quan hệ tự nhiên, qua lại hữu cơ, có đi có lại.
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam. Ảnh: Nguồn Internet |
DN cần báo chí để có thông tin phục vụ sản xuất - kinh doanh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình, khích lệ thành quả lao động sáng tạo. Ngược lại, báo chí coi DN, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, đa dạng trong hoạt động nghiệp vụ, phục vụ nhu cầu thông tin của xã hội. DN còn là nguồn hỗ trợ tài chính quan trọng, không thể thiếu đối với hoạt động xã hội của các cơ quan báo chí.
Trong thời kỳ hội nhập, báo chí càng có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng thương hiệu, văn hóa DN. Đó cũng là kênh cổ vũ, biểu dương và bảo vệ DN, doanh nhân; tư vấn giúp doanh nhân cải thiện, nâng cao hiệu quả chiến lược kinh doanh”.
Năm 2020 là năm nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19. Theo ông, chính phủ và báo chí cần làm gì để hỗ trợ DN trong bối cảnh đặc biệt này?
Ông Hồ Quang Lợi: Từ đầu năm đến khoảng tháng 5, Việt Nam tập trung vào việc chống dịch nên hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động của các DN gặp rất nhiều khó khăn, nhiều DN phải dừng sản xuất. do đó, khó khăn của DN rất lớn và cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế.
Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn bình thường mới, tức là vừa phải làm nhiệm vụ kiểm soát dịch tốt, vừa phải phục hồi và phát triển kinh tế. như Thủ tướng đã nói, mấy tháng chống dịch, chúng ta dồn sức để chống dịch, giống như một cái “lò xo” bị nén. Khi chúng ta bắt đầu đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường thì cái “lò xo” đó phải bật ra để có một năng lượng mới, để vươn lên bù đắp lại những tháng mà chúng ta đình trệ.
Báo chí có một trách nhiệm rất lớn, đó là phải phục vụ công tác lãnh đạo điều hành của Chính phủ, của các ngành để chúng ta huy động được cao nhất, hiệu quả nhất tất cả nguồn lực. Từ đó, thật sự tạo được động lực mới, giúp toàn bộ nền kinh tế của chúng ta khởi sắc, phục hồi và phát triển.
Chính phủ đã đề ra một chỉ tiêu là nền kinh tế của Việt Nam vào cuối năm vẫn có thể đạt tới tốc độ tăng trưởng từ 5-6%. Tôi nghĩ rằng, chỉ tiêu đó thể hiện một quyết tâm rất lớn của chính phủ, cũng như sự hưởng ứng rất mạnh của các DN và các lực lượng sản xuất.
Vì thế, báo chí phải đồng hành cùng Chính phủ và DN trong nội lực đó và quan trọng nhất là phải tạo được một bầu không khí đoàn kết, hợp tác để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất.
Một mặt nữa, báo chí phải khích lệ được tinh thần cống hiến những tinh thần vượt qua khó khăn, để nâng cao hiệu quả sản xuất. Báo chí tránh gây khó khăn cho DN, vì cũng đã có hiện tượng mặc dù đã được nhắc nhở nhưng vẫn tiếp tục gây khó cho DN bằng việc moi móc những khuyết điểm, thiếu sót của DN. Thậm chí, có những điều đã xảy ra rất lâu, nhưng vẫn moi lại và bơm vá thành những chuyện gây khó khăn cho DN.
Tôi thấy rằng, báo chí phải mang tinh thần xây dựng trong việc đồng hành cùng DN, không thể chuyện bé xé ra to, chuyện cũ cũng tìm cách bơm vá để thành những dư luận không tốt của DN trong xã hội.
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin cho biết quan điểm của ông về mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phát triển?
Ông Hồ Quang Lợi: Tôi nghĩ rằng, trước hết hai bên phải hiểu nhau. Báo chí muốn phản ánh DN thì phải hiểu đúng, hiểu rõ, hiểu thực chất tình hình của DN. Tránh chuyện không tìm hiểu một cách thấu đáo, hoặc thông tin một chiều, không khách quan.
Ở phía ngược lại, DN cũng phải hiểu báo chí, cung cấp cho báo chí những thông tin chính xác, tin cậy. Do đó, hai bên cần hiểu rõ nhu cầu của nhau, hỗ trợ nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Mục tiêu của báo chí và DN cũng là mục tiêu chung, đó là làm sao để phát triển kinh tế và báo chí cũng phải góp phần vào nhiệm vụ đó, giúp DN phát triển.
Muốn như thế, phải tạo một cơ chế hợp tác hết sức gắn bó, chia sẻ. Tuy nhiên, việc gắn bó không phải là giấu những khuyết điểm của DN. Báo chí vẫn có thể nêu những khó khăn, bất cập của DN nhưng với tinh thần tháo gỡ, xây dựng chứ không phải là kiếm chuyện hay moi móc.
Ông đánh giá thế nào về đóng góp của khối báo chí kinh tế trong sự phát triển chung của ngành báo cũng như trong sự phát triển chung của nền kinh tế? Các báo chí kinh tế nên làm gì để phát huy hơn nữa vai trò của mình trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế?
Ông Hồ Quang Lợi: Trong hệ thống báo chí Việt Nam hiện nay, có một số lượng đáng kể, cũng có thể nói khá là hùng hậu các cơ quan báo chí chuyên về kinh tế. Báo nào cũng có chuyên đề về kinh tế, bởi kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của đất nước. Do đó, không thể có một tờ báo nào mà không quan tâm đến vấn đề kinh tế.
Tuy nhiên, đối với những tờ báo chuyên về kinh tế, tôi thấy rằng thời gian vừa qua đã có những đóng góp tích cực. Hàng chục tờ báo về DN, có thể nói tờ nào cũng thể hiện được bản sắc của mình và đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền và phát huy những thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam.
Theo tôi, báo chí phải góp phần tạo một môi trường đầu tư lành mạnh, để các nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng đây là một đất nước có chế độ chính trị ổn định, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện và quyền lợi của các nhà đầu tư được bảo đảm, họ có thể yên tâm làm ăn ở Việt Nam. Việt Nam là một thị trường sinh lời, trước hết là chế độ chính trị ổn định, hai là nguồn lao động dồi dào nhưng giá rẻ.
Chưa kể đến văn hóa Việt Nam có sức hút, không chỉ với các nhà đầu tư mà còn đối với ngành du lịch. Vì vậy, báo chí phải quảng bá được văn hóa đất nước và làm cho môi trường du lịch Việt Nam hấp dẫn. Nhà đầu tư đến Việt Nam được sống trong môi trường hòa bình, hữu nghị, và một xã hội nhân văn, đoàn kết, đó cũng là điều tạo nên sức hấp dẫn đối với du lịch và môi trường đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nhà đầu tư